Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình: Lợi ích cân bằng cho các bên

Minh Ngọc| 27/11/2019 06:53

(HNM) - Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua với nhiều điểm mới, trong đó quy định điều chỉnh tăng độ tuổi nghỉ hưu lên đủ 62 tuổi đối với nam, đủ 60 tuổi đối với nữ nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc tiến hành tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình vừa phù hợp với quy luật phát triển, vừa mang lại lợi ích cân bằng cho các bên.

Điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu giúp thích ứng với thời kỳ già hóa dân số; hướng tới mục tiêu bao trùm là tăng trưởng kinh tế - xã hội. Ảnh: Nhật Nam

- Ông có thể cho biết rõ hơn, tuổi nghỉ hưu được quy định trong Bộ luật Lao động (sửa đổi) như thế nào?

- Điều 169, Bộ luật Lao động (sửa đổi) quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam, đủ 60 tuổi đối với lao động nữ. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường sẽ là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm… có thể nghỉ hưu sớm 5 năm. Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu.

Theo lộ trình này, đến năm 2028 nước ta mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và năm 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu đủ 60 tuổi.

- Trên các diễn đàn, từ đời thực đến mạng xã hội, một số người lao động lo lắng bản thân không đủ khả năng làm việc đến độ tuổi nghỉ hưu, ông nghĩ sao về điều này?

- Sự thay đổi của bất kỳ chính sách nào, dù nhỏ, cũng ảnh hưởng, tác động đến nhiều người, nhiều phía. Trong khi đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình sẽ tác động trực tiếp đến từng cá nhân người lao động và gia đình họ, nên nhiều người lo lắng là điều dễ hiểu.

Ở vị trí của người lao động, ai cũng mong muốn làm ít, tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian ngắn, khi về hưu vẫn hưởng lương cao. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển, chính sách bảo hiểm xã hội phải tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng. Người nào đóng bảo hiểm xã hội cao, kéo dài trong nhiều năm, thì khi về hưu sẽ nhận lương cao và ngược lại. Đây cũng là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là giải pháp duy trì sự phát triển cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, hướng tới bình đẳng giới về thực chất. Ảnh: Nhật Nam

Về sức khỏe, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng, hiện đạt 72,1 tuổi đối với nam, đạt 81,3 tuổi đối với nữ, nhưng tuổi nghỉ hưu bình quân mới đạt 54,2 tuổi (nam 55,6 tuổi, nữ 52,6 tuổi), thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực và thế giới. Ở góc độ này, đa số lao động nước ta đủ khả năng làm việc đến độ tuổi 62 đối với nam, 60 đối với nữ.

Những trường hợp đặc biệt vẫn được nghỉ hưu sớm hơn. Thời điểm hiện tại, cả nước có khoảng 3 triệu người làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… thuộc đối tượng có thể được nghỉ hưu sớm.

- Người sử dụng lao động và thị trường lao động chịu những tác động gì từ việc điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu?

- Đối với người sử dụng lao động, đa số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều mong muốn sử dụng nhiều lao động trẻ. Song, như trên tôi đã phân tích, sức khỏe thể chất, tinh thần của lao động Việt Nam đang được cải thiện, trình độ chuyên môn, tay nghề của người lao động ngày càng nâng cao, nên có đủ khả năng làm việc thêm một số năm.

Trong bối cảnh dân số già hóa nhanh, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ giúp người sử dụng lao động tránh được tình trạng khan hiếm nguồn nhân lực... Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cũng được thực hiện theo hướng chậm, không gây sốc cho thị trường lao động.

Nhìn tổng thể, điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu là quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước; là tầm nhìn có tính chất chiến lược nhằm chủ động thích ứng với thời kỳ già hóa dân số; hướng tới mục tiêu bao trùm là kinh tế - xã hội tăng trưởng, phát triển toàn diện, đồng thời bảo đảm việc làm cho người lao động. Đây cũng là giải pháp duy trì sự phát triển cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội, mở rộng mạng lưới an sinh xã hội, tạo điều kiện cho nhiều người được thụ hưởng; hướng tới bình đẳng giới về thực chất…

- Tăng tuổi nghỉ hưu là quy luật tất yếu, mang lại lợi ích cho nhiều phía. Theo ông, chúng ta cần triển khai chính sách này theo hướng nào để đạt hiệu quả cao nhất?

- Theo tôi, trước hết, Chính phủ cần sớm ban hành nghị định hướng dẫn việc triển khai quy định này, làm căn cứ cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai chính sách trong tâm thế chủ động; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật Bảo hiểm xã hội cho tương thích, đồng nhất với những điểm mới trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Các ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người lao động, người sử dụng lao động hiểu rõ tính ưu việt của việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động lâu dài. Người sử dụng lao động cần chia sẻ trách nhiệm đối với xã hội, không sa thải lao động trong độ tuổi, khi họ còn khả năng làm việc. Đặc biệt, mỗi người dân cần tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề, chủ động chăm sóc sức khỏe để có thể làm việc lâu dài.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình: Lợi ích cân bằng cho các bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.