Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hát xoan “vượt vũ môn”

Yên Nga| 05/01/2018 05:55

(HNM) - Trên chuyến xe vào miếu Lãi Lèn ở làng Phù Đức (Kim Đức, Việt Trì, Phú Thọ) - nơi phát tích của hát xoan, cán bộ Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Phú Thọ Phạm Thị Anh cất lời hát trong trẻo: “Em đố anh biết huê gì nó nở trên rừng bạc bội?...

Bốn phường xoan An Thái, Phù Đức, Thét và Kim Đái của tỉnh Phú Thọ sau ngày được biết tin hát xoan thoát khỏi cụm từ “cần được bảo vệ khẩn cấp” mang một không khí chung, đượm đầy hân hoan. Quyết định ở phiên họp thứ 12 của UNESCO diễn ra vào ngày 8-12-2017 tại Hàn Quốc, chính thức ghi hát xoan vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, khiến chính quyền, cộng đồng và người dân Phú Thọ thở phào nhẹ nhõm. Nói như Nghệ nhân ưu tú Lê Xuân Ngũ, Trùm phường xoan Phù Đức là: “Giờ xoan đã vượt vũ môn thành công”.

Nghệ nhân phường xoan An Thái hướng dẫn khách cùng hát xoan. Ảnh: Thụy Du


Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch, Trùm phường xoan An Thái mắt đỏ hoe khi nhắc đến nỗi nhọc nhằn bao nhiêu năm qua giờ đã được bù đắp phần nào. Sinh ra trong gia đình có 5 đời hát xoan ở làng An Thái (Phượng Lâu, Việt Trì, Phú Thọ), trong đó ông nội Nguyễn Văn Trìu và cha Nguyễn Tất Thắng đều là trùm phường xoan, bà Nguyễn Thị Lịch được nuôi lớn bằng những câu hát dân gian mượt mà, dung dị. Những năm tháng ấu thơ, bà theo ông và cha đi nhiều nơi biểu diễn. Đến năm 13, 14 tuổi, bà đã thuộc hầu hết các quả cách (làn điệu) xoan, trở thành đào nương trẻ tuổi hát chính tại các đình, miếu trên đất Tổ.

Theo bà Nguyễn Thị Lịch, do tục “cha truyền con nối” nên bà được cha truyền lại trọng trách Trùm phường xoan An Thái. Nhưng trong gia đình và cả làng An Thái, ai cũng công nhận không người nào xứng đáng hơn bà Nguyễn Thị Lịch - bà trùm phường xoan duy nhất ở Phú Thọ. Bà dành tâm huyết cả đời để phục dựng, biểu diễn và truyền dạy nghệ thuật hát xoan trong cộng đồng. Đến hôm nay, bà không khỏi tự hào: “Thế là tôi không phụ kỳ vọng của cha ông”.

Phường xoan An Thái hiện có 117 thành viên, với 5 thế hệ. Nhỏ tuổi nhất là cháu Bùi Như Quỳnh, 6 tuổi, chính là cháu gái bà Nguyễn Thị Lịch. Cao tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Hải, 94 tuổi. Dù đã ở tuổi gần 70, nhưng bà Nguyễn Thị Lịch vẫn nhanh nhẹn, tháo vát. Bà say sưa nói về nghệ thuật hát xoan, về từng quả cách, động tác múa mô phỏng và cách trình diễn. Bà rành rọt từng gia đình trong làng, nhà nào có bao nhiêu người tham gia, ai hát hay, ai múa đẹp, ai thành thạo nhiều quả cách, ai đã "thoát ly" để đưa hát xoan đi xa hơn…

Giống như thế, phường xoan Phù Đức, phường xoan Kim Đái, phường xoan Thét có nhiều nỗ lực và hoạt động mạnh mẽ để hồi sinh hát xoan. Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ Nguyễn Ngọc Ân cho biết, từ khi hát xoan được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện đồng bộ nhiều chương trình hành động để tiếp tục đưa hát xoan thoát khỏi cảnh “cần được bảo vệ khẩn cấp”. Sau 6 năm, hiện toàn tỉnh đã có gần 100 câu lạc bộ hát xoan và dân ca với số lượng hội viên lên đến hàng nghìn người. Số lượng nghệ nhân kế cận đã tăng gấp đôi, từ 31 người (năm 2012) lên 62 người (năm 2016). 19 di tích có liên quan đến hát xoan được tu bổ, nâng cấp.

Du lịch góp phần gìn giữ hát xoan

Chuyện kể trên đường đi của cô cán bộ kiêm hướng dẫn viên du lịch Phạm Thị Anh càng lúc càng hấp dẫn. Rằng, hát xoan có từ thời Vua Hùng. Năm ấy, vợ vua mang thai, đau bụng đã lâu mà mãi chưa sinh hạ. Nghe lời đồn, vua bèn mời nàng Quế Hoa đến hát múa để vợ quên đi đau đớn. Quả là vậy, giọng hát trong vắt, tay uốn chân đưa uyển chuyển, mềm mại của nàng đã xoa dịu đau đớn, giúp vợ vua sinh hạ hoàng tử khôi ngô. Vua vui mừng, bèn truyền cho các mỵ nương học điệu hát múa này rồi phổ biến trong dân chúng…

Những câu chuyện bên lề khác hẳn với thông tin khô cứng trong tài liệu, khiến người nghe dễ nhớ, dễ cảm và háo hức muốn được thưởng thức hát xoan hơn hẳn. Rồi khi được nghe những lời hát mượt mà, xem những điệu múa dung dị của các nghệ nhân phường xoan An Thái tại ngôi đình cổ Hùng Lô, du khách bị cuốn ngay vào, bao phiền muộn bỏ lại phía sau. Đặc biệt, ở tiết mục “Mó cá”, không chỉ các thành viên của phường xoan mà cả du khách cùng tham gia múa hát, đã tạo ra sự gắn kết, giao lưu tuyệt vời. Bà Lê Nem, Giám đốc Công ty Du lịch Sài Gòn Luxury chia sẻ: “Hát xoan Phú Thọ có lợi thế hấp dẫn khách du lịch. Ngoài sự độc đáo thì phần tương tác, đưa khán giả hòa mình vào điệu múa, lời hát sẽ khiến du khách thích thú, thỏa mãn”.

Trong câu chuyện với Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Lịch, bà cũng bày tỏ nhiều lo lắng, kể cả sau khi hát xoan đã được đưa ra khỏi danh sách cần được bảo vệ khẩn cấp. “Nếu chỉ truyền dạy, chỉ hát múa với nhau trong cộng đồng thì hát xoan sẽ vẫn đứng yên như vậy. Đây là hình thức nghệ thuật trình diễn, cần có người xem. Bây giờ, phường xoan hoạt động liên tục, nên không chỉ lễ Tết mà ngày thường chúng tôi cũng có thể biểu diễn, đón khách đến”, bà Nguyễn Thị Lịch cho hay.

Phát triển du lịch là một hướng để hát xoan được nhiều người biết đến hơn, là cách để đem lại nguồn lợi kinh tế cho cộng đồng đang giữ gìn di sản thế giới này. Đó cũng là suy nghĩ của các cấp chính quyền tỉnh Phú Thọ trong việc bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát xoan. Sở VH-TT&DL Phú Thọ đã xây dựng nhiều tour du lịch có chương trình biểu diễn hát xoan. Đó là một hành trình xuyên suốt, đưa du khách tham quan Khu di tích lịch sử đền Hùng, Bảo tàng Hùng Vương, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô, đình Thét, quần thể di tích đền, chùa Tam Giang... Ngoài tìm hiểu các kiến thức lịch sử, thưởng thức nghệ thuật, du khách còn được trải nghiệm nghề truyền thống qua cách làm bánh chưng, kẹo lạc, bánh đa…

Phú Thọ là nơi các Vua Hùng đóng đô, lập nên nước Văn Lang. Du khách đến đây thường là những người thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa hoặc thực hiện hành trình tâm linh. Vì vậy, bà Lê Nem gợi ý, nên xây dựng thành các tour, đưa khách từ các địa phương hoặc các quốc gia đến Hà Nội, tham quan Hoàng thành Thăng Long, thưởng thức múa rối nước, rồi lên Phú Thọ thăm các khu di tích lịch sử và thưởng thức hát xoan.

Chắc chắn, nghệ thuật hát xoan sẽ phát triển, còn mãi với đời.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hát xoan “vượt vũ môn”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.