Theo dõi Báo Hànộimới trên

Càng chậm chân, càng khó tiếp cận du khách

Minh Quang| 14/09/2018 06:30

(HNM) - Dù muốn thúc đẩy du lịch nhưng nhiều quận, huyện, thị xã tại Hà Nội vẫn chưa có trang web riêng để tiếp cận du khách và các công ty lữ hành.

Nếu quảng bá tốt, hình thức du lịch trải nghiệm sẽ hút khách quốc tế đến với Hà Nội.


Chưa được nhân rộng

Cách đây gần 4 tháng, quận Hoàn Kiếm cho ra mắt Trang thông tin điện tử Hoàn Kiếm 360 độ quảng bá du lịch. Với việc ứng dụng tọa độ GPS của người dùng làm nền tảng, bất cứ du khách nào cũng có thể tìm hiểu về du lịch quận Hoàn Kiếm một cách dễ dàng từ bất cứ đâu và bất cứ lúc nào thông qua thiết bị truy cập internet. Khách có thể tìm kiếm các điểm du lịch, dịch vụ, thương mại của quận Hoàn Kiếm - được hiển thị dưới dạng bản đồ Google map - hoặc khám phá các điểm đến bằng công nghệ ảnh 360 độ, đặt phòng khách sạn, đặt tour, các dịch vụ đặt chỗ và thương mại điện tử...

Trước đó, ở thị xã Sơn Tây, Ban quản lý Làng cổ Đường Lâm cho ra mắt trang thông tin điện tử về làng cổ này: duonglamvillage.com. Trang thông tin được thiết kế khá bắt mắt bằng tiếng Anh và tiếng Việt cùng đầy đủ thông tin hữu ích dành cho du khách. Trong lần làm việc mới đây với UBND thị xã Sơn Tây, Sở Du lịch Hà Nội đánh giá cao nỗ lực của Ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm trong việc xây dựng trang tin điện tử nhằm nâng cao khả năng tiếp cận với du khách, các công ty lữ hành.

Gần đây nhất, công ty lữ hành Vietsense Travel đã hoàn thành trang thông tin điện tử về du lịch của huyện Thường Tín. Câu chuyện tạo trang web về du lịch Thường Tín đến khá tình cờ. Trong buổi tọa đàm về phát triển du lịch của huyện, đại diện Sở Du lịch Hà Nội đề cập việc Thường Tín cần áp dụng công nghệ thông tin hiện đại để đưa hình ảnh và những nét đặc sắc của huyện đến với nhiều du khách, công ty lữ hành hơn. Nhân dịp này, Tổng Giám đốc Công ty Vietsense Travel Nguyễn Văn Tài đã chủ động đề xuất xây dựng miễn phí một trang web về du lịch huyện. Chỉ ít lâu sau, trang web đã hoàn thành và chờ ngày bàn giao cho UBND huyện.

Thường Tín khá may mắn khi có một doanh nghiệp nhiệt tình hỗ trợ xây dựng trang web về du lịch. Trong khi đó, nhiều quận, huyện khác ở Hà Nội vẫn chưa có trang web riêng về du lịch dù đây được coi là điểm đột phá trong phát triển ngành này. Các địa phương như Gia Lâm, Đông Anh, Tây Hồ, Ba Vì, Chương Mỹ… dù chú trọng phát triển du lịch nhưng vẫn đang chọn cách tiếp cận truyền thống là in sách, phát tờ rơi, mời báo chí đến viết tin, bài...

Gần đây, nhiều quận, huyện tiếp cận khách du lịch qua mạng xã hội hoặc đưa thông tin về du lịch trên địa bàn vào trang thông tin của quận, huyện, thị xã. Thế nhưng, đây vẫn chưa phải là kênh tiếp cận mang lại hiệu quả như mong muốn. Cần nhất là một trang web của đơn vị có trách nhiệm để tạo sự tin tưởng cho du khách cũng như các công ty lữ hành muốn tìm cơ hội hợp tác, khai thác du lịch ở địa phương. Thế nhưng, mới chỉ có một số đơn vị chú trọng.

“Đẻ dễ, nuôi khó”

Theo ông Nguyễn Văn Tài, hiện có khoảng 70-80% số giao dịch của Vietsense Travel được thực hiện nhờ các ứng dụng khoa học công nghệ, trong đó có trang web - cách tiếp cận nhanh với nhiều khách hàng. Các công ty lữ hành luôn mong muốn mở ra những tour, tuyến mới tại Hà Nội thay vì các tour truyền thống. Khi đó, họ sẽ phải tìm kiếm thông tin về du lịch tại các địa phương. Các trang web du lịch góp phần mở ra thị trường mới, bởi vậy, cần được “nuôi dưỡng” lâu dài, hiệu quả. Một trang web nghèo nàn về thông tin hay thiếu khả năng tương tác với người xem sẽ làm khó cho đơn vị lữ hành, khách du lịch. Ngược lại, một trang web chất lượng sẽ mở ra cơ hội tiếp thị du lịch địa phương tới hàng chục triệu người, đặc biệt là khi Việt Nam đã có khoảng 40 triệu người dùng internet. Trong khi đó, cách quảng bá du lịch truyền thống chỉ có thể đưa hình ảnh, sự ưu việt của du lịch địa phương đó tới một số ít người.

Khách du lịch tham quan Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Khuê Diệp


Ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng Văn hóa huyện Thạch Thất cho biết, sang năm 2019, huyện Thạch Thất sẽ lập một trang web chuyên về du lịch sau khi nhận được sự tư vấn từ các đoàn khảo sát phát triển du lịch. Tuy vậy, chính ông Nguyễn Trường Giang cũng tỏ ra lo lắng về khả năng duy trì trang web để bảo đảm “có vỏ, có cả ruột”. Việc điều hành trang web này, trong đó có khâu cập nhật thông tin, xây dựng nội dung để luôn mang đến cho công ty lữ hành, du khách thông tin mới, hữu ích là vấn đề đáng quan tâm. Nỗi băn khoăn đó đáng được chia sẻ, nhất là khi những người phụ trách du lịch tại nhiều quận, huyện, thị xã còn đang “bơi” trong việc và yêu cầu tìm nhân sự điều hành trang web là cả một vấn đề.

Tuy nhiên, đây là việc đáng làm, để du lịch ở các địa phương thực sự “cất cánh”, góp phần đưa hoạt động này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Còn nếu cứ chậm chân trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá thì du lịch tại các địa phương sẽ khó có bước phát triển đột phá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Càng chậm chân, càng khó tiếp cận du khách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.