Theo dõi Báo Hànộimới trên

Minh bạch tuyển sinh, thuận lợi cho người học

Thống Nhất| 07/04/2019 06:47

(HNM) - Sau gần 10 năm áp dụng phương thức kết hợp thi tuyển với xét tuyển, năm học 2019-2020 là năm học đầu tiên Hà Nội áp dụng phương thức thi tuyển và áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh lớp 10.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Văn Đại.


Đây cũng là năm học Hà Nội tập trung huy động nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất trường học; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng tính minh bạch, tạo nhiều thuận lợi nhất cho người học, giảm mối lo về việc không có chỗ học của phụ huynh mỗi mùa tuyển sinh. Để làm rõ hơn những vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Tăng minh bạch, giảm vất vả

- Đã bước sang năm thứ tư áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến, ông có thể chia sẻ về những kết quả đã đạt được?


- Nhằm cụ thể hóa chủ trương của thành phố Hà Nội trong việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, từ năm học 2016-2017, bên cạnh hình thức tuyển sinh truyền thống là trực tiếp đến trường, phụ huynh học sinh có thể sử dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để làm thủ tục tuyển sinh khi con đến tuổi vào lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Phát huy kết quả triển khai thời gian qua, năm học 2019-2020, Hà Nội tiếp tục áp dụng song song hai hình thức tuyển sinh với các lớp đầu cấp là tuyển sinh trực tiếp và tuyển sinh trực tuyến.

Qua ba năm triển khai, đến thời điểm hiện tại, phần mềm tuyển sinh trực tuyến ngày càng hoàn thiện hơn, giúp người dùng dễ tiếp cận, dễ thao tác, tránh được những sai sót khi đăng ký tuyển sinh.

- Thông tin về việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mở rộng phạm vi áp dụng hình thức trực tuyến đối với công tác tuyển sinh lớp 10 đang thu hút sự quan tâm của học sinh. Việc này có được áp dụng ngay từ mùa tuyển sinh của năm học 2019-2020 không và học sinh cần chuẩn bị những gì, thưa ông?

- Năm học 2019-2020, Hà Nội sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển sinh lớp 10. Theo đó, ở khâu xác nhận nhập học, tùy theo điều kiện thực tế, học sinh có thể thực hiện thủ tục này theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp. Với hình thức trực tuyến, học sinh đăng nhập vào tài khoản sổ liên lạc điện tử để xác nhận nguyện vọng trúng tuyển. Trong trường hợp không sử dụng hình thức xác nhận nhập học trực tuyến, học sinh mang bản sao phiếu báo kết quả tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 đến nộp trực tiếp tại trường nơi mình trúng tuyển.

- Có ý kiến cho rằng, việc xác nhận nhập học theo hình thức trực tuyến có thể sẽ xảy ra sơ suất để đỗ thành trượt hoặc ngược lại; việc đến trường trực tiếp làm thủ tục vẫn “chắc ăn” hơn cả, nhất là trong bối cảnh số học sinh tăng. Băn khoăn này liệu có làm giảm hiệu quả của chủ trương mở rộng phạm vi tuyển sinh theo hình thức trực tuyến?

- Trước hết, phải khẳng định rõ hơn về ưu điểm của hình thức trực tuyến trong việc xác nhận nhập học đối với tuyển sinh lớp 10 tại Hà Nội năm học 2019-2020. Theo đó, học sinh có thể thay đổi nguyện vọng trúng tuyển (với trường hợp học sinh trúng tuyển nhiều nguyện vọng) trên môi trường mạng trong thời gian quy định về việc xác nhận nhập học, cụ thể là từ ngày 20 đến trước 24h ngày 22-6-2019. Học sinh không cần lo lắng về việc liệu có sai sót để đỗ thành trượt hoặc ngược lại, bởi khi truy cập vào hệ thống, toàn bộ nguyện vọng trúng tuyển của học sinh đó sẽ hiện ra, các em chỉ cần chọn vào nguyện vọng mong muốn và bấm xác nhận.

Tâm lý băn khoăn, lo lắng trước mỗi chủ trương mới là điều dễ hiểu và đã từng xảy ra ở thời điểm ban đầu khi Hà Nội áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến để tuyển sinh vào các lớp mẫu giáo 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Đã có phụ huynh hoàn thành thủ tục tuyển sinh trực tuyến, song vẫn lo lắng, sợ con không có chỗ học. Tuy nhiên, ba năm vừa qua, tại các trường học của Hà Nội chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra; tỷ lệ đăng ký tuyển sinh trực tuyến ở nhiều đơn vị đạt từ trên 80% đến 100%, điển hình như Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Thanh Oai, Mỹ Đức... Phụ huynh học sinh đều có chung nhận định: Hình thức trực tuyến đã làm tăng tính công khai, minh bạch, giảm vất vả về thủ tục, thời gian và chi phí đi lại cho phụ huynh; mối lo về nguy cơ tiêu cực trong tuyển sinh giảm nhiều.

- Với những phụ huynh học sinh không có điều kiện hoặc khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, việc áp dụng hình thức trực tuyến trong tuyển sinh liệu có làm khó họ?

- Như tôi đã nói ở trên, hình thức tuyển sinh trực tuyến được áp dụng song song với hình thức tuyển sinh trực tiếp, phụ huynh hoàn toàn yên tâm, dù thực hiện theo bất cứ hình thức nào. Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo, nhà trường bố trí nhân lực, phương tiện để hỗ trợ phụ huynh trong suốt thời gian tổ chức tuyển sinh. Ngoài ra, Hà Nội cũng công khai số điện thoại đường dây nóng của 30 quận, huyện, thị xã để tiếp nhận những thông tin liên quan đến công tác tuyển sinh và kịp thời hỗ trợ, giải quyết, nếu có bất thường.

- Xin ông cho biết cụ thể về thời gian tuyển sinh của các nhà trường?


- Các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội áp dụng thống nhất lịch tuyển sinh từ ngày 1 đến hết ngày 9-7-2019 (với hình thức trực tuyến) và từ ngày 13 đến hết ngày 18-7-2019 (với hình thức trực tiếp).

Không để học sinh thiếu chỗ học


- Hà Nội đang đối diện với thách thức lớn từ gia tăng dân số cơ học, dẫn đến những áp lực về chỗ học cho học sinh. Giải pháp nào cho vấn đề này và liệu có xảy ra hiện tượng thiếu chỗ học không, thưa ông?

- Đến nay, Hà Nội đã cơ bản đáp ứng được mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non, một trường tiểu học và một trường trung học cơ sở công lập. Tuy nhiên, tại một số quận, huyện, thị xã còn hiện tượng quy mô học sinh/lớp cao hơn so với điều lệ. Nguyên nhân là thiếu trường cục bộ, phần còn lại do tâm lý chọn “trường điểm” của một số phụ huynh. Chuẩn bị cho năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đang tích cực triển khai nhiều dự án xây mới, cải tạo trường học; ưu tiên kinh phí để xây dựng trường học ở những địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh và nơi có khu công nghiệp; đồng thời, rà soát bổ sung quỹ đất, kinh phí để đưa vào kế hoạch xây dựng trường học. Đa dạng hóa các loại hình trường, tạo điều kiện để các trường ngoài công lập phát triển, góp sức với hệ thống trường công lập trong việc đáp ứng nhu cầu học tập, không để bất kỳ một học sinh nào không có chỗ học.

- Việc xây dựng trường học tại địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, nơi có khu công nghiệp đã được đề cập vài năm gần đây. Vậy, giải pháp nào để giải quyết dứt điểm hiện tượng thiếu chỗ học cục bộ trong thời gian sớm nhất, thưa ông?

- Nếu tính về số lượng, với hơn 2.700 trường học như hiện nay, thì Hà Nội không thiếu trường. Hiện tượng quá tải chỉ xảy ra cục bộ. Để giải quyết căn bản hiện tượng này, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ban, ngành liên quan đang hoàn thiện, trình UBND thành phố Hà Nội phê duyệt điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong đó xác định rõ danh mục, số lượng, lộ trình đầu tư xây dựng trường học tại từng xã, phường, thị trấn... Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất UBND thành phố ban hành quy định về việc các doanh nghiệp khi đầu tư xây dựng các khu đô thị phải dành quỹ đất và có trách nhiệm xây dựng trường học; thu hồi các dự án đối với nhà đầu tư cố tình trì hoãn, làm chậm tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng trường học... Dự kiến, năm 2019 Hà Nội sẽ xây mới 87 trường học, trong đó ưu tiên cho cấp mầm non; số trường trong kế hoạch cải tạo, nâng cấp là 284 trường, tập trung ở 18 huyện.

- Dư luận đang quan tâm đặc biệt đến chủ trương hạn chế tuyển sinh trái tuyến của Hà Nội. Tuy không mới, nhưng theo ông, việc này sẽ được triển khai thế nào để không gây bức xúc?

- Hạn chế tuyển sinh trái tuyến là một nội dung của chủ trương “ba tăng, ba giảm” đã được Hà Nội triển khai nhiều năm nay, gồm: Tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học; giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh/lớp, giảm số lớp/trường có quy mô vượt quá quy định.

Để hạn chế tối đa hiện tượng bất hợp lý trong tuyển sinh như trường hợp học sinh có hộ khẩu thường trú một nơi, nhưng thực tế lại cư trú ở nơi khác, năm nay, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo quan tâm đến công tác điều tra số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh; rà soát kỹ điều kiện cơ sở vật chất về phòng học, trang thiết bị và đội ngũ giáo viên, nhằm xác định mức độ đáp ứng về số lượng học sinh, từ đó xây dựng kế hoạch phân tuyến tuyển sinh phù hợp. Trong kế hoạch phân tuyến tuyển sinh, các đơn vị phải xác định đối tượng tuyển sinh cụ thể của từng trường, trong đó đối tượng ưu tiên số một là học sinh đúng tuyến và phải bảo đảm mức sĩ số theo đúng quy định, tiến tới giảm quy mô học sinh xuống dưới 50 học sinh/lớp.

Ngoài ra, Hà Nội sẽ chú trọng giải pháp giảm sĩ số học sinh/lớp ở các trường có sức hút cao sang các trường có sức hút thấp, gắn với việc nâng cao chất lượng dạy học tại các trường này bằng cách tăng cường nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, luân chuyển cán bộ, giáo viên... Đây cũng là giải pháp nhằm hạn chế tình trạng sĩ số học sinh/lớp cao hơn so với điều lệ, điều hòa quy mô học sinh giữa các trường học trên cùng địa bàn, tiến tới giải quyết hiện tượng chênh lệch lớn về quy mô lớp và quy mô học sinh như một số nơi hiện nay.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Minh bạch tuyển sinh, thuận lợi cho người học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.