Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát: Yêu cầu khách quan

Hồng Sơn (thực hiện)| 23/02/2019 06:56

(HNM) - Mới đây, lần đầu tiên ngành Thống kê giới thiệu Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát, thu hút sự quan tâm sâu sắc của dư luận.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh, hoạt động thống kê khu vực này là yêu cầu khách quan của nền kinh tế.


Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm. Ảnh: Internet


- Thưa ông, vì sao đến nay Việt Nam mới đưa ra đề án này trong khi đây là thực tế đã diễn ra từ lâu?

- Khu vực kinh tế chưa được quan sát là bộ phận cấu thành nền kinh tế của tất cả các nước trên thế giới; quy mô và tính đa dạng phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, môi trường pháp lý của mỗi quốc gia. Phần lớn các hoạt động kinh tế này tạo ra việc làm và thu nhập, góp phần ổn định xã hội.

Tổng cục Thống kê nhận thức được sự tồn tại của các hoạt động kinh tế chưa được quan sát và đã có những nghiên cứu về hoạt động kinh tế phi chính thức (một trong 5 thành tố của khu vực kinh tế chưa được quan sát) từ năm 2007. Nghiên cứu các hoạt động phi chính thức và các tài liệu liên quan của quốc tế, hòa với phát triển của nền kinh tế quốc gia cho thấy, với sự phát triển nhanh của khu vực đô thị, hoạt động của khu vực kinh tế chưa được quan sát ngày càng đa dạng và quy mô ngày càng lớn. Vì vậy, năm 2018, Tổng cục Thống kê đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát.

Tôi cũng khẳng định là hoạt động thống kê khu vực này là yêu cầu khách quan, không chịu áp lực nào, cũng như không phải để làm đẹp số liệu.

- Theo ông, tổng giá trị của khu vực chưa được quan sát mỗi năm bằng khoảng bao nhiêu phần trăm GDP?

- Hiện tại, chưa thể đo đếm được ngay. Khu vực kinh tế chưa được quan sát bao gồm 5 thành tố: Hoạt động kinh tế ngầm, hoạt động kinh tế bất hợp pháp, hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát, hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê.

Thời gian qua, Tổng cục Thống kê đã thu thập thông tin và tính toán hầu hết các hoạt động thuộc thành tố phi chính thức, hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình vào tổng GDP. Căn cứ kết quả các cuộc tổng điều tra và thông tin từ hồ sơ hành chính, chúng tôi đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đánh giá kết quả sản xuất hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê và tính toán vào tổng quy mô nền kinh tế. Tuy vậy, Tổng cục Thống kê chưa bóc tách riêng hoạt động kinh tế phi chính thức và hoạt động tự sản, tự tiêu của hộ gia đình chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng GDP. Để đánh giá một cách toàn diện đóng góp của khu vực kinh tế chưa được quan sát trong tổng GDP, năm 2019, Tổng cục Thống kê sẽ đo lường thử nghiệm và trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, hoàn thiện phương pháp và công bố kết quả vào năm 2020.

- Ngành Thống kê sẽ sử dụng phương pháp gì để có thể đo đếm đầy đủ, chính xác thực trạng hoạt động của khu vực này và có khó khăn gì không?

- Bản thân cái tên “khu vực kinh tế chưa được quan sát” với nội hàm nói trên đã nói lên sự khó khăn trong quan sát, thu thập thông tin. Hơn nữa, thu thập thông tin kết quả sản xuất - kinh doanh của các hoạt động kinh tế ngầm, kinh tế bất hợp pháp rất phức tạp, khó khăn vì các đối tượng này luôn tìm cách để che giấu nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế, tránh thực hiện các thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính và các nghĩa vụ xã hội. Bên cạnh đó, còn vướng mắc trong thực tiễn như thiếu nguồn thông tin, chồng chéo về chính sách quản lý, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế. Do vậy, để thực hiện thành công đề án, chúng tôi rất cần sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan.

Để đo lường một cách toàn diện, chính xác, Tổng cục Thống kê sẽ phối hợp với các bộ, ngành xác định các loại hoạt động kinh tế của từng thành tố; xây dựng, ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê nguồn thông tin đầu vào dùng để đo lường khu vực kinh tế chưa được quan sát. Phương pháp đo lường từng chỉ tiêu phải căn cứ vào tình hình thực tế của nền kinh tế, thông tin đầu vào thu thập được. Việc lựa chọn và sử dụng các phương pháp đo lường kết quả sản xuất - kinh doanh của các hoạt động kinh tế phi chính thức chưa được quan sát; hoạt động kinh tế tự sản, tự tiêu của hộ gia đình và hoạt động kinh tế bị bỏ sót trong các chương trình thu thập dữ liệu thống kê trong nền kinh tế nước ta phải được đo lường bằng phương pháp thống kê trực tiếp để nâng cao độ chính xác. Còn hoạt động kinh tế ngầm và hoạt động kinh tế bất hợp pháp thì sử dụng phương pháp thống kê gián tiếp hoặc ước lượng bằng phương pháp lập mô hình kinh tế vĩ mô.

- Ông có cho rằng nếu làm tốt công tác thống kê khu vực này cũng là một cú hích để thúc đẩy hộ gia đình tự giác chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp không?

- Làm tốt công tác thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát nhằm đánh giá đúng vai trò của khu vực này trong nền kinh tế; từ đó giúp Chính phủ có chính sách phù hợp, bình đẳng cho khu vực này và các khu vực khác hoạt động, phát triển.

Tổng cục Thống kê không đề xuất việc điều chỉnh hay xác định trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Việc chuyển đổi mô hình đó phụ thuộc vào các quy định về kế toán, thuế cũng như nhiều quy định khác áp dụng đối với doanh nghiệp.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thống kê khu vực kinh tế chưa được quan sát: Yêu cầu khách quan

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.