Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phúc Thọ hướng tới du lịch nông nghiệp sinh thái

Thương Nguyệt| 06/04/2017 13:22

(HNMO) – Tọa đàm “Xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp Phúc Thọ - Hà Nội và hợp tác giữa doanh nghiệp và điểm tham quan du lịch” đã diễn ra sáng nay (6-4) với sự tham gia của đại diện Tổng cục du lịch Việt Nam, Hiệp hội lữ hành Việt Nam cùng các viện bảo tàng và 80 đơn vị lữ hành...


Buổi tọa đàm nhằm mục đích đón nhận những ý kiến đóng góp về việc xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp sinh thái cho huyện Phúc Thọ và giải pháp nâng cao số lượng du khách cũng như chất lượng phục vụ tại các điểm đến của Hà Nội.

Du lịch nông nghiệp sinh thái là mô hình đã được xây dựng và phát triển ở nhiều nơi trong nước cũng như thế giới. Đây là loại hình du lịch đưa du khách trở về với thiên nhiên và đến gần hơn với các hoạt động của cộng đồng dân cư bản địa. Loại hình du lịch nông nghiệp sinh thái hiện nay đang là lựa chọn của rất nhiều du khách và Việt Nam là một trong những điểm đến phù hợp để trải nghiệm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm


Phúc Thọ là một huyện ngoại thành của thành phố Hà Nội với những yếu tố cần thiết để phát triển du lịch nông nghiệp sinh thái. Huyện đã được thành phố phê duyệt quy hoạch là vành đai xanh của Thủ đô, có sẵn những vùng chuyên canh rau, củ, quả sạch với phương pháp canh tác đậm chất truyền thống chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm lý thú và bổ ích cho du khách.

Phát biểu tại tọa đàm, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết: “Việc được thành phố quy hoạch là huyện nông nghiệp vành đai xanh và sinh thái là yếu tố quan trọng để huyện hướng đến tương lai, tăng trưởng, phát triển bền vững. Huyện không có nhiều khu công nghiệp hay nhà máy gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Hiện huyện đã có 20 xã nông thôn mới và đang phấn đấu xây dựng nốt 2 xã còn lại để bộ mặt nông thôn tươi đẹp hơn, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng cũng như đời sống nhân dân”.

Hiện nay, Phúc Thọ đang có những chuyển biến tích cực trong việc hướng tới phát triển nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch. Cách làm này tuy không mới nhưng lại có những thách thức không nhỏ nếu muốn phát triển đúng hướng và đáp ứng được những đòi hỏi của du khách. Qua quá trình phát triển nông nghiệp, huyện đã xây dựng được 4 nhãn hiệu gồm: bưởi Phúc Thọ, chuối Vân Na, rau Thanh Đa và rau muống tiến Vua. Thời gian qua, huyện cũng phát động cuộc vận động 3 sạch: nước sạch, môi trường sạch và nông nghiệp sạch để phục vụ cuộc sống nhân dân.

Ông Hoàng Mạnh Phú cho biết thêm, để bảo tồn những giá trị truyền thống, huyện khuyến khích xây nhà truyền thống với mật độ xây dựng thấp. Huyện có khu du lịch sinh thái 250 ha nhưng mật độ xây dựng cũng rất thấp, không làm ảnh hưởng đến không gian của nông thôn, rất nhiều nhà cổ cũng được gìn giữ đến nay, vừa là nơi người dân sinh sống, vừa là điểm tham quan của khách du lịch.

Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú phát biểu tại tọa đàm.


Bên cạnh những lợi thế, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cũng thừa nhận, huyện chưa có kinh nghiệm và nhãn quan nghiên cứu sản phẩm du lịch nông nghiệp. Vì vậy, huyện đang rất cần những ý kiến đóng góp của các đơn vị lữ hành và sự đầu tư, tư vấn của các công ty có trình độ chuyên môn cao để Phúc Thọ sớm trở thành một điểm đến chất lượng về du lịch nông nghiệp sinh thái.

“Huyện nhất trí cao ủng hộ các doanh nghiệp, đơn vị muốn tìm hiểu Phúc Thọ. Hy vọng với quyết tâm của cán bộ và nhân dân huyện, việc xây dựng sản phẩm du lịch nông nghiệp trên địa bàn Phúc Thọ sẽ sớm trở thành hiện thực”, ông Hoàng Mạnh Phú nói.

Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, Hà Nội có nhiều điểm đến nổi tiếng thu hút khách du lịch, nên để nâng cao chất lượng phục vụ tại các điểm du lịch, các đơn vị của Hà Nội có thể lắng nghe ý kiến khách quan nhất từ những người làm lữ hành.

“Những người làm lữ hành và những người quản lý các điểm du lịch hay thẩm định đầu tư tại các khu du lịch cần phải gặp gỡ để trao đổi, bày tỏ mong muốn của hai bên để cùng nhau cải thiện chất lượng phục vụ”, ông Vũ Thế Bình gợi mở.

Là một điểm đến nổi tiếng của Hà Nội, khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng đang gặp không ít khó khăn trong khai thác các giá trị của mình. Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ, việc chuyển từ tư duy thuần túy quản lý một khu di tích quốc gia quan trọng sang tư duy phục vụ là một công việc dài hơi. Sự kết nối các khu vực trong di tích và giữa di tích với các điểm tham quan khác cũng đang còn hạn chế. 


“Văn Miếu – Quốc Từ Giám gồm Nội tự và Ngoại tự. Trong khi Nội tự đã hoạt động ổn định, thì khu Ngoại tự như Hồ Văn hay Hồ Giám vẫn chưa được khai thác, dẫn tới tình trạng du khách không biết đến những nơi này”, ông Lê Xuân Kiêu nói.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học  Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu chia sẻ tại buổi tọa đàm.


Hiện tại, các giá trị của di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám như kiến trúc, văn hóa, lịch sử, đặc biệt là các giá trị văn hóa phi vật thể nhằm phục vụ du khách thông qua các hoạt động du lịch, cũng gặp không ít khó khăn khi việc tổ chức các hoạt động này vẫn phải bảo đảm được công tác bảo tồn, gìn giữ các công trình, các hạng mục đang có dấu hiệu xuống cấp.

Ông Lê Xuân Kiêu cho biết, trong năm 2017, Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ hoàn thành hệ thống thông tin, biển chỉ dẫn, bộ nhận diện thương hiệu và đưa các thiết bị tự động vào sử dụng nhằm phục vụ du khách tốt hơn. 


“Sau khi Chính phủ đồng ý chủ trương quy hoạch tổng thể Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chúng tôi hy vọng những hạn chế hiện nay sẽ được khắc phục, đặc biệt là việc kết nối khu Nội tự với Ngoại tự, cũng như việc đa dạng hóa các hoạt động và dịch vụ cho du khách”, ông Lê Xuân Kiêu kỳ vọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phúc Thọ hướng tới du lịch nông nghiệp sinh thái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.