Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa nêu gương thành nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên

Võ Lâm| 19/05/2019 06:54

(HNM) - Ngày 25-4-2019, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 135-KH/TU về triển khai Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”, trong đó xác định quyết tâm đưa việc nêu gương trở thành nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên.


Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo.


Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo về việc thực hiện kế hoạch quan trọng này.

Gắn với xếp loại cán bộ chủ chốt, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm

- Từ góc độ người làm công tác tham mưu về tổ chức cán bộ cho Thành ủy, đồng chí có thể cho biết ý kiến
về tình hình thực hiện trách nhiệm nêu gương trong cán bộ, đảng viên tại Hà Nội?

- Chúng ta có thể thấy được tình hình thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên tại Hà Nội thông qua tổng kết, sơ kết thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tiêu biểu như Chỉ thị số 03-CT/TƯ ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ngoài ra, thông qua kết quả kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên, kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình hằng năm, kết quả đánh giá cán bộ hằng tháng cũng có thể đánh giá được phần nào...

Có thể khẳng định, nhìn chung, cán bộ, đảng viên của Đảng bộ thành phố đã thể hiện trách nhiệm nêu gương trong cả công tác và sinh hoạt hằng ngày. Ở cơ sở có hàng nghìn đồng chí cán bộ, đảng viên cao tuổi, sau khi nghỉ chế độ, lẽ ra được nghỉ ngơi, nhưng vì trách nhiệm với Đảng, với dân, không quản ngại sớm hôm đã chăm lo công việc của chi bộ, tổ dân phố, thôn, làng.

Ở các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên trong đó hầu hết cán bộ chủ chốt đều nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, góp phần giúp thành phố đạt được những kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Nếu lấy kết quả công tác làm thước đo về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên thì rõ ràng kết quả là rất tích cực.

Tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu này, Trung ương có Quy định số 08-QĐi/TƯ ở cấp độ cao hơn là Ban Chấp hành Trung ương ban hành. Bởi, việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên cũng còn hạn chế. Thực tế tại Hà Nội, mỗi năm, các cấp ủy Đảng phải xử lý kỷ luật trên dưới 1.000 cán bộ, đảng viên từ mức thấp nhất là khiển trách đến mức cao nhất là cách chức, khai trừ khỏi Đảng. Một số cán bộ, đảng viên còn vi phạm pháp luật, bị xử lý hình sự. Đó là những người chưa gương mẫu. Con số như vậy không phải là nhỏ.

Chưa kể, trong thực tiễn, có những biểu hiện thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên mặc dù chưa đến mức kỷ luật hoặc chưa đủ cơ sở để xử lý, nhưng gây bức xúc trong nhân dân, làm ảnh hưởng đến hình ảnh người cán bộ, đảng viên, cũng như uy tín của tổ chức Đảng. Ví dụ như cán bộ, đảng viên vi phạm Luật Giao thông đường bộ; còn đùn đẩy, né tránh trong công việc, việc dễ thì làm, việc khó thì chối; ứng xử thiếu chuẩn mực ở nơi cư trú...

Đó cũng là lý do, các đồng chí thường trực Thành ủy trong các kết luận lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên nhắc nhở, lưu ý cấp ủy các cấp phải đề cao sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu.

- Trực tiếp tham mưu xây dựng Kế hoạch số 135-KH/TU, xin đồng chí cho biết việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm nói trên sẽ như thế nào?

- Kế hoạch số 135-KH/TU của Thành ủy Hà Nội là sự cụ thể hóa việc thực hiện Quy định số 08-QĐi/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương trong Đảng bộ thành phố Hà Nội, nên ngay từ khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ tham mưu xây dựng dự thảo, Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã chú trọng hướng tới việc khắc phục những hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện trách nhiệm nêu gương trong cán bộ, đảng viên bằng các giải pháp cụ thể.

Đơn cử, Kế hoạch số 135-KH/TU tập trung đề cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp ủy, tổ chức Đảng; yêu cầu mỗi cán bộ chủ chốt, trước hết là các đồng chí ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị các cấp cần có chương trình hành động cụ thể thực hiện trách nhiệm nêu gương của mình. Hoặc hằng năm, bí thư cấp ủy, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị gương mẫu cam kết rèn luyện, phấn đấu nêu gương, tiêu biểu về trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, về đạo đức, lối sống, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; gắn việc thực hiện Quy định số 08-QĐi/TƯ với kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ chủ chốt, đảng viên và lấy phiếu tín nhiệm theo quy định...

Sẽ cụ thể hóa vai trò người đứng đầu

- Như vậy, vai trò, trách nhiệm thực hiện Quy định số 08-QĐi/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương và Kế hoạch số 135-KH/TU của Thành ủy Hà Nội của người đứng đầu là rất quan trọng, thưa đồng chí?

- Đúng vậy, nếu không muốn nói người đứng đầu cấp ủy có vai trò quyết định trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Thực tế là “thủ trưởng nào, phong trào ấy”; chưa kể, đây không phải là phong trào mà là trách nhiệm, nghĩa vụ của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Thành ủy Hà Nội cũng đã chỉ rõ trong kế hoạch với yêu cầu đúng tinh thần của Quy định số 08-QĐi/TƯ: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của Đảng, của nhân dân. Nghiêm chỉnh chấp hành cương lĩnh, điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Để cụ thể hóa vai trò của người đứng đầu, hiện nay, Ban Tổ chức Thành ủy đang nghiên cứu tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy dự thảo Quy định về “Trách nhiệm của người đứng đầu và nêu gương của cán bộ lãnh đạo, đảng viên trong Đảng bộ thành phố Hà Nội”, dự kiến sẽ xong trong quý II-2019.

- Theo đồng chí, bên cạnh vai trò quan trọng của người đứng đầu, những điểm nhấn cần quan tâm nhất khi các cấp ủy thực hiện Kế hoạch số 135-KH/TU là gì?

- Để kế hoạch này đi vào cuộc sống, việc cụ thể hóa và thực hiện ở các tổ chức cơ sở Đảng có ý nghĩa rất lớn. Vì có những nội dung cần cụ thể hóa một bước nữa với những hướng dẫn, mẫu văn bản cụ thể. Ví dụ, mỗi cán bộ chủ chốt phải có chương trình hành động thực hiện trách nhiệm nêu gương thì chương trình đó gồm những gì? Gắn với chức trách nhiệm vụ ra sao? Thể hiện trách nhiệm nêu gương trong công việc thế nào, ở nơi cư trú ra sao?

Chưa kể, mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị lại có những đặc thù riêng, khi cụ thể hóa thành kế hoạch của mình, cần phải xây dựng nội dung vừa bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của thành phố, vừa phù hợp với thực tiễn tại cơ sở; nhất là bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, từ đó tăng cường được trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; nâng cao chất lượng thực hiện các nhiệm vụ chính trị.

Ngoài sự chủ động của cơ sở, trong quá trình theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, Ban Tổ chức Thành ủy sẽ tổng hợp, ghi nhận những khó khăn, vướng mắc, từ đó hướng dẫn, hỗ trợ các cấp ủy, tổ chức Đảng.

Kiên quyết xử lý cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu

- Một trong những yêu cầu của Thành ủy Hà Nội là đưa việc nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, thành nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên. Theo đồng chí, các cấp ủy, tổ chức Đảng phải làm gì để đạt được yêu cầu này?

- Theo tôi, đầu tiên cấp ủy, tổ chức Đảng phải nhận thức sâu sắc về ý nghĩa của yêu cầu này. Vì việc nêu gương trở thành nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên, sẽ là động lực phát triển mới cho Thủ đô Hà Nội, trước hết là trong khắc phục những hạn chế, như việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chẳng hạn. Để đưa nêu gương trở thành việc làm tự giác, thường xuyên, thành nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên thì từ mỗi chi bộ, việc thực hiện Quy định số 08-QĐi/TƯ cần phải gắn với nhiệm vụ, công việc cụ thể hằng ngày của mỗi đồng chí; đi liền với việc thực hiện nghiêm, thực chất công tác đánh giá cán bộ hằng tháng.

Như tôi đã nói, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng phải nêu cao tinh thần gương mẫu, đồng thời yêu cầu cán bộ chủ chốt của đơn vị mình phải gương mẫu thực hiện trách nhiệm nêu gương trước cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

- Thành phố làm gì để phát hiện và xử lý các trường hợp cán bộ, đảng viên không thực hiện trách nhiệm nêu gương, thưa đồng chí?

- Thành ủy Hà Nội đã chỉ đạo tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Các cấp ủy, tổ chức Đảng cũng phải chú trọng nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát những biểu hiện của sự suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ từ khi manh nha để ngăn chặn kịp thời.

Nhằm thực hiện tốt Quy định số 08-QĐi/TƯ, tới đây, Thành ủy sẽ tiếp tục chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát. Trong đó tập trung kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm. Quan điểm của thành phố là kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên không làm tốt việc nêu gương. Tất cả để bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời phát huy trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, thông qua đó tạo chuyển biến mạnh về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa nêu gương thành nếp văn hóa của mỗi cán bộ, đảng viên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.