Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cạnh tranh để khẳng định vị thế

Nguyễn Linh| 01/05/2019 07:56

(HNM) - Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã chính thức có hiệu lực tại nước ta và một trong những vấn đề được quan tâm là Việt Nam tiến tới cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Ảnh: Thái Hiền


- Từ ngày 14-1-2019, CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam, trong đó lần đầu tiên quy định và áp dụng vấn đề “đa công đoàn”. Bên cạnh những thời cơ, tổ chức công đoàn sẽ phải đối mặt với những thách thức gì, thưa ông ?

- Tham gia CPTPP, Công đoàn Việt Nam sắp tới vừa phải “cạnh tranh” với tổ chức đại diện người lao động khác để thu hút, tập hợp, phát triển đoàn viên; đồng thời, vừa phải giữ vững hơn vị trí, vai trò là tổ chức chính trị - xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng để đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. Việc tăng nhanh số lượng lao động và các doanh nghiệp sẽ tạo nguồn phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở dồi dào cho tổ chức Công đoàn Việt Nam. Bên cạnh đó, gia nhập CPTPP cũng là cơ hội cho Công đoàn Việt Nam tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, từ đó thu hút, tập hợp người lao động về tổ chức mình, tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực lao động và công đoàn.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc thực thi CPTPP cũng đặt ra nhiều thách thức. Lần đầu tiên, vấn đề “đa công đoàn” được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Từ đây, nhận thức về công đoàn và môi trường hoạt động của công đoàn có những thay đổi quan trọng. Tư duy truyền thống phải thay thế bằng tư duy công đoàn trong bối cảnh hội nhập, trong môi trường “đa công đoàn”.

Những thách thức mà tổ chức công đoàn sẽ phải đối mặt là số lượng đoàn viên và công đoàn cơ sở có nguy cơ tăng chậm, thậm chí có nơi giảm sút. Tình hình quan hệ lao động có thể diễn biến phức tạp hơn; cạnh tranh công đoàn diễn ra và có nơi có thể gay gắt. Đặc biệt, nguồn lực bảo đảm cho hoạt động của Công đoàn Việt Nam có nguy cơ bị giảm sút; trong khi nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn. Ngoài ra, sự xuất hiện của các tổ chức “đội lốt” không vì quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, mà có các hoạt động chống phá doanh nghiệp, phá hoại môi trường đầu tư, chống phá chế độ là điều cần dự liệu. Thực tế ở một số nước "đa công đoàn" đã có tình trạng như vậy.

- Vậy, việc phải cạnh tranh về vị thế, hoạt động với các tổ chức đại diện cho người lao động khác sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam?


- Trong bối cảnh mới, Công đoàn Việt Nam vẫn là tổ chức duy nhất mang trong mình hai sứ mệnh. Đó là một đoàn thể chính trị trong hệ thống chính trị Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng; là tổ chức đại diện cho người lao động, chăm lo lợi ích và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động. Công đoàn Việt Nam hiện tại có nhiều ưu thế (truyền thống vẻ vang 90 năm, có số đoàn viên đông đảo, được Đảng lãnh đạo…). Nhưng nghiêm túc nhìn nhận, chúng tôi thấy tổ chức của mình cũng có những bất cập.

Đó là hoạt động ở nhiều nơi còn mang tính hành chính, không xuất phát từ nhu cầu của người lao động, tổ chức phong trào thuần túy, bề nổi, chậm thích ứng với tình hình mới. Khi tổ chức đại diện người lao động được thành lập ở cơ sở với những phương thức tiếp cận khôn khéo, mới mẻ, bước đầu có thể thu hút một bộ phận người lao động tham gia, thậm chí rời bỏ tổ chức cũ (Công đoàn Việt Nam) để gia nhập tổ chức mới này.

Dự báo, cạnh tranh công đoàn sẽ diễn ra tại cơ sở, có nơi có thể gay gắt. Tổ chức đại diện người lao động có điều kiện thu hút lực lượng cán bộ trẻ, được đào tạo bài bản, có sự hỗ trợ, hậu thuẫn của các tổ chức, cá nhân; lại chỉ tập trung vào duy nhất một nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ người lao động, nên ở một khía cạnh nào đó, tổ chức này có sức hút tức thì. Trong khi đó, Công đoàn Việt Nam phải thực hiện nhiều nhiệm vụ, nguồn lực bị phân tán. Tuy nhiên, Công đoàn Việt Nam cũng vì thế sẽ phải đổi mới mạnh mẽ để thu hút người lao động.

- Theo ông, để tổ chức công đoàn thực sự là chỗ dựa không thể thiếu của đoàn viên, người lao động, Công đoàn Việt Nam phải làm gì để tiếp tục khẳng định vị thế của mình?


- Không còn cách nào khác là phải thay đổi một cách thực chất hoạt động công đoàn, hướng về cơ sở, gắn bó với người lao động. Theo đó, Công đoàn Việt Nam phải thực hiện một số giải pháp cơ bản như: Đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đoàn viên hiểu rõ nội dung CPTPP (vấn đề lao động và công đoàn), từ đó có quyết tâm tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức. Bên cạnh đó, công đoàn phải tập trung phát triển đoàn viên và thành lập các công đoàn cơ sở; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn để đáp ứng yêu cầu bảo vệ, nâng cao quyền lợi của đoàn viên, người lao động trong các hoạt động cụ thể như giám sát thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật lao động; bảo đảm và nâng cao quyền lợi về lương, thưởng, ngày nghỉ, phúc lợi…

Cùng với đó, công đoàn cần hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng giúp người lao động đáp ứng yêu cầu lao động trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, bảo đảm việc làm, đời sống. Chính thực tế thực hiện hiệu quả vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi sẽ làm cho người lao động tin tưởng, đồng hành cùng tổ chức Công đoàn Việt Nam.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cạnh tranh để khẳng định vị thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.