Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ vững “trận địa thông tin” trong môi trường truyền thông số

Minh Quang| 21/06/2019 07:31

(HNM) - Truyền thông xã hội, tin giả, tin thiếu kiểm chứng… đang là những vấn đề nóng đặt ra với làng báo Việt Nam. Làm thế nào để báo chí có thể giữ vững “trận địa thông tin” trong môi trường truyền thông số đang là đòi hỏi cấp bách.



- Nhà báo đánh giá thế nào về ảnh hưởng của truyền thông xã hội tới môi trường làm báo hiện nay?


- Thực tế cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông xã hội đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ quan báo chí, thậm chí làm đảo lộn và thay đổi môi trường truyền thông hiện nay.

Trước kia, trong môi trường truyền thông truyền thống, một tin được coi là có giá trị, được các cơ quan báo chí truyền thống quan tâm nhiều hơn, nếu nó mang tính thời sự, có tác động lớn đối với kinh tế - xã hội. Những tin giải trí, giật gân bị coi là “phi tin tức”, hay tin ít có giá trị. Trong bối cảnh báo chí truyền thống giữ vai trò độc tôn trong hoạt động cung cấp tin tức, thì họ có quyền làm chủ “cuộc chơi” truyền thông.

Sự xuất hiện của truyền thông xã hội đã làm thay đổi “luật chơi”, công chúng hiện nay đã có thêm những sự lựa chọn mới. Trong môi trường truyền thông mới, cái được gọi là “phi tin tức” đang trở thành làn sóng mới. Một khái niệm mới xuất hiện, đó là tin tức xã hội. Đây là lượng thông tin khổng lồ được chia sẻ, trong đó phần lớn là kiểu “phi tin tức” được đăng tải khắp trên mạng xã hội.

- Vậy, vấn nạn tin giả trên mạng xã hội cũng như khả năng kiểm soát, xử lý thông tin của người làm báo đang ở mức nào, thưa nhà báo?

- Tin giả tác động rất lớn đến tâm lý chung của công chúng, có thể ảnh hưởng đến sự ổn định chính trị, xã hội, thể chế của một quốc gia. Tin giả đang được ví như một dịch bệnh và mạng xã hội là môi trường thuận lợi để chúng lan truyền rất nhanh. Tin giả có thể núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau như những dòng trạng thái bàn chuyện ô nhiễm tại một địa phương, nhưng lại dùng hình ảnh tận bên kia địa cầu, xảy ra từ lâu hay một bức hình của quan chức cao cấp bị gắn với một phát ngôn gây sốc, mọi người chia sẻ và bình luận mà không quan tâm xem nội dung đó có bị xuyên tạc hay không. Để tạo niềm tin của người đọc, người xem, các đối tượng còn tạo dựng những website, tài khoản mạng xã hội với những thông tin đúng trong thời gian đầu nhằm thu hút số lượng người xem, sau đó, các đối tượng sẽ lồng ghép những thông tin giả để người xem không còn phân biệt được đâu thật, đâu giả.

Ngoài ra, các tòa soạn báo cũng bị nhiều áp lực như số lượng phát hành, lượt xem gắn với nguồn thu từ quảng cáo. Một bộ phận phóng viên làm việc thiếu nghiêm túc, động cơ không trong sáng, dễ dãi trong tác nghiệp, lơi lỏng trong biên tập. Đó chính là điều kiện để nhiều tin “hổ lốn”, thậm chí là “tin rác” trà trộn với những thông tin chính thống, làm vẩn đục môi trường báo chí truyền thống... Với tốc độ phát triển nhanh và đa dạng của mạng xã hội như hiện nay, nếu chúng ta không nhận thức kịp thời và có những hành xử phù hợp, những người làm báo dễ bị rơi vào mê trận của vòng xoáy thông tin trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0.

- Rõ ràng, ngày càng nhiều người đã nhận thấy mặt trái của thông tin trên mạng xã hội. Liệu điều đó có khiến việc đấu tranh, phòng chống tin giả gặp nhiều thuận lợi hơn, thưa nhà báo?


- Thực tế là có một bộ phận công chúng đã nhận thấy điều đó. Song, mạng xã hội và tin giả vẫn luôn là vấn đề nóng hổi của báo chí hiện đại. Có thể khẳng định, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông, cuộc chiến chống tin giả vẫn còn vô cùng cam go, khốc liệt, bởi tin giả giống như một bệnh dịch luôn tìm mọi con đường, mọi cách thức để len lỏi, gieo rắc, phát tán trong cộng đồng thông tin sai sự thật, xuyên tạc, thổi phồng sự sợ hãi, gây hoang mang trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến ổn định chính trị, xã hội. Cách đây hơn 2 năm, Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam. Gần đây, Hội tiếp tục ban hành Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam, nhằm giúp người làm báo hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình khi sử dụng mạng xã hội.

- Theo nhà báo, vai trò định hướng dư luận của báo chí trong bối cảnh mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, cần được xác định như thế nào?

- Trong bối cảnh hiện nay, rất cần những luồng thông tin chính xác để kịp thời định hướng dư luận xã hội, lấn át những dòng tin ô tạp trên internet, qua đó chiếm lĩnh được môi trường truyền thông. Sự chủ động vào cuộc sẽ giúp báo chí thực sự là kênh thông tin quan trọng, định hướng dư luận trên mạng internet.

Đưa tin đúng, các nhà báo sẽ dập tắt tin giả cũng như thông tin bị bóp méo, tăng thêm thông tin “sạch” cho công chúng. Để phát huy vai trò của báo chí trong cuộc chiến chống tin giả, chắc chắn các cơ quan báo chí phải cung cấp thông tin nhanh nhạy, trung thực, chính xác. Từ đó, người dân sẽ đặt niềm tin vào các kênh thông tin chính thức để xác minh thông tin họ quan tâm. Do đó, người làm báo có vai trò đặc biệt quan trọng trong định hướng và hình thành dư luận xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân tin tưởng và thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Trong 8 điều quy định nhà báo không được làm khi tham gia mạng xã hội, có tới 5 điều liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp. Tại sao Hội Nhà báo lại đặc biệt chú trọng và nhấn mạnh đến vấn đề này?

- Nghề báo là một nghề đặc thù. Đối với nhà báo, Luật Báo chí đã quy định cơ bản, đầy đủ về hành lang pháp lý, về quyền và nghĩa vụ. Tuy vậy, có những điều luật pháp không cấm, nhưng đạo đức không cho phép. Đơn cử như có những bình luận, nhận xét trên mạng xã hội chưa thể truy cứu về luật pháp, song về đạo đức thì người ta thấy không ổn. Đứng trước một vấn đề, nhà báo có đưa tin hay không đưa tin, đưa tin ở mức độ nào, phân tích khía cạnh nào thường phụ thuộc vào chủ quan của người cầm bút, liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.

Đó là chưa nói đến việc, thời gian qua, có những nhà báo đã dùng nghề nghiệp để trục lợi. Thậm chí, gần đây đã xảy ra một số vụ việc đau lòng, khi một số cá nhân đã dùng danh nghĩa nhà báo để “tống tiền”, hoặc có không ít trường hợp làm báo chụp giật theo kiểu “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”. Tất nhiên, có những vụ việc gỡ bài do đưa thông tin ẩu, sai và chưa được kiểm chứng, song cũng có những trường hợp gỡ bài là do “tiếng gọi từ lợi ích” không chính đáng... Điều này cho thấy, ngoài những quy định chung của pháp luật, hoạt động của nhà báo cần phải tuân thủ những quy tắc đạo đức nghề nghiệp mang tính đặc thù, có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút, dù nhà báo đang tác nghiệp thực tế hay tham gia mạng xã hội.

- Thưa nhà báo, người làm báo tham gia mạng xã hội như thế nào thì được coi là đúng đắn và chuẩn mực?

- Chuẩn mực trước hết là trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Đưa tin sai, bình luận lệch lạc là không chuẩn mực, theo đuổi mục đích cá nhân, thiếu trách nhiệm với xã hội là không chuẩn mực. Thấy cái sai mà không phê phán lại còn a dua là không chuẩn mực. Thấy cái đúng, cái tốt bị tấn công mà không bảo vệ lại còn châm chọc, dè bỉu là không chuẩn mực.

Khách quan, trung thực, tôn trọng sự thật là cốt lõi của đạo đức nghề nghiệp báo chí. Đối với nhà báo, phải ý thức được trách nhiệm của mình là tham gia xây dựng đời sống tư tưởng, tinh thần lành mạnh bằng những thông tin lành mạnh. Dù ở bất cứ đâu, sứ mệnh, bổn phận của họ vẫn là người làm báo, người cung cấp thông tin chính xác, đúng đắn cho xã hội.

Tôi nghĩ, đó là lý do đòi hỏi phải có sự chuẩn mực, trách nhiệm của người làm báo khi tham gia mạng xã hội.

- Trân trọng cảm ơn nhà báo!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ vững “trận địa thông tin” trong môi trường truyền thông số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.