Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên thông thư viện là yêu cầu bắt buộc

Vân Hạ| 13/12/2019 15:36

(HNMCT) - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang mang đến sự thay đổi phương thức hoạt động của nhiều ngành, lĩnh vực, trong đó có hoạt động của thư viện. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với bà Vũ Dương Thúy Ngà - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

-  Thưa bà, hiện đang tồn tại nhiều cách hiểu cho các tên gọi “thư viện điện tử”, “thư viện số”, “thư viện trực tuyến”, “thư viện ảo”. Vậy những khái niệm này có đồng nhất không? Nếu có sự khác nhau thì được phân biệt như thế nào?

-  Hiện nay, với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ, cách tiếp cận thông tin của người dân cũng như cách tổ chức, quy trình, phương thức hoạt động của thư viện đã có những thay đổi đáng kể. Đồng thời, thư viện cũng xuất hiện nhiều tên gọi khác nhau: “thư viện điện tử”, “thư viện số”, “thư viện trực tuyến”, “thư viện ảo”. Trên thực tế, các tên gọi này không hẳn có sự đồng nhất và có thể được hiểu như sau:

Thư viện điện tử là thư viện trong đó tài liệu được thu thập, lưu giữ, xử lý, tổ chức, tra cứu, sử dụng dưới dạng điện tử.

Thư viện số là một bước tiến xa hơn của thư viện điện tử, là thư viện hoặc bộ phận của thư viện có tài nguyên thông tin được xử lý, lưu giữ dưới dạng số mà người sử dụng truy cập, khai thác thông qua thiết bị điện tử và không gian mạng.

Thư viện trực tuyến là thư viện người đọc có thể truy cập và sử dụng qua không gian mạng.

Thư viện ảo là không có “tường”, được hiểu là một tập hợp các tài nguyên thông tin được tổ chức, lưu giữ có sẵn trên một hoặc nhiều hệ thống máy tính với một giao diện hoặc điểm truy cập, người sử dụng có thể truy cập và khai thác thông tin từ xa.

-  Sự xuất hiện của sách điện tử cùng việc phát triển nhanh chóng của các nền tảng, ứng dụng đọc sách khiến nhiều người cho rằng thư viện điện tử là xu hướng của tương lai. Theo bà, liệu sự tiện lợi của thư viện điện tử có thay thế thư viện truyền thống?

- Thư viện điện tử không thể thay thế được thư viện truyền thống. Đây là hai phương thức hoạt động luôn song hành để giúp cho người đọc có thêm nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức.

Thực tế có nhiều minh chứng, ngay cả đối với các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore..., thư viện truyền thống vẫn tồn tại và phát triển song hành cùng với thư viện điện tử, hỗ trợ cho nhau để phục vụ tốt nhất nhu cầu đọc sách, báo của người sử dụng.

- Thực trạng các thư viện điện tử ở Việt Nam hiện nay phát triển ra sao, thưa bà?

- Ngay từ những năm 1990, việc xây dựng thư viện điện tử đã được triển khai ở Việt Nam. Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện và xây dựng các nguồn thông tin điện tử đã được thực hiện tại một số thư viện tỉnh/thành lớn thuộc hệ thống thư viện công cộng, thư viện đa ngành, chuyên ngành, đặc biệt là các thư viện đại học, viện nghiên cứu. Các thư viện đã đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, áp dụng nhiều thiết bị tiên tiến, thực hiện số hóa tài liệu, sử dụng các phần mềm quản trị thư viện tích hợp.

Tuy nhiên, việc xây dựng thư viện điện tử mới chỉ phát triển ở các thư viện lớn, còn đối với các thư viện nhỏ, đặc biệt là đối với hệ thống thư viện huyện, thư viện trường phổ thông thì còn nhiều hạn chế.

Việc sử dụng sách điện tử và các thư viện điện tử phục vụ nghiên cứu, giảng dạy và học tập có nhiều ưu điểm vượt trội so với việc sử dụng sách và mô hình thư viện truyền thống.

-  Hệ thống thư viện ở các trường tiểu học, trung học dường như chưa thực sự thu hút được học sinh, mà một trong những nguyên nhân chính là hạn chế về không gian và thời gian. Vậy có hay không việc xây dựng và phát triển thư viện điện tử ở các trường học, thưa bà?

- Việc xây dựng và phát triển thư viện điện tử song hành cùng với thư viện truyền thống ở các trường học bậc tiểu học, trung học là rất cần thiết. Hiện nay đã có một số thư viện trường học ở hai cấp học này ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện. Đẩy mạnh xây dựng thư viện điện tử rõ ràng sẽ tạo điều kiện cho học sinh, giáo viên có thể cùng sử dụng nguồn tài nguyên thông tin giáo dục mở, góp phần hỗ trợ đổi mới giáo dục.

- Lợi thế thì đã rõ, nhưng theo bà những khó khăn mà ngành thư viện phải đối mặt khi xây dựng hệ thống thư viện điện tử là gì?

- Có thể nói đến một số khó khăn như: Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin ở nhiều thư viện còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu; vốn tài liệu điện tử còn nghèo nàn; ngân sách nhà nước cấp cho việc xây dựng thư viện điện tử còn hạn chế, chủ yếu dành cho các thư viện lớn, các thư viện cấp huyện và thư viện trường phổ thông chưa được quan tâm; nguồn nhân lực thư viện còn thiếu và yếu, trình độ, kỹ năng quản lý thư viện hiện đại chưa đáp ứng được với yêu cầu của thực tiễn; vấn đề bản quyền phải tuân thủ theo các quy định của Luật Sở hữu trí tuệ mà không có quy định riêng trong lĩnh vực thư viện nên cũng gây nhiều khó khăn...

-  Một trong những thách thức đối với sự phát triển của ngành xuất bản là sách lậu. Hiện nay sách điện tử lậu cũng “nở rộ”, vậy vấn đề bản quyền được giải quyết như thế nào trong các thư viện điện tử, thưa bà?

-  Đúng là lâu nay không chỉ có sách bản giấy bị in lậu mà sách điện tử vi phạm bản quyền cũng có xu hướng gia tăng. Vì vậy, theo tôi, cần tăng cường phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ, về bản quyền và các quyền liên quan, có chế tài để xử phạt nghiêm minh với các hành vi vi phạm. Đối với các thư viện, trong đó có thư viện điện tử, cần tuân thủ theo Luật Sở hữu trí tuệ và yêu cầu này đã trở thành nguyên tắc đặt ra trong Luật Thư viện được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 21-11-2019.

Tôi rất mong các phương tiện truyền thông đại chúng sẽ tuyên truyền nhiều hơn nữa để giáo dục cho bạn đọc ý thức tuân thủ luật, hiểu được rằng có những nguồn tài liệu có thể được miễn phí, song cũng có những nội dung phải trả phí. Đối với thư viện điện tử hiện nay, phí truy cập hàng năm khá thấp.

- Phát triển thư viện điện tử là tất yếu, bản quyền thư viện điện tử là vấn đề nóng, nhưng bên cạnh đó liên thông thư viện điện tử cũng là một yêu cầu bức thiết. Đầu năm 2019, Luật Thư viện đã được Quốc hội khóa XIV thông qua, trong đó có quy định về liên thông thư viện. Bà có thể cho biết cụ thể hơn về những quy định này?

- Ở Việt Nam lâu nay đã có sự kết nối, liên thông thư viện nhưng thực tế chưa thực sự kết nối sâu rộng. Có một số nơi, như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, thì gần như tất cả các thư viện thành viên đều kết nối với nhau, tạo nên mạng lưới mục lục liên hợp, để bạn đọc có thể tra cứu, mượn liên thư viện. Đại học Quốc gia Hà Nội tích hợp thành một trung tâm thông tin thư viện chung cho tất cả các trường đại học trực thuộc.

Đại học Bách khoa Hà Nội cùng với khoảng 28 trường đại học khác thuộc khối kỹ thuật hình thành một mạng lưới thư viện để chia sẻ các tài liệu khoa học kỹ thuật, tạo được hiệu quả rất tốt. Ở một số tỉnh, thành phố cũng đã tạo được những cơ sở dữ liệu dùng chung, như các thư viện thuộc Liên hiệp Thư viện Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Tuy nhiên, tư liệu này nặng về cơ sở dữ liệu địa chí là chính. Ngoài ra, ở Việt Nam đã có mô hình Liên hợp Thư viện Việt Nam nhằm bổ sung, phát triển các nguồn tin điện tử dùng chung cho các thư viện, tăng cường chia sẻ nguồn lực, tránh sự trùng lặp, lãng phí trong đầu tư.

Một trong những điểm mới trong Luật Thư viện được Quốc hội khóa XIV mới thông qua là đã quy định về thực hiện liên thông thư viện. Thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung mọi thư viện công lập và thư viện ngoài công lập đều phải tuân thủ. Tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách Nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện. Điều này rất có ý nghĩa vì buộc các thư viện phải có hoạt động liên kết, hợp tác để sử dụng hợp lý, phát huy hiệu quả các tài nguyên, tiện ích, các sản phẩm, dịch vụ thư viện... Đặc biệt là các thư viện lớn, có vai trò quan trọng được nhà nước ưu tiên đầu tư như Thư viện Quốc gia, thư viện tỉnh sẽ phải có trách nhiệm chia sẻ tài nguyên cho các thư viện khác nhằm phục vụ bạn đọc tốt hơn. Sắp tới, Chính phủ sẽ có những quy định cụ thể về nội dung này.

- Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của bà!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Liên thông thư viện là yêu cầu bắt buộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.