Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiệt hại do sách giả gây ra là vô cùng to lớn

Vân Hạ| 25/07/2019 11:26

(HNMCT) - Nạn sách lậu đang ngày càng trở nên nhức nhối trong nhiều năm trở lại đây. Không chỉ ngang nhiên được bày bán ở nhiều nhà sách bán sỉ hay bán lẻ mà sách lậu còn tràn lan trên các trang thương mại điện tử. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Trần Phương Thảo, Phó Tổng Giám đốc Thái Hà Books, một trong những đơn vị chịu nhiều thiệt hại bởi sách lậu.

- Thái Hà Books phải đối mặt với sách lậu từ bao giờ, thưa bà? Từ đó đến nay, Thái Hà Books đã thay đổi sản phẩm của mình như thế nào để “chiến đấu” với tình trạng này?

- Năm 2019 này Thái Hà Books được 12 năm tuổi thì cũng là 12 năm chúng tôi bền bỉ chống sách giả và sách không có bản quyền. Khoảng 150 đầu sách của Thái Hà Books đã bị làm lậu, nổi bật là các cuốn như 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu, Người nam châm, Chiến thắng con quỷ trong bạn, Nuôi con không phải là cuộc chiến, Tứ thư lãnh đạo, Nhân tố Enzyme…

Chúng tôi đã áp dụng rất nhiều giải pháp như: Cố gắng giảm giá bìa cuốn sách để nhiều người có cơ hội sở hữu; In ấn và trình bày cuốn sách đẹp mắt để hấp dẫn độc giả; Tích cực truyền thông cuốn sách tới độc giả, về đặc điểm khác biệt của cuốn sách, về thời điểm và địa điểm phát hành cuốn sách, tổ chức các buổi giao lưu giữa độc giả với tác giả/dịch giả/đơn vị xuất bản; Phối hợp với các đơn vị phát hành trong việc nói KHÔNG với việc phát hành sách, làm giả sách của Thái Hà Books; Phối hợp với báo chí truyền thông trong việc tuyên truyền để bạn đọc nói KHÔNG với sách giả, sách lậu; Gửi công văn yêu cầu xử lý vụ việc tới nhà xuất bản và những đơn vị vi phạm tác quyền, tức những đơn vị đã xuất bản những cuốn sách mà họ không có bản quyền (mà chúng tôi có bản quyền)... Rất nhiều giải pháp chúng tôi đã và đang tiếp tục thực hiện, tuy nhiên, sách lậu vẫn tiếp tục hoành hành!

- Mặc dù truyền thông không ngừng lên tiếng về nạn sách lậu, nhưng một bộ phận không nhỏ người dân vẫn sẵn sàng “rút ví” trả tiền cho sách lậu. Bà nghĩ sao về điều này?

- Quả thực tôi rất buồn trước thực tế này, nhưng không vì thế mà tình yêu của chúng tôi đối với nghề và ngành lại giảm sút. Càng như vậy, chúng tôi lại càng phải nỗ lực làm ra những cuốn sách giá trị để phục vụ độc giả trong nước, có thêm những hoạt động như đem sách tới trường học, nông thôn, những nơi khó khăn... để phần nào nâng cao dân trí và văn hóa đọc, tổ chức những buổi nói chuyện về văn hóa đọc cho các bạn trẻ..., góp phần hình thành một thế hệ tương lai biết chia sẻ với trách nhiệm xã hội, biết đau khi tri thức bị đánh cắp.

Câu chuyện rất nhiều bạn đọc thờ ơ với sách giả, sách lậu đến từ rất nhiều lý do, mà lý do này được nuôi dưỡng ngay khi chúng ta còn rất nhỏ và ngồi trên ghế nhà trường. Tôi lấy một ví dụ điển hình là việc có thể copy một cuốn sách rất dễ dàng tại cửa hiệu photocopy mà chẳng cần phải xin phép ai.

Cách đây 10 năm, một người trong ngành xuất bản Thái Lan nói rằng Thái Lan mất 25 năm mới có thể khắc phục được tình trạng sách giả và sách lậu. Lúc đó tôi tự hỏi Việt Nam mất bao nhiêu lâu, giờ 10 năm trôi qua, tuy sách giả, sách lậu không còn công khai như trước ở các thành phố lớn nhưng lại có xu hướng dạt về các vùng nông thôn, thậm chí bày bán công khai ở các hội chợ hay các tuyến phố chính ở các tỉnh. Thủ đoạn tinh vi hơn là sách có thể scan thành ebook và chuyển thể ra audio book một cách dễ dàng, chia sẻ tràn lan để phục vụ cho việc câu view hay làm thành một sản phẩm quà tặng...

- Sách điện tử là xu hướng của tương lai, song với tình trạng sách lậu ngang nhiên như vậy, liệu các đơn vị làm sách như Thái Hà Books còn “mặn mà” với các xuất bản phẩm điện tử?

“Cuộc chiến” với sách giả - sách lậu phải bắt đầu từ ý thức của mỗi người.

- Chính bởi tình trạng chia sẻ file sách lậu và audio book tràn lan nên chúng tôi đã quyết định dừng hợp tác kinh doanh ebook từ tháng 10-2018, cho dù hình thức kinh doanh này vẫn mang lại doanh thu cho công ty (dù không nhiều).

- Sách lậu gây ra thiệt hại không nhỏ cho các đơn vị làm sách nói riêng và ngành Xuất bản nói chung là đã quá rõ. Còn người mua sẽ chịu thiệt hại thế nào nếu dùng sách lậu, thưa bà?

- Mỗi lần nhìn thấy một cuốn sách của Thái Hà Books bị in lậu hay được đăng tải miễn phí trên trang web nào đó, lòng tôi thắt lại và không khỏi trăn trở. Thực tế, các đơn vị làm sách lậu thường tăng chỉnh giá bìa tăng cao hơn 15-20% so với giá bìa cuốn sách thật, bởi vậy người đọc tưởng họ được hưởng chiết khấu cao và mua sách rẻ hơn, nhưng họ đang bị lừa mà không biết. Tôi lấy ví dụ cuốn sách 13 nguyên tắc nghĩ giàu làm giàu của Napoleon Hill, giá bìa chúng tôi đang để là 89.000 đồng nhưng sách giả lại để giá bìa là 100.000 đồng, trong khi chất lượng giấy mỏng hơn và in ấn không rõ nét.

Bởi sách giả không phải là một sản phẩm giả có thể gây bệnh, ốm đau hay thiệt mạng cho người mua nên vẫn có quá nhiều người thờ ơ với tệ nạn này. Nếu sách giả được xã hội chấp nhận, đồng nghĩa chúng ta cũng chấp nhận sự ăn cắp một cách công khai, chấp nhận tạo ra một thế hệ sống giả dối và thiếu trách nhiệm với cộng đồng và xã hội. Ngoài những thiệt hại về tài chính xảy ra cho các bên thì những tổn thương về tinh thần lại vô cùng lớn. Các tác giả tâm huyết sẽ không còn muốn viết sách, các đơn vị xuất bản sẽ không muốn tiếp tục hoạt động, các nhà xuất bản hay tác giả nước ngoài sẽ không muốn bán bản quyền cho Việt Nam. Điều đáng buồn này đã từng xảy ra với Thái Hà Books và một số đơn vị xuất bản khác.

- Bàn về giải pháp phòng, chống sách lậu, có nhiều ý kiến đề nghị xử hình sự hành vi in lậu sách. Còn ý kiến cá nhân bà thì sao?

- Vấn đề cốt lõi của bất cứ câu chuyện nào đều nằm ở con người thực thi. Mỗi lần có cơ hội để trả lời câu hỏi trên, tôi luôn bày tỏ mong muốn của mình liên quan đến 3 nhân tố thiết yếu sau:

Các cơ quan truyền thông cần tích cực đưa tin bài, phóng sự, chương trình, gameshow về việc tôn trọng tác quyền, bảo vệ quyền tác giả tác phẩm... nhằm nâng cao ý thức của người dân.

Hội Xuất bản cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội in và các đơn vị xuất bản thành viên để đưa ra những quy chế hoạt động bảo vệ các thành viên, đề xuất những kiến nghị sát thực tiễn với các cơ quan quản lý và chính phủ.

Cơ quan quản lý - nhân tố quan trọng nhất cần xử lý triệt để các vụ việc vi phạm. Người thực thi ở các cơ quan quản lý cần sát sao với thực tế để đưa ra những kiến nghị, chế tài hợp lý đến các cấp quản lý cao hơn... Chúng ta cũng có thể học hỏi mô hình giải quyết nạn sách lậu này từ các quốc gia khác.

- Thủ đoạn làm sách lậu dường như ngày càng tinh vi hơn. Bà có lời khuyên nào cho các độc giả để tìm mua được sách thật?

- Tôi xin phép được chia sẻ vài chỉ dẫn để độc giả có thể tìm mua được sách thật.

Đặt mua online trực tiếp trên hệ thống bán hàng online của đơn vị xuất bản những cuốn sách đó, ví dụ đối với sách của Thái Hà Books thì các bạn có thể đặt mua tại nhasachthaiha.vn. Truy cập vào website của các đơn vị xuất bản cuốn sách cần mua để tìm đến hiệu sách gần nhất trong hệ thống phát hành của họ. Có thể chọn sách ở các hệ thống phát hành sách có thương hiệu như Fahasa, Phương Nam hay Phố sách Hà Nội (phố 19 tháng 12).

Đối với các trang thương mại điện tử hay các trang bán hàng trên mạng xã hội thì đừng nên ham mua sách giá rẻ mà nên tìm hiểu kỹ về đơn vị đang phát hành cuốn sách, về chính sách đổi trả hàng lỗi.

Tích cực tham gia các Hội sách do Sở Thông tin - Truyền thông của các tỉnh, thành phố hay các đơn vị có uy tín tổ chức, bởi ở đó ban tổ chức sẽ không cho phép sách giả được lưu hành.

Thông thường cuốn sách thật sẽ có tem chống giả được dán ở bìa 4 của cuốn sách, nếu không có tem chống giả trên sách thì khả năng lớn đó là một cuốn sách giả. Khi nhận được cuốn sách giả hay kém chất lượng, hãy mau chóng chụp ảnh và liên lạc tới đơn vị xuất bản (thông tin ở cuối cuốn sách) hoặc đơn vị phát hành (đơn vị bán sách) để nhận được sự trợ giúp.

- Trân trọng cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiệt hại do sách giả gây ra là vô cùng to lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.