Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào tạo nhân lực ngành Du lịch: Khẳng định vai trò các bên

Minh An| 11/01/2019 07:52

(HNM) - Một trong những mảng việc lớn của ngành Du lịch Hà Nội trong năm 2019 là đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ phát triển du lịch.

Đào tạo nhân lực du lịch cần sự tham gia tích cực của doanh nghiệp, tổ chức hoạt động du lịch.Ảnh: Sơn Hà


Nhiều kỹ năng cần bồi đắp

Nguồn nhân lực trong ngành Du lịch Hà Nội đang thiếu so với nhu cầu. Theo Sở Du lịch Hà Nội, hiện mới có trên 90.000 nhân lực đang hoạt động trong ngành Du lịch Thủ đô. Đáng chú ý, chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, cần được bồi đắp để chuyên nghiệp và đúng quy chuẩn hơn.

Trong năm vừa qua, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus, thuộc Tập đoàn Giáo dục Kinderworld (Singapore) tổ chức ba khóa đào tạo miễn phí nghiệp vụ phục vụ nhà hàng theo Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) cho 50 học viên đang làm việc tại các khách sạn từ 2 đến 4 sao trên địa bàn Hà Nội. Cô Nguyễn Thị Hồng Thư, giảng viên Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus cho biết, tại các khóa học trên, hầu hết học viên chưa nắm bắt các quy chuẩn theo Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam. Ví như quy trình đón khách, đưa khách vào bàn ăn, kết thúc bữa ăn và tiễn khách đều có những quy tắc nhất định nhưng hầu hết học viên không nắm rõ. Học viên Hoàng Ngọc Khánh chia sẻ: “Trước khi tham dự khóa học, tôi chỉ có kinh nghiệm thực tế làm việc ở các nhà hàng nhỏ và đào tạo nội bộ trong khách sạn nơi tôi đang làm việc. Việc được tham gia những khóa học như thế này rất hữu ích với chúng tôi”.

Ông Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty Lữ hành Vietbeauty Tours, phụ trách Trung tâm đào tạo Hà Nội chuyên về tiếng Anh, cho biết nhiều sinh viên, kể cả sinh viên các khoa du lịch khi đến Trung tâm đều có hạn chế về nghề và vốn ngoại ngữ. Vì vậy, một trong những cách để học viên sớm nâng cao khả năng giao tiếp chính là cho “thực chiến” với khách nước ngoài của Công ty Vietbeauty Tours... Qua đây có thể thấy, việc đào tạo liên tục để nâng chất lượng nhân lực ngành Du lịch càng trở nên cấp thiết.

Tăng cường liên kết đào tạo

Ông Trần Đức Thắng, Phó Trưởng khoa Khách sạn, Du lịch và Nghệ thuật Ẩm thực, Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus đánh giá, khi tiếp cận với Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam, ban đầu nhiều học viên bỡ ngỡ nhưng sau đó rất hứng thú tiếp thu bởi điều này rất tốt cho công việc của họ đang theo đuổi.

Học viên Hoàng Ngọc Khánh khẳng định: “Tôi thực sự thú vị khi được trải nghiệm các quy trình của Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam. Tôi thấy tự tin hơn và thấy có thể trở thành nhân viên nhà hàng xuất sắc, đồng thời sẵn sàng trở thành người quản lý tốt trong tương lai”. Còn học viên Phạm Thanh Hằng cho rằng: “Sau khóa học này, tôi cảm nhận rõ sự tiến bộ, tự tin và chuyên nghiệp hơn khi phục vụ khách du lịch. Kiến thức trong khóa học giúp tôi tự tin giải quyết các phát sinh chứ không nhất thiết phụ thuộc cấp trên hay các đồng nghiệp khác”.

Dù các học viên đã phản hồi tích cực nhưng ông Trần Đức Thắng cũng lưu ý, chính người quản lý tại các doanh nghiệp du lịch phải chú trọng vào những tiêu chuẩn nghề nghiệp, đặc biệt là kiến thức mà học viên của khóa học mong muốn áp dụng và truyền đạt lại cho đồng nghiệp. Nếu không, học viên sẽ lâm vào cảnh “học cái mới nhưng áp dụng theo nếp cũ”.

Từ thực tế trên cho thấy, việc hợp tác, liên kết giữa các cơ sở đào tạo chuyên sâu với các đơn vị du lịch cần được tăng cường hơn nữa. Ngoài ra là sự phối hợp giữa cơ sở đào tạo ở các trường đại học, với doanh nghiệp nhằm giúp sinh viên có vốn kiến thức thực tế, qua đó sớm bắt nhịp vào công việc sau khi tốt nghiệp. Ông Phùng Quang Thắng, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist cho hay, từ năm 2019, Công ty sẽ triển khai một số mô hình, dự án nhỏ để hỗ trợ đào tạo sinh viên chuyên nghành Du lịch cũng như bồi đắp kiến thức cho giảng viên ở các trường có ngành Du lịch như Trường Đại học Hà Nội, Trường Đại học Văn hóa,...

Ông Phùng Quang Thắng nhấn mạnh: "Nếu cứ để sinh viên đến công ty và ngồi xem người của doanh nghiệp làm việc thì sẽ không đạt hiệu quả đào tạo cần thiết. Vấn đề là phải đưa sinh viên vào việc để họ hiểu rõ và thực hiện. Ngoài ra, để công tác đào tạo nhân lực cho ngành Du lịch chuyển biến tích cực thì nhà trường cần làm tốt vai trò cầu nối giữa sinh viên với doanh nghiệp; đồng thời doanh nghiệp phải có người biết về đào tạo để hướng dẫn sinh viên, từ đó có kế hoạch cụ thể, sát nhu cầu".

Một trong những giải pháp đặt ra với ngành Du lịch Hà Nội để phát triển, nâng cao chất lượng nhân lực là huy động các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động du lịch, các hiệp hội liên quan trên địa bàn tích cực thực hiện áp dụng chuẩn hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật dịch vụ du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Đồng thời, các đơn vị trên phải khẳng định được vai trò của mình, chủ động phối hợp Sở Du lịch tham gia các kế hoạch hoạt động, đào tạo phát triển nguồn nhân lực hỗ trợ phát triển du lịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đào tạo nhân lực ngành Du lịch: Khẳng định vai trò các bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.