Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

Hương Ly| 01/12/2019 06:27

(HNM) - Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về kết quả thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26-4-2016 của Thành ủy Hà Nội khóa XVI về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020”, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy khẳng định, việc triển khai chương trình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động nhằm thực hiện mục tiêu: “Kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”, góp phần giữ vững an ninh chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy.

Nhiều chuyển biến rõ nét

- Thưa đồng chí, việc triển khai Chương trình số 07-CTr/TU thời gian qua đã được thực hiện ra sao? 

- Những năm qua, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, lâu dài, đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng. Thành ủy đã ban hành và chỉ đạo thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU với tinh thần chủ động và quyết tâm chính trị cao. Việc thành lập Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Thành ủy trực tiếp làm Trưởng ban là cách làm bài bản, chặt chẽ. Quá trình tổ chức thực hiện đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc thực hiện mục tiêu: “Kiềm chế, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí”…

Ban Chỉ đạo Chương trình số 07-CTr/TU đã phân công nhiệm vụ cho các đơn vị thực hiện 13 chuyên đề. Việc tổ chức triển khai các chuyên đề đã phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực, tạo sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

- Những kết quả rõ nét trong phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thu được là gì, thưa đồng chí? 

- Thời gian qua, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xác định công tác phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; lấy kết quả công tác làm một trong các tiêu chí để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và của cán bộ, đảng viên... Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng được đẩy mạnh. Thành ủy đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, bảo đảm thực hiện công khai, minh bạch trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới công tác cán bộ, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thành phố đã triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến dùng chung cung cấp các dịch vụ công mức độ 3, 4 trên một nền tảng thống nhất đồng bộ tại 30 quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn; triển khai hệ thống “một cửa” điện tử dùng chung 3 cấp tại các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, góp phần giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn 20 đơn vị, gồm các ban Đảng Thành ủy, các Đảng ủy Khối, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố. Sau sắp xếp, giảm 13 đầu mối phòng, ban; 10 đơn vị sự nghiệp; 13 cán bộ cấp trưởng phòng, ban; 27 cán bộ cấp phó phòng, ban và tương đương…

Cùng với đó, Thành ủy cũng đã nâng cao hiệu quả công tác phát hiện xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; đẩy mạnh kiện toàn cán bộ, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành kế hoạch rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tính đến ngày 15-6-2019, toàn thành phố đã tổ chức thực hiện xong 9.966/10.799 kết luận thanh tra...

Từ ngày 1-5-2016 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thực hiện quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm đối với 25 vụ án (173 bị can) tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Đến nay, đã xét xử và tuyên án đối với 23 vụ (166 bị cáo); tạm đình chỉ 1 vụ (1 bị cáo); chuẩn bị xét xử 1 vụ (6 bị cáo). Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo giải quyết, Ban Nội chính Thành ủy phối hợp với các cơ quan nội chính, tư pháp thành phố theo dõi, đôn đốc đều được xử lý nghiêm minh, theo đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, 100% kết luận thanh tra kinh tế - xã hội, thanh tra chuyên ngành khi phát hiện dấu hiệu tham nhũng đều được chuyển đến cơ quan điều tra xử lý theo quy định; giải quyết kịp thời 90% tố giác, tin báo về tội phạm tham nhũng; 100% các vụ án về tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được điều tra, truy tố, xét xử kịp thời; 100% không có án về tham nhũng bị cấp trên hủy, sửa; 100% không xét xử oan sai, bỏ lọt tội phạm; 100% các vụ án về tham nhũng giải quyết trong thời hạn theo quy định của pháp luật...

Xây dựng cơ chế để không thể, không dám, không cần, không muốn tham nhũng

- Thực tế triển khai Chương trình số 07-CTr/TU cho thấy, sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân đóng vai trò quan trọng. Đồng chí đánh giá thế nào về việc này?

- Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ thành phố đến cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước, tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng trong các tầng lớp nhân dân… Công tác kiểm tra, rà soát hoạt động của các đơn vị, các quỹ, các chương trình, dự án do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện được thực hiện thường xuyên nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng. Từ tháng 1-2016 đến 31-7-2019 đã thực hiện 27.073 cuộc giám sát; phát hiện 7.580 vụ vi phạm; kiến nghị 7.312 vụ; số vụ được chính quyền giải quyết là 6.859. Các ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát 13.910 công trình, dự án; phát hiện 1.738 vi phạm, kiến nghị xử lý 1.652 vụ. Ban thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng ở cơ sở còn phối hợp giám sát trên các lĩnh vực trật tự xây dựng, quản lý đất đai…, qua đó phát hiện 2 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, kiến nghị thu hồi 136.973m2 đất và hơn 1,167 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động giám sát và phản biện xã hội được đẩy mạnh. Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 1.893 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương với nhân dân…

- Đồng chí có thể chia sẻ thêm về một số tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục?

- Thực tế triển khai cho thấy, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, một số giải pháp phòng ngừa hiệu quả còn thấp, như: Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình phụ trách; việc kê khai và kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập để phòng ngừa tham nhũng... Tính chủ động trong công tác tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng tại các địa phương, đơn vị còn hạn chế. Việc phát hiện tham nhũng, lãng phí qua hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc và HĐND các cấp còn thấp. Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.

Ngoài ra, một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao, chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và xử lý triệt để. Nạn sách nhiễu, gây phiền hà trong giải quyết công việc của cán bộ, công chức ở một số lĩnh vực còn diễn ra, gây bức xúc trong xã hội...

- Vậy những giải pháp để tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình số 07-CTr/TU thời gian tới được Thành ủy xác định là gì?

- Mục tiêu Thành ủy Hà Nội đặt ra là đẩy mạnh hơn nữa công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tạo chuyển biến rõ rệt, không để xảy ra các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Thành ủy cũng nêu rõ quan điểm: Kiên quyết, kiên trì, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa để “Không thể tham nhũng”; cơ chế răn đe, trừng trị để “Không dám tham nhũng”; cơ chế bảo đảm để “Không cần tham nhũng”; cơ chế giáo dục liêm chính để “Không muốn tham nhũng”. 

10 giải pháp cũng đã được đề ra để tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình số 07-CTr/TU. Trong đó, chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên, trước hết là của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách hoàn chỉnh, đồng bộ; tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; kiểm soát hiệu quả tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cùng với đó là phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU cũng đã ban hành, triển khai thực hiện đề án “Đẩy mạnh công tác phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc trên địa bàn thành phố”... 

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa tham nhũng, lãng phí, giữ vững an ninh chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.