Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo đà bứt phá cho du lịch Thủ đô

Hoàng Lân| 23/08/2020 06:24

(HNM) - Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26-6-2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” (Nghị quyết số 06-NQ/TU), ngành Du lịch Thủ đô đã tạo được sự chuyển biến rõ nét, khẳng định thương hiệu, tạo đà bứt phá, bên cạnh những khó khăn, hạn chế. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu.

Khẳng định thương hiệu sản phẩm, điểm đến

- Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra 7 nhóm nhiệm vụ để thúc đẩy ngành Du lịch Thủ đô phát triển. Xin ông cho biết cụ thể về những nhiệm vụ này!

- Bảy nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết số 06-NQ/TU đề ra, là: Tuyên truyền, quảng bá, hợp tác xúc tiến đầu tư và phát triển thị trường; rà soát bổ sung quy hoạch phát triển du lịch; phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng thương hiệu du lịch Thủ đô; đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ du lịch; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; đề ra chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch; tăng cường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, liên kết phát triển du lịch.

Mỗi nhóm nhiệm vụ này đều từng bước được thực hiện hiệu quả, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, khẳng định được thương hiệu của du lịch Thủ đô, thu hút ngày càng nhiều du khách.

- Sau hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngành Du lịch Thủ đô đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Trong giai đoạn 2016-2019, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng nhanh và ổn định, với mức tăng bình quân đạt 10,1%/năm; lượng khách quốc tế có mức tăng ấn tượng, bình quân 21,2%/năm. Năm 2019, Hà Nội đón hơn 28,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 7 triệu lượt khách quốc tế; tỷ lệ đóng góp của ngành Du lịch vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 12,54%.

Hà Nội được nhiều tổ chức quốc tế bình chọn vào danh sách điểm đến hấp dẫn của thế giới. Đáng chú ý, Hà Nội đã có thêm nhiều sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô.

- Ông có thể nói rõ hơn về sản phẩm du lịch mới gắn với thương hiệu du lịch Thủ đô?

- Yêu cầu với sản phẩm du lịch của Hà Nội là ngoài sự độc đáo, hấp dẫn, tính chuyên nghiệp, còn phải có tính bền vững, rõ trách nhiệm với môi trường và xã hội. Nhiều sản phẩm, điểm đến đáp ứng tốt nhu cầu trải nghiệm của du khách, như: Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, “Không gian Văn hóa Hà Nội” tại đình Đồng Lạc - Hàng Đào, làng gốm sứ Bát Tràng, làng dệt lụa Vạn Phúc…

Các di tích, danh thắng: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò... thường xuyên tổ chức các sự kiện hấp dẫn phục vụ du khách. Hà Nội cũng có nhiều sản phẩm du lịch mới: Du lịch kết hợp thể thao; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch nông nghiệp chất lượng cao gắn với xây dựng nông thôn mới... 

- Thành phố Hà Nội rất quan tâm đến việc quảng bá “điểm đến an toàn, thân thiện, chất lượng, hấp dẫn” cũng như các hoạt động liên kết nhằm phát triển du lịch bền vững. Hiệu quả của các hoạt động này đến nay ra sao, thưa ông?

- Hoạt động quảng bá xúc tiến của ngành Du lịch Thủ đô được đổi mới mạnh mẽ; thực hiện hiệu quả việc xúc tiến tại chỗ, triển khai thỏa thuận hợp tác giữa thành phố với các hãng hàng không; ký kết hợp tác với 40 tỉnh, thành phố để xây dựng tour du lịch, tuyến liên vùng, kết nối các điểm đến du lịch của Hà Nội với cả nước. Đặc biệt, chương trình hợp tác tuyên truyền, quảng bá giữa thành phố Hà Nội và Mạng tin tức truyền hình cáp CNN (Mỹ) đã có tác động tích cực tới sự tăng trưởng lượng khách quốc tế.

- Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch Thủ đô còn có những khó khăn, hạn chế gì, thưa ông?

- Du lịch Hà Nội vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, hạn chế. Đó là, chất lượng dịch vụ tại một số điểm đến chưa cao; hệ thống cơ sở lưu trú chưa thực sự đồng bộ; dịch vụ ẩm thực, mua sắm phát triển, nhưng còn phân tán. Các doanh nghiệp lữ hành có quy mô nhỏ, khó dẫn dắt thị trường du lịch quốc tế. Số lượng, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn hạn chế, nhất là về trình độ ngoại ngữ và tính chuyên nghiệp. Cơ sở hạ tầng, đường sá tiếp cận các điểm du lịch còn chưa tốt. Việc triển khai một số dự án phát triển du lịch còn chậm, dẫn đến thiếu khu vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng quy mô lớn, ảnh hưởng tới mục tiêu thu hút du khách ở lại Hà Nội dài ngày.

Sớm hình thành các khu, điểm du lịch chất lượng cao

- Dịch Covid-19 đã và đang tác động tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngành Du lịch Thủ đô nhận định về khó khăn này như thế nào, thưa ông?

- Năm 2020 thật sự là năm khủng hoảng của ngành Du lịch cả nước nói chung, Hà Nội nói riêng. Chỉ tính riêng từ tháng 1-2020 đến hết tháng 4-2020, toàn thành phố Hà Nội có 1.190 cơ sở lưu trú, 1.364 doanh nghiệp lữ hành, 120 doanh nghiệp vận chuyển, điểm đến du lịch tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; gần 41.000 lao động tạm thời nghỉ việc. Năm 2020, Du lịch Hà Nội phấn đấu đón khoảng 14 triệu lượt khách, chỉ bằng gần 50% so với năm 2019, song cũng phải rất nỗ lực mới có thể đạt được mục tiêu này.

- Vậy, ngành Du lịch Thủ đô sẽ làm gì để khắc phục khó khăn, đạt mục tiêu đề ra?

- Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các đơn vị, doanh nghiệp, điểm đến… thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Song song đó, Sở Du lịch Hà Nội đẩy mạnh triển khai chương trình kích cầu du lịch nội địa năm 2020, vận động và hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác xây dựng sản phẩm tour du lịch mới mang đặc trưng của Hà Nội. Có thể kể ra các mô hình liên kết, như: Công ty Lữ hành Hanoitourist cùng Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò xây dựng tour du lịch tham quan đêm; Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội cùng các điểm đến thực hiện tour du lịch “Hà Nội 36 phố phường”, “Thăng Long tứ trấn”, tour du lịch bằng tàu hỏa... Thời gian tới, Hà Nội tập trung mở rộng phát triển du lịch ngoại thành; đồng thời, điều chỉnh chương trình kích cầu, xúc tiến du lịch nội địa sao cho phù hợp với diễn biến mới của dịch Covid-19 và chuẩn bị các hoạt động kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các đơn vị, doanh nghiệp đã thể hiện sự đoàn kết, chia sẻ; luôn hợp tác, năng động, làm mới mình để phục vụ tốt du khách trong nước và sẵn sàng đón khách quốc tế ngay sau khi hết dịch. Sở Du lịch Hà Nội cam kết sẽ luôn sát cánh, chung sức cùng các doanh nghiệp.

- Còn mục tiêu dài hạn hơn là gì, thưa ông?

- Ngành Du lịch Thủ đô kỳ vọng một kịch bản phục hồi sớm và đặt mục tiêu: Năm 2021 đón lượng khách nội địa đạt 100%, khách quốc tế đạt khoảng 70% so với năm 2019; năm 2022, lượng khách nội địa tăng 8% so với năm 2021. Từ năm 2023 đến 2025, lượng khách cơ bản tăng trưởng ổn định với mức tăng từ 8% đến 9%...

Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp chiến lược theo Nghị quyết 06-NQ/TU, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tham mưu thành phố lựa chọn và ưu tiên đầu tư để các khu, điểm du lịch trọng điểm sớm trở thành khu, điểm du lịch chất lượng cao, “giữ chân” được du khách ở lại Hà Nội dài ngày hơn; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng sản phẩm du lịch mới, nhất là các sản phẩm thế mạnh, mang bản sắc - đặc trưng Hà Nội; phát triển sản phẩm du lịch về đêm; thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử trong hoạt động quảng bá, kinh doanh du lịch, tạo đà bứt phá trong tương lai.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo đà bứt phá cho du lịch Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.