Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh tế Thủ đô đang phát triển nhanh, bền vững

Hồng Sơn| 13/12/2019 06:46

(HNM) - Hà Nội cùng cả nước đang chuẩn bị kết thúc năm kế hoạch 2019. Những kết quả đạt được cho thấy kinh tế Thủ đô đang phát triển nhanh và bền vững. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Công ty cổ phần May Sơn Hà (thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành

- Sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô từ đầu năm 2019 đến nay đã đạt được những kết quả cụ thể nào, thưa ông?

- Năm 2019 mặc dù gặp không ít thách thức và yếu tố tác động không thuận lợi từ tình hình thế giới; song với sự nỗ lực, phấn đấu quyết liệt của cộng đồng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển ổn định và đạt cao hơn năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, môi trường đầu tư - kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 7,62% (năm 2018 là 7,17%). Lượng khách du lịch đến Thủ đô ước tăng 10,1%, trong đó khách quốc tế tăng 17%; tăng trưởng xuất khẩu tiếp tục tăng cao, đạt 20,3%; thu ngân sách ước đạt 100,6% dự toán, tăng 7,4% so với năm 2018. Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 383,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,9%; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 8,05 tỷ USD, tiếp tục dẫn đầu cả nước; doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số lượng (11%) và vốn đăng ký (30%).

Trên thực tế, GRDP tăng cao ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm, duy trì đến hết năm thể hiện kinh tế Thủ đô đang phát triển nhanh và bền vững. Môi trường đầu tư, sản xuất - kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thủ đô thực sự là điểm đến an toàn, hấp dẫn với các nhà đầu tư, du khách trong và ngoài nước.

- Ông có thể phân tích sâu hơn về kết quả xuất khẩu và thu hút vốn FDI trên địa bàn Hà Nội năm 2019?

- Kim ngạch xuất khẩu của thành phố Hà Nội năm 2019 có mức tăng ấn tượng là 20,3%, đạt 17,5 tỷ USD. Xét về cơ cấu, nhóm hàng dệt may tăng 17,5%; nhóm hàng phương tiện vận tải, phụ tùng tăng 20,2%... Tuy nhiên, còn một số mặt hàng gặp khó khăn, như nông sản giảm 22,4%, xăng dầu giảm 6,4%.

Nhờ những nỗ lực và chuyển biến tích cực trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh (thể hiện qua kết quả xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI năm 2018 của thành phố, xếp thứ 9/63 tỉnh, thành phố), năm 2019, Hà Nội thu hút 8,05 tỷ USD vốn FDI (bằng 1/4 tổng vốn FDI cả nước), là năm thứ hai liên tiếp dẫn đầu cả nước. Phân tích sâu hơn có thể thấy, Hà Nội được nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn bởi có cơ sở hạ tầng tốt, giao thông thuận lợi. Đặc biệt, dân số Hà Nội đang tăng, tạo ra lượng cầu về nhà ở lớn. Vì thế, lĩnh vực thu hút vốn FDI lớn nhất của Hà Nội là bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ thương mại…

Kết quả đạt được trong xuất khẩu và thu hút vốn FDI chủ yếu do thành phố nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp tổng thể nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô theo hướng nhanh, bền vững. Tôi tin tưởng, thành phố sẽ tiếp tục đạt kết quả tốt trong những năm tới.

- Những thế mạnh của Hà Nội để phát triển kinh tế cũng như một số hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới là gì, thưa ông?

- Thời gian tới, mà trước mắt là năm 2020, những yếu tố thuận lợi chủ yếu để Hà Nội tiếp tục phát triển kinh tế gồm: Kinh tế trong nước, trong đó có Hà Nội vẫn duy trì ổn định, tiếp đà phát triển; một số dự án quan trọng đi vào hoạt động. Vốn FDI thu hút được từ những năm trước bắt đầu phát huy hiệu quả. Hoạt động thương mại và đầu tư tiếp tục tăng do hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, nhất là khi tham gia một loạt hiệp định thương mại thế hệ mới. Bên cạnh đó, tình hình chính trị, xã hội ổn định; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; môi trường đầu tư, kinh doanh của Thủ đô tiếp tục được cải thiện sẽ là những yếu tố củng cố lòng tin, gia tăng sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với Hà Nội…

Tuy nhiên, kinh tế Thủ đô cũng phải đối mặt với một số thách thức - nhưng cũng là cơ hội nếu tận dụng tốt như: Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; cạnh tranh giữa các nước lớn và căng thẳng thương mại ở nhiều nơi gay gắt... 

Vấn đề môi trường, ùn tắc giao thông; mật độ dân số cao tại khu vực nội đô; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh... cũng là những vấn đề đặt ra đối với việc phát triển kinh tế Thủ đô. Ngoài ra, kinh tế Thủ đô khi tham gia hội nhập sâu rộng sẽ đối mặt với những hạn chế, bất cập về năng suất lao động, năng lực cạnh tranh... 

- Ông dự báo tăng trưởng kinh tế của Thủ đô năm 2020 sẽ ra sao và cần lưu ý những vấn đề gì?

- Từ kết quả đạt được của năm 2019, với đà tăng trưởng, quyết tâm và các giải pháp đồng bộ mà Hà Nội đang tập trung triển khai như hiện nay để hoàn thành các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm (2016-2020), có thể dự báo kinh tế Thủ đô tiếp tục ổn định và đạt mức tăng trưởng khá trong năm 2020, với mức tăng GRDP từ 7,5% trở lên.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh. Đặc biệt là đẩy mạnh thu hút đầu tư, khơi thông các nguồn vốn, thúc đẩy tăng trưởng, khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo, trong đó chú trọng phát triển kinh tế tri thức trên cơ sở tận dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp 4.0. Triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, đẩy mạnh xuất khẩu, quảng bá và phát triển du lịch. Thành phố cũng tập trung rà soát các cơ sở sản xuất cần di dời và có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, khói bụi...  

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế Thủ đô đang phát triển nhanh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.