Theo dõi Báo Hànộimới trên

Có một mùa thu rất khác ở Ladakh

Bài và ảnh: Trần Ngọc Nga| 26/09/2019 14:35

(HNMCT) - Đã từng trải qua mùa thu ở nhiều nước châu Âu, Nepal, Trung Quốc..., nhưng có lẽ mùa thu ở Ladakh thuộc vùng Bắc Ấn Độ là mùa thu đẹp và ấn tượng nhất đối với tôi cho tới nay. Những hồ thiêng nước xanh như ngọc, những ngọn núi ngàn năm tuyết phủ, những con đường xóc nảy đầy đá cuội bụi mù để đến được những nơi xa xôi hẻo lánh - chỉ 200km nhưng phải chạy xe tới 10 tiếng...

Cảnh vật thiên nhiên hoang dã, hùng vĩ, cuộc sống của người dân tuy thiếu thốn nhưng rất gần với thiên nhiên, thậm chí cả việc gần như ăn chay trong cả chuyến đi dài đã khiến mùa thu của tôi ở Bắc Ấn trở thành một kỷ niệm khó quên và đầy cảm xúc.

Tu viện Stakna nổi tiếng ở Leh.

Một Ladakh đẹp như tranh

Tôi từng tới Ấn Độ 2 lần trước đó, ấn tượng đầu tiên về nơi này là vẻ ồn ào, đông đúc của người và xe cộ, thời tiết nóng bức lắm lúc tới mức hoa mắt chóng mặt. Vì thế, khi tới Ladakh tôi như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác với những ngọn núi phủ đầy tuyết trắng ẩn hiện dưới mây, đường phố vắng và rộng rãi, khí hậu se lạnh, trong lành, những hàng cây lá xanh vàng rực rỡ trong nắng.

Ladakh nằm ở bang Jammu và Kashmir - được coi là vương miện của Ấn Độ vì giáp Pakistan và Tây Tạng. Mùa thu ở Ladakh giống như một bức tranh thủy mặc với hồ thiêng Pangong Tso và Tso Moriri nước xanh như mực tàu soi bóng những rặng núi tuyết và bầu trời trong xanh không một gợn mây. Từ Leh - thủ phủ bang Jammu và Kashmir, tới được hai hồ này khá vất vả do đường đi có không ít đoạn xóc nảy, bụi mù và nhiều đá hộc nhưng cảnh vật trên đường là phần thưởng xứng đáng để bạn vượt qua bao mệt mỏi. Hồ Pangong (nghĩa là hồ của thảo nguyên cao) là hồ nước mặn rộng nhất bang Jammu và Kashmir, nằm ở độ cao 4.250m, trải dài trên khoảng 155km, trong đó chỉ có 40% diện tích hồ thuộc Ấn Độ, còn lại là thuộc Tây Tạng.

Từ xa, khi nhìn thấy màu xanh của Pangong Tso, tôi đã không khỏi kinh ngạc và khi tới được sát mép hồ, chạm tay vào làn nước xanh kỳ ảo, tôi mới tin những cảnh đẹp này không phải là mơ. Tôi chọn cho mình một góc, im lặng tận hưởng khoảnh khắc này, nhìn ngắm mọi người lao xao chụp ảnh cho tới khi hoàng hôn buông xuống. Tôi ngủ lại trong một chiếc lều của người dân ngay cạnh mép hồ, rất ấm cúng và đầy đủ tiện nghi cơ bản. Buổi sáng sớm thức dậy trong cái lạnh tê tái, đi bộ dạo xung quanh ngôi làng, thấy từng vạt nắng xuyên qua những vòm lá cây lóng lánh. Màu vàng của cây lá, màu xanh của hồ, màu nâu của núi, màu trắng của tuyết khiến Pangong Tso rực rỡ như một nàng công chúa đang say ngủ.

Khác với Pangong Tso có đông khách du lịch, nằm lặng lẽ và bình yên dưới những rặng núi là hồ Moriri (Tso Moriri). Hồ này dài khoảng 120km, nằm ở độ cao trên 4.500m, là hồ nước lợ lớn nhất Ấn Độ ở độ cao như vậy. Du khách chỉ có thể tới được hồ từ tháng 4 tới tháng 10 do 6 tháng còn lại trong năm đường vào hồ sẽ bị đóng băng không thể đi được. Không có nước nóng, không có wifi thậm chí còn không có sóng điện thoại thường xuyên khiến bạn như rời xa thế giới ồn ào và xô bồ để tới một nơi chỉ có thiên nhiên, con người giản dị và nồng nhiệt, nơi cuộc sống tự cung tự cấp là chủ yếu.

Vùng đất của Phật giáo

Thuê xe máy chạy quanh hồ Tso Moriri là một trải nghiệm không thể bỏ lỡ.

Có lẽ do thiên nhiên khắc nghiệt, khó sinh tồn nên tôn giáo đóng một vị trí vô cùng quan trọng với người dân Ladakh. Ladakh có khoảng 35 tu viện lớn nhỏ. Các tu viện lớn sẽ có thư viện lưu giữ kinh Phật, được trang hoàng bởi những bức tranh Phật giáo, tượng Phật với nhiều sắc thái biểu cảm phong phú, đa dạng. Đặc biệt nhất là tu viện Thiksey, nơi có tượng phật Di Lặc cao lớn nhất Ladakh với chiều cao lên tới 15m được đặt ở khám thờ mới được xây vào năm 1980 khi Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso đến thăm nơi này.

Tượng phật Di Lặc có tạo hình ấn chuyển pháp luân tuyệt đẹp, họa tiết tinh tế toát lên vẻ hiền từ thanh khiết. Do vị trí của hầu hết các tu viện ở đây đều nằm trên núi cao nên khung cảnh xung quanh rất hùng vĩ. Du khách có thể phóng tầm mắt ra xa nhìn những dòng sông màu xanh ngọc uốn lượn quanh hàng cây, những ngôi nhà đậm chất Tây Tạng nép mình dưới những tán lá vàng rực rỡ.

Tôi dành cả ngày để đi bộ xung quanh ngôi làng Korzok nằm sát bên bờ hồ Moriri, quan sát người dân vắt sữa dê trong chuồng để làm bơ, thực phẩm, nghe tiếng dê kêu be be, tiếng chó chăn cừu, tiếng người xua đàn dê đi đúng hướng, tiếng í ới gọi nhau trên cánh đồng, và nắng thì chan hòa khắp nơi. Tôi đã thả mình nằm lăn trên đồng cỏ ngay sát mép hồ, giữa một bầy dê, cừu để tận hưởng giây phút nhỏ bé giữa thiên nhiên. ở gần hồ có khá nhiều stupa, là những viên đá được xếp chồng lên nhau tạo thành khối hình chóp như một nghi thức để cầu nguyện sự an lành và cũng như một lời chúc may mắn cho tất cả những ai đi ngang qua nơi này.

Ở Ladakh có một câu nói rất thân thương là "Julley", nghĩa là xin chào cũng là tạm biệt. Julley cũng được dùng khi chúc phúc cho người khác hay khi cầu nguyện. Từ ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất thân thương này cho tới khi lên máy bay trở về, tôi đã nhận được rất nhiều lời chào, lời chúc "Julley" với nụ cười hiền hậu, tươi vui như mùa thu tỏa nắng. Con người, thiên nhiên nơi đây khiến tôi thêm yêu mảnh đất này và hy vọng sẽ còn có ngày gặp lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một mùa thu rất khác ở Ladakh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.