Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá, xếp loại cần khách quan, công bằng, chính xác

Hiền Chi| 27/09/2020 07:01

(HNM) - Ngày 13-8-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nhiều quy định đánh giá cán bộ, công chức, viên chức một cách thực chất, chính xác, khách quan. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Tư Long, Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) xung quanh vấn đề này.

Phó Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức (Bộ Nội vụ) Nguyễn Tư Long.

Lượng hóa nhiệm vụ chuyên môn

- Ông đánh giá thế nào về công tác đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua?

- Thời gian qua, việc đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo Nghị định số 56/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ, quy định về đánh giá và phân loại đối với cán bộ, công chức, viên chức và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP ngày 27-7-2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2015/NĐ-CP. Việc thực hiện các quy định trên đã góp phần nâng cao chất lượng đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức... Tuy nhiên, thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập, chưa phản ánh đúng thực chất công việc.

Trước thực tiễn đó, ngày 25-11-2019, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Trong đó, nội dung đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức đã được sửa đổi, bổ sung.

Để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP thay thế Nghị định số 56/2015/NĐ-CP và Nghị định số 88/2017/NĐ-CP.

- Vậy trong quá trình xây dựng Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, Ban soạn thảo chú trọng điều gì?

- Nghị định được tập trung xây dựng theo hướng: Lượng hóa tối đa những nội dung liên quan đến hoạt động nhiệm vụ chuyên môn, trong đó quy định các mức tỷ lệ phần trăm hoàn thành nhiệm vụ; đối với lãnh đạo, quản lý thì gắn với kết quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quyền quản lý; quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, gắn đánh giá cá nhân với tập thể và kết quả thực hiện nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.

Cụ thể, trong quy trình đánh giá đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên cả nước như cấp tổng cục thì việc nhận xét, đánh giá lãnh đạo tổng cục phải có ý kiến của người đứng đầu các đơn vị cấu thành, mà ở đây là cấp cục. Tuy nhiên, Nghị định cũng quy định trong trường hợp này thì việc nhận xét có thể thực hiện bằng văn bản để tránh phát sinh thủ tục hành chính và chi phí.

Đồng thời, Nghị định cũng quy định trách nhiệm cụ thể của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc ban hành quy chế để quy định cụ thể việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý. Đây là nội dung rất quan trọng vì cần phải có quy chế đánh giá phù hợp với đặc thù của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị trên cơ sở lượng hóa được khối lượng công việc của từng vị trí việc làm để làm căn cứ đánh giá chính xác.

- Vậy Nghị định số 90/2020/ NĐ-CP có những điểm mới ưu việt nào so với quy định trước đây, thưa ông?

- Nghị định quy định theo hướng lượng hóa ở mức tối đa, đặc biệt là về kết quả thực hiện nhiệm vụ, xác định rõ tỷ lệ phần trăm hoàn thành các công việc tương ứng với từng mức xếp loại chất lượng. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định tập trung thẩm quyền đánh giá vào người trực tiếp sử dụng lao động, thể chế hóa các quy định về công khai, minh bạch, đa chiều.

Để bảo đảm sự thống nhất trong công tác đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức và đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên giúp tiết kiệm thời gian, vật chất, giảm thủ tục hành chính, Khoản 4, Điều 2 Nghị định số 90/2020/NĐ-CP bổ sung nguyên tắc “Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định tại Nghị định này được sử dụng làm cơ sở liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên”.

Cùng với đó, để tạo sự thống nhất, liên thông trong đánh giá cán bộ, công chức, viên chức là lãnh đạo, quản lý, Nghị định quy định phải lấy ý kiến cấp ủy nơi công tác khi thực hiện đánh giá cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý.

Có thể nói, Nghị định số 90/2020/ NĐ-CP với 4 chương, 26 điều, cùng các tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cụ thể, rõ ràng như vậy chính là “khung” cơ sở pháp lý để người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng quy chế, trong đó quy định các tiêu chí thành phần cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ… của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình.

Công khai kết quả đánh giá       

- Nghị định đã đề cập việc thông báo công khai về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng, đồng thời ưu tiên áp dụng hình thức công khai trên môi trường điện tử. Theo ông, việc này hướng tới mục tiêu gì?

- Để bảo đảm nguyên tắc “khách quan, công bằng, chính xác, không nể nang, trù dập, thiên vị, hình thức”, Nghị định quy định kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người được đánh giá công tác, làm việc. Hình thức thông báo do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định nhưng Nghị định khuyến khích việc áp dụng công nghệ thông tin trong việc đánh giá. Nếu thực hiện việc công khai trên website của cơ quan, tổ chức, đơn vị thì không chỉ cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị mà người dân cũng có thể biết, theo dõi.

- Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã bỏ tiêu chí phải có sáng kiến, đề tài, đề án mới được xếp loại chất lượng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Xin ông cho biết, các quy định trong Nghị định có bổ sung tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở mỗi cơ quan, tổ chức như quy định của Đảng hay không và liệu việc bỏ tiêu chí trên có làm tăng tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ một cách “đột biến”?

- Đây là nội dung được các thành viên Chính phủ cho ý kiến với tỷ lệ rất sát sao. Ban soạn thảo cũng lường trước các vấn đề có liên quan khi bỏ tiêu chí này.

Trước tiên, về tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì từ trước đến nay các văn bản pháp luật không giới hạn tỷ lệ và cũng rất khó để lý giải khi đưa ra con số. Đánh giá đảng viên khác với đánh giá chính quyền, vì không phải toàn bộ đội ngũ công chức, viên chức đều là đảng viên. Tuy nhiên, khi đánh giá cán bộ với tư cách đảng viên và với tư cách công chức, viên chức cũng cần phải có những liên thông nhất định.

Việc bỏ tiêu chí sáng kiến, đề tài, đề án có làm tăng tỷ lệ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hay không cũng là vấn đề được đặt ra. Ở đây, chúng tôi hướng tới sự công khai, minh bạch để dư luận nhìn nhận, đánh giá. Theo đó, số liệu, tỷ lệ đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sẽ được Bộ Nội vụ tổng hợp đầy đủ báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Các cơ quan cũng có trách nhiệm phải công khai. Như vậy, dư luận có thể đánh giá về tỷ lệ đó. Người có thẩm quyền đánh giá sẽ chịu trách nhiệm trước lãnh đạo cấp trên.

- Theo ông, các cơ quan, đơn vị cần phải làm gì để thực hiện tốt Nghị định số 90/2020/NĐ-CP và với chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Nội vụ có biện pháp gì để Nghị định này được thực hiện hiệu quả?

- Việc đầu tiên là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần nghiên cứu, ban hành quy chế đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp đầy đủ số liệu đánh giá, xếp loại chất lượng của cơ quan, tổ chức, đơn vị để báo cáo Chính phủ, Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời kết hợp với phản ánh của cơ quan báo chí, Bộ Nội vụ sẽ tổng hợp, kịp thời xử lý theo thẩm quyền những vấn đề phát sinh hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để xem xét, giải quyết.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá, xếp loại cần khách quan, công bằng, chính xác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.