Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến Hà Nội

Thanh Thủy| 03/03/2019 07:16

(HNM) - Cùng với các lễ hội truyền thống thể hiện chiều sâu văn hóa, lịch sử, vẻ đẹp mảnh đất, con người Hà Nội, những năm gần đây, thành phố còn đầu tư cho nhiều không gian văn hóa mới nhằm phát huy bản sắc, tăng sức hấp dẫn cho điểm đến Thủ đô.

Sức hút từ những lễ hội đương đại

Sau nhiều mùa lễ hội thành công, năm nay lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội sẽ tiếp tục trở lại với công chúng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước vào những ngày cuối tháng ba với rất nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật đáng mong đợi. Đó là: Không gian trưng bày hơn 20 nghìn cành, cây hoa anh đào và nhiều loài hoa xuân đặc trưng của Hà Nội; không gian giới thiệu văn hóa Nhật Bản; không gian trải nghiệm nghệ thuật dân gian, ẩm thực truyền thống của Nhật Bản và Hà Nội... Lễ hội cũng có nhiều hoạt động giao lưu hấp dẫn khác, như: Tặng và trồng hoa anh đào trên địa bàn Hà Nội; tọa đàm, trao đổi hợp tác xúc tiến đầu tư du lịch giữa Nhật Bản và Hà Nội...

Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội 2018 tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ. Ảnh: Khuê Diệp


Đặc biệt, năm nay là lần đầu tiên lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản - Hà Nội diễn ra sự kiện tuyển chọn Đại sứ thiện chí Hoa anh đào. Bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý Di sản, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội chia sẻ: "Sự kiện do Ban Tổ chức lễ hội phối hợp với Báo Tiền phong thực hiện nhằm khuyến khích sự quan tâm, yêu mến của các bạn trẻ về vẻ đẹp văn hóa, đất nước và con người Nhật Bản, góp phần củng cố và thắt chặt mối quan hệ hợp tác giữa hai nước trong tương lai. Đại sứ thiện chí Hoa anh đào cần có phong thái, hình thức cũng như sự hiểu biết, quan tâm về Nhật Bản và mối quan hệ giữa hai nước. Trong khuôn khổ sự kiện, ngoài việc trải qua các vòng thi kiến thức, kỹ năng giao tiếp ứng xử…, các thí sinh còn có cơ hội tham gia nhiều hoạt động bổ ích như tìm hiểu về văn hóa Nhật Bản hay các hoạt động xã hội thiện nguyện khác".

Cùng trong những ngày tháng ba, một sự kiện văn hóa hấp dẫn khác, chương trình “Hoa hồng Bulgaria” đang diễn ra tại Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2, Lê Thái Tổ, Hoàn Kiếm) với nhiều hoạt động giao lưu thương mại, trải nghiệm văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn. Theo ông Nguyễn Đức Liên, đại diện Ban Tổ chức chương trình, đây là hoạt động thường niên hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Bulgaria cũng như sự kiện thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam - Bulgaria. Từ sự kiện này, đã có hàng trăm loại hồng khác nhau của đất nước bạn được giới thiệu tới công chúng Thủ đô và du khách; thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, tìm hiểu văn hóa, đất nước, con người xứ sở Hoa hồng...

Khơi dậy tiềm năng du lịch văn hóa

Lễ hội hoa nói riêng, lễ hội đương đại nói chung đang là điểm nổi bật trong các hoạt động văn hóa của Hà Nội trong những năm gần đây nhằm nâng cao đời sống tinh thần cũng như khơi dậy tiềm năng du lịch từ những giá trị văn hóa. Trong đó, năm 2018 là khoảng thời gian đánh dấu sự nở rộ, thành công của nhiều sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật tổ chức trên địa bàn Hà Nội. Có thể kể đến lễ hội đường phố “Tinh hoa Hà Nội - Hội tụ và tỏa sáng" với màn trình diễn thăng hoa của hơn 5 nghìn nghệ nhân, diễn viên chuyên nghiệp và quần chúng, tôn vinh những giá trị văn hóa phi vật thể từ mảnh đất Thăng Long tứ trấn tới xứ Đoài, Sơn Nam Thượng; lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội giới thiệu, quảng bá, tôn vinh tinh hoa ẩm thực Hà Nội tới đông đảo công chúng và du khách... Đáng chú ý, hầu hết các sự kiện nêu trên đều được thực hiện dưới hình thức xã hội hóa, cho thấy sự quan tâm của cộng đồng, nhu cầu cống hiến vì sự phát triển văn hóa xã hội của Thủ đô, từng bước nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Hà Nội.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội cho biết: Lễ hội Văn hóa ẩm thực Hà Nội chỉ mới tổ chức lần đầu tiên vào năm 2018 đã thu hút hơn 80 nghìn lượt khách tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, Lễ hội Bơi chải thuyền rồng Hồ Tây lần thứ 2 vừa diễn ra (16 và 17-2) với quy mô và số lượng người tham dự lớn hơn rất nhiều so với lần đầu tiên. Ngay trong thời gian diễn ra sự kiện, rất nhiều du khách bày tỏ hy vọng, thành phố sẽ có thêm nhiều sự kiện văn hóa bổ ích như thế để người dân có nhiều lựa chọn vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần. Không ít du khách nước ngoài còn mong muốn được tham gia các đội đua để trải nghiệm văn hóa truyền thống. Đây là cơ sở để Ban Tổ chức có thêm động lực tiếp tục đổi mới, hoàn thiện, đáp ứng kỳ vọng từ phía người dân.

Trong năm 2019, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội đương đại đã thành thương hiệu. Cùng với đó, tiếp tục khai thác, phát huy tiềm năng di sản, dự kiến giới thiệu tới công chúng và đông đảo du khách những sự kiện, hoạt động giao lưu văn hóa, như: Lễ hội dân gian đương đại; chương trình trình diễn di sản văn hóa phi vật thể… Tại không gian ven hồ Hoàn Kiếm sẽ lần lượt giới thiệu những nét văn hóa đặc sắc của các vùng miền đất nước cũng như lễ hội văn hóa các nước khác.

Để lễ hội thành công, bên cạnh những hoạt động giao lưu, trải nghiệm văn hóa nghệ thuật hấp dẫn, công tác bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phân luồng giao thông… cũng sẽ được tính toán chủ động, khoa học hơn. Việc tiếp tục huy động xã hội hóa, đầu tư cho các hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố cũng sẽ được thực hiện nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy hiệu quả thế mạnh của Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức hấp dẫn cho điểm đến Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.