Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ cấu lại ngành Du lịch: Để phát triển nhanh, mạnh, bền vững

Minh An| 16/12/2018 07:05

(HNM) - Ngành Du lịch đã có sự phát triển mạnh trong thời gian qua, từng bước khẳng định được vị thế ngành kinh tế mũi nhọn...

Du lịch Việt Nam cần nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc để hấp dẫn du khách. Ảnh: Nhật Nam


Tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững

Sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch trong những năm qua đã gây ấn tượng mạnh. Không phải ngẫu nhiên, lần đầu tiên một diễn đàn cấp cao về du lịch Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội, thu hút nhiều học giả, doanh nhân, nhà quản lý… có uy tín trong và ngoài nước tham dự. Tại đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đánh giá, tốc độ tăng trưởng của du lịch nhanh hơn nhiều tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Còn ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận định, du lịch góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. Nếu năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, thì năm 2017 đón trên 13 triệu khách quốc tế. Từ 1990 đến 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, khách nội địa tăng 72 lần.

Bà Tuyết Vũ, đại diện Tập đoàn Tư vấn toàn cầu Boston (BCG) khẳng định, rất nhiều quốc gia mong muốn đạt tốc độ tăng trưởng lượt khách quốc tế hằng năm là 30% trong 3 năm qua và xếp thứ 6 trong nhóm 10 điểm đến phát triển nhanh nhất trên toàn thế giới trong năm 2017 mà du lịch Việt Nam đã đạt được. Không những thế, Việt Nam đồng thời thu hút 15 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực du lịch (tại thời điểm cuối năm 2017), tạo việc làm và thu nhập trực tiếp cho trên 2 triệu người...

Dù vậy, theo ông Lê Quang Tùng, du lịch Việt Nam vẫn còn một số hạn chế, như: Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nguồn nhân lực còn yếu, năng lực quản lý điểm đến còn thấp, phát triển du lịch chưa gắn chặt với bảo vệ môi trường. Việc không có nhiều sản phẩm hấp dẫn khiến khách quốc tế chỉ chi trung bình 96 USD/ngày - đêm khi nghỉ tại Việt Nam. Trong khi đó, con số này tại Thái Lan là 163 USD. So sánh cả chuyến đi thì khách quốc tế tới Nhật Bản chi trung bình 1.500 USD, khi sang Việt Nam họ chỉ chi 900 USD.
Còn ông Trần Trọng Kiên, thành viên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân nhận định, du lịch Việt Nam vẫn vướng phải nhiều khó khăn, như năng suất lao động thấp, tăng trưởng chậm, năng lực cạnh tranh chưa cao... Đó là những thách thức lớn trong việc tái cơ cấu và phát triển ngành một cách bền vững.

Khơi thông điểm nghẽn

Du khách tham quan khu du lịch Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Ảnh: Sơn Hà


Theo Đề án “Cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”, ngành Du lịch được cơ cấu lại theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, phát triển cả chiều rộng và chiều sâu, chú trọng sản phẩm du lịch chất lượng, giá trị cao; đẩy mạnh kết nối các ngành, lĩnh vực, địa phương, doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cộng đồng hình thành chuỗi giá trị du lịch…

Đề án cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành Du lịch đạt tổng thu 45 tỷ USD, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 27 tỷ USD, đóng góp trên 10% tổng sản phẩm quốc nội; tạo ra 6 triệu việc làm, trong đó có 2 triệu việc làm trực tiếp; đón và phục vụ 30-32 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trên 130 triệu lượt khách du lịch nội địa... Nếu đạt được những mục tiêu trên, Việt Nam sẽ hoàn thành mục tiêu vào trong nhóm quốc gia có ngành Du lịch phát triển hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Trong đề án cũng đặt ra hàng loạt nhiệm vụ từ cơ cấu lại thị trường khách du lịch đến cơ cấu lại hạ tầng cơ sở để khơi thông các điểm nghẽn cho phát triển du lịch. Đây cũng là những vấn đề được đề cập rất nhiều tại các cuộc hội thảo góp ý vào đề án cũng như tại Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam.

Ông Lương Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc VietStar Airlines đề xuất giải pháp khơi thông điểm nghẽn về phát triển hạ tầng giao thông bằng cách xã hội hóa hạ tầng sân bay tại Việt Nam theo hướng để tư nhân tham gia vào việc xây dựng và khai thác ngành hàng không, xây mới sân bay nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển ở lĩnh vực này. Việc chỉ có 2 sân bay xây mới trong 43 năm qua khiến du lịch cũng gặp khó. Còn Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam Gareth Ward gợi ý, Việt Nam có thể đưa ra các chính sách visa cởi mở, đơn giản hơn mà không ảnh hưởng tới an ninh quốc gia...

Nhiều ý kiến cũng khẳng định việc cần làm ngay trong quá trình cơ cấu lại du lịch Việt Nam là xác định đúng thế mạnh, lợi thế cạnh tranh của địa phương để thiết kế sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp, hướng đến từng nhóm đối tượng khách khác nhau. Trong đó tập trung hướng đến những đối tượng khách ở các thị trường có khả năng chi tiêu cao.

Ông Nguyễn Trung Công, Giám đốc điều hành của trang mạng du lịch trực tuyến iViVu, nhấn mạnh: "Du lịch trực tuyến là xu hướng tất yếu, bất kỳ công ty du lịch nào cũng phải dựa vào nền tảng công nghệ để phát triển. Vấn đề ở đây là chúng ta phải tạo ra được những sản phẩm khác biệt, du khách chỉ có thể trải nghiệm tại Việt Nam"...

Tuy nhiên, để Đề án Cơ cấu lại ngành Du lịch được triển khai hiệu quả nhất, vấn đề cần quan tâm hơn cả chính là sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, giữa các cơ quan trung ương với địa phương, đặc biệt là giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Như Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ nêu, tái cơ cấu ngành Du lịch phải triển khai đồng bộ tại tất cả các ngành liên quan, như giao thông, thương mại, dịch vụ, hải quan… Quan điểm này đã được nhiều đại biểu ở Diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam - 2018 đồng thuận, chia sẻ.

Và có lẽ, chỉ khi đạt được sự đồng thuận cao của tất cả các ngành liên quan thì quá trình cơ cấu lại ngành Du lịch Việt Nam mới cho ra những kết quả tích cực; để “du lịch không chỉ phát triển cùng nền kinh tế Việt Nam mà sẽ phải thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh hơn, kéo xếp hạng về môi trường kinh doanh và cạnh tranh du lịch của Việt Nam trên thế giới tăng lên” như kỳ vọng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gửi gắm tại diễn đàn trên.

Phát huy thế mạnh du lịch Thủ đô

Theo ông Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, thời gian tới, Sở sẽ tham mưu với UBND thành phố các giải pháp thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch, theo hướng bảo đảm tăng trưởng bền vững, đồng thời phát huy các thế mạnh của du lịch Thủ đô. Một trong những vấn đề của du lịch Hà Nội được ông Nguyễn Anh Dũng đề cập là tăng thời gian lưu trú của khách nước ngoài tại Hà Nội. Hiện tại, thời gian khách du lịch nước ngoài lưu trú tại Hà Nội trung bình dưới 4 ngày, còn khiêm tốn so với tiềm năng của du lịch Thủ đô.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ cấu lại ngành Du lịch: Để phát triển nhanh, mạnh, bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.