Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quá tải tại các điểm du lịch: Không thể mãi “ăn xổi”!

Hoàng Lân| 08/05/2019 12:58

(HNMO) - Ngành du lịch đón nhận tin vui về một mùa du lịch bội thu, nhưng cũng tự đặt ra không ít câu hỏi về việc làm thế nào để lượng khách rải đều trong cả năm chứ không chỉ dồn vào kỳ nghỉ lễ.

Ngành du lịch đón nhận tin vui về một mùa du lịch bội thu nhưng cũng tự đặt ra không ít câu hỏi về việc làm thế nào để lượng khách rải đều trong cả năm chứ không chỉ dồn vào kỳ nghỉ lễ.

Tình trạng quá tải tại các điểm du lịch thường xuyên xảy ra trong các kỳ nghỉ lễ.

Năm nào cũng “thất thủ”

Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, tình trạng quá tải tại các điểm du lịch trở thành vấn đề “nóng”, đã đặt ra nhiều câu hỏi cho ngành du lịch, đặc biệt khi mùa du lịch cao điểm đang đến gần.

Theo phản ánh của báo chí, trong những ngày nghỉ lễ, nhiều tuyến đường ách tắc kéo dài, các địa điểm đông nghẹt du khách, nhiều nơi “cháy” phòng gây nên tình trạng quá tải. Đây cũng là hiện tượng lặp đi lặp lại trong nhiều năm trở lại đây.

Theo Sở Du lịch Quảng Ninh, trong dịp nghỉ lễ vừa qua, tỉnh này đón khoảng 600 nghìn lượt du khách, trong đó, khách lưu trú quốc tế là 9.472 lượt, gồm 70 quốc tịch; khách tham quan vịnh Hạ Long đạt 14.768 lượt, đó là chưa kể đến những du khách do phải chờ đợi quá lâu nên bỏ về.

Tại biển Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An), hàng vạn du khách thập phương đổ về khiến các bãi biển “quánh đặc” người, gần như du khách chỉ có thể “vầy” nước thay vì tắm biển. Theo Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Cửa Lò, lượng khách trong kỳ nghỉ lễ vừa qua tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số địa danh nổi tiếng ở miền Trung như Đà Nẵng, Huế, với việc tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, du lịch như lễ hội khinh khí cầu, Festival nghề truyền thống Việt…, nên khách du lịch cũng dồn về đông. Các bãi tắm dọc tuyến biển Đà Nẵng: Phạm Văn Đồng, Mỹ Khê, Sao Biển… trở nên đông đúc đến nghẹt thở. Cây cầu Vàng nổi tiếng của Đà Nẵng gần như không còn chỗ để di chuyển khi biển người đứng đông kín trên cầu.

Không chỉ có các tỉnh, thành phố ven biển trong tình trạng quá tải, những địa danh miền núi và Tây Nguyên như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng liên tục rơi vào tình cảnh người người chen chúc. Các cơ sở lưu trú tại Sa Pa và Đà Lạt thường xuyên "cháy" phòng.

Theo báo cáo của các địa phương, công tác tổ chức, phục vụ du lịch trong kỳ nghỉ lễ vừa qua, nhiều nơi rất cố gắng, nhưng cũng có nơi để xảy ra tình trạng mất kiểm soát do lượng khách đông.

Du khách trèo ra ngoài lan can khi chụp ảnh ở cầu Vàng, Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua.

Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) có tình trạng "chặt chém" khách du lịch, khi tính 2 triệu đồng/kg đỗ ngự và 2 túi mã tiền giá 1,5 triệu đồng. Tại Đà Nẵng, khách du lịch bất chấp nguy hiểm trèo ra khỏi lan can của cầu Vàng để chụp ảnh mà không nhận được sự cảnh báo nào từ lực lượng bảo vệ. Tại Mộc Châu, hàng nghìn du khách giẫm đạp phá hỏng các bóng đèn trong công viên ánh sáng mới khai trương… Những hiện tượng xấu xí ấy phần nào khiến cho nhiều điểm đến trở nên kém hấp dẫn, an toàn và cho thấy khâu tổ chức còn nhiều lỗ hổng.


Cần chiến lược “kích cầu” đồng bộ


Theo ông Ngô Hoài Chung, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, việc quá tải tại các điểm đến trong các kỳ nghỉ lễ là do sự mất kiểm soát, thiếu lựa chọn của cả cung và cầu. Khách du lịch hay bị “tâm lý đám đông”, thường đổ xô đến các điểm du lịch, khu vực mà sức chứa bị vượt quá nên dễ dẫn tới quá tải. Khi quá tải sẽ kéo theo một loạt hạn chế, như quyền lợi của khách du lịch không được bảo đảm, chất lượng dịch vụ xuống cấp, tình trạng lừa đảo, “chặt chém” xuất hiện.

Lãnh đạo Tổng cục Du lịch cũng nhận định, việc thiếu đồng bộ trong giới thiệu điểm đến tại nhiều địa phương cũng là nguyên nhân khiến cho thị trường du lịch bị lệch. Khách du lịch không được cung cấp đủ thông tin điểm đến nên không có được sự lựa chọn tốt nhất. Trong khi nhiều bãi biển như Bãi Cháy, Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng, Nha Trang quá tải thì một số điểm đến tại Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Mũi Né lại khá bình yên. Hay như du lịch làng nghề tại Hà Nội, hiện du khách chỉ biết một số làng nghề nổi tiếng là Bát Tràng, Vạn Phúc, trong khi còn có hàng trăm làng khác cũng có thương hiệu.

Để giải quyết tình trạng này trong mùa cao điểm tới, theo lãnh đạo Tổng cục Du lịch, người dân và du khách nên có sự tìm hiểu kỹ thông tin điểm đến, phải có sự chuẩn bị trước cho kỳ nghỉ, như lập kế hoạch chỗ nghỉ, nơi ăn uống. Du khách nên tránh tình trạng đi du lịch kiểu ngẫu hứng, vì như vậy dễ khiến kỳ nghỉ gặp nhiều rủi ro không mong muốn.

Có thể thấy, dịp nghỉ lễ vừa qua, nhiều địa phương đạt được chỉ tiêu về số lượng khách, điều này phần nào cho thấy chiến lược “kích cầu” của nhiều nơi thành công. Dù vậy, bên cạnh niềm vui về doanh thu, ngành du lịch cần tính đến những chiến lược phát triển lâu dài và bền vững hơn, đặc biệt là khi mùa du lịch cao điểm đang đến gần.

Các địa phương cần có thêm sản phẩm du lịch hấp dẫn vào nhiều thời điểm trong năm để thu hút du khách, tránh tình trạng “ăn xổi” chỉ đông khách trong dịp nghỉ lễ. Thông tin về các điểm đến mới cần được đẩy mạnh để du khách có thêm nhiều lựa chọn mới. Và hơn hết, chất lượng dịch vụ cần được quản lý chặt chẽ để khách du lịch không phải chịu thiệt thòi, bị ép giá khi đi du lịch vào mùa cao điểm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quá tải tại các điểm du lịch: Không thể mãi “ăn xổi”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.