Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chinh phục thị trường nội địa, đáp ứng yêu cầu hội nhập

Hiền Thanh| 31/07/2019 07:16

(HNM) - Sau 10 năm thực hiện (31/7/2009 - 31/7/2019), cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Yêu cầu tiếp tục chinh phục thị trường nội địa và đáp ứng các cam kết của quá trình hội nhập đang đặt ra những thách thức lớn đối với hàng Việt. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

Ngành Công Thương đang triển khai nhiều giải pháp để hàng Việt nâng cao vị thế trên thị trường nội địa và tiến mạnh ra xuất khẩu.

- Bà có thể chia sẻ những kết quả đã đạt được sau 10 năm Bộ Công Thương thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"? 

- 10 năm qua, với nhiều sáng tạo trong cách thức triển khai, ngành Công thương đã đồng hành cùng Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cùng chung tay hành động, góp phần làm chuyển biến ý thức người tiêu dùng và doanh nghiệp, tạo nên diện mạo mới trên thị trường hàng hóa nội địa. Trong đó, người tiêu dùng ngày càng đánh giá cao chất lượng và uy tín thương hiệu hàng Việt Nam. Hiện hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trên thị trường nội địa, từ 80% đến trên 90% tại các các kênh phân phối hiện đại, từ 60% trở lên tại các kênh bán lẻ truyền thống. Một số ngành sản xuất hàng Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa với hàm lượng khoa học công nghệ cao trong sản phẩm...

Những chuyển biến tích cực đó đã góp phần hoàn thành tốt các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay đều có mức tăng trưởng 10% mỗi năm... 

- Tỷ lệ hàng Việt tại hệ thống siêu thị là hơn 80%, trong khi tỷ lệ này tại chợ truyền thống chỉ hơn 60%. Vì sao có tình trạng này, thưa bà?

- Hầu hết các siêu thị đều có trung tâm mua sắm hàng hóa lớn, nên việc thu mua và đưa hàng hóa vào các hệ thống phân phối hiện đại dễ dàng hơn. Trong khi đó, tại các chợ, việc truy xuất hàng hóa còn hạn chế, nhất là tại các chợ vùng sâu, vùng xa. Hơn nữa, hàng hóa Việt Nam sản xuất đã có chất lượng và phân khúc giá thành cao hơn, nên đưa vào siêu thị mới đáp ứng được việc bảo đảm giá thành, truy xuất nguồn gốc.

Vì vậy, doanh nghiệp Việt phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng nông thôn để nắm bắt nhu cầu, khả năng tài chính để sản xuất hàng hóa phù hợp, từ đó đánh bật được hàng trôi nổi ra khỏi chợ truyền thống. Đặc biệt, trong lĩnh vực này, vai trò của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam là trung gian cũng như chất kết dính giữa nhà sản xuất với hộ tiểu thương trong chợ rất quan trọng.

- Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với việc đưa hàng Việt về nông thôn. Để khắc phục vấn đề này, Bộ Công Thương sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng về nông thôn, thưa bà?

- Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp lớn đã tiên phong trong việc tăng độ phủ tại khu vực nông thôn. Doanh nghiệp lớn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và thậm chí hỗ trợ cho các hợp tác xã, hộ nông dân để có thể đưa hàng hóa cùng nhau đến những điểm phân phối không chỉ ở thành phố, nông thôn, mà cả vùng biên giới, hải đảo… 

Để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đưa hàng về nông thôn, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của bà con, Bộ Công Thương sẽ tổ chức các hệ thống phân phối hàng Việt Nam có tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, những điểm bán hàng Việt Nam không chỉ ở thành phố, mà ở cả vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo; tập huấn kỹ năng phân phối hàng Việt Nam cho các doanh nghiệp và các hộ tạp hóa kinh doanh theo phương thức truyền thống trong các chợ truyền thống.

Ngoài ra, Vụ Thị trường trong nước phối hợp với các ngành liên quan ra mắt chương trình thương mại điện tử đưa hàng hóa từ 20.000 điểm bán hàng bình ổn hiện có đến với người tiêu dùng.

- Trước sức ép và sự cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng quyết liệt, Bộ Công Thương sẽ triển khai những giải pháp gì để thực hiện hiệu quả cuộc vận động trong giai đoạn mới, thưa bà?

- Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới. Do đó, sức ép và sự cạnh tranh trên thị trường nội địa sẽ ngày càng quyết liệt hơn. Để triển khai có hiệu quả cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành chiến lược phát triển thị trường trong nước giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, trong đó tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại trong nước; lành mạnh hóa mạng lưới phân phối; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa phù hợp với cam kết quốc tế nhằm từng bước kiểm soát nhập khẩu và trật tự thị trường...

Bên cạnh đó, Bộ khuyến khích thành lập các hiệp hội bán buôn, bán lẻ tại các vùng miền và theo mặt hàng. Tạo điều kiện để phát triển các loại hình doanh nghiệp thương mại kinh doanh hàng hoá chuyên ngành, hàng hoá tổng hợp, các công ty thương mại bán lẻ hiện đại, các doanh nghiệp dịch vụ logistics, quản lý và kinh doanh chợ, liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ hàng nông sản - thực phẩm… tạo thành các chuỗi giá trị hàng hóa thương hiệu Việt của ngành Công Thương.

- Trân trọng cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chinh phục thị trường nội địa, đáp ứng yêu cầu hội nhập

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.