Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cái kết buồn của "ông tổ" ngành Du lịch hiện đại

Phương Quỳnh| 29/09/2019 07:36

(HNM) - Ngành du lịch thế giới vừa trải qua một cơn sốc lớn khi Thomas Cook - Tập đoàn du lịch của Anh có tuổi đời lâu năm nhất thế giới - tuyên bố phá sản do lún sâu vào những khoản thua lỗ, nợ nần nhiều tỷ USD.

Tập đoàn Thomas Cook điều hành nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng và hãng hàng không. Ảnh: REUTERS

Mọi hoạt động của Thomas Cook đã ngừng lại ngay lập tức, buộc các công ty du lịch thuộc tập đoàn này phải đóng cửa, các máy bay không được cất cánh và khiến 22.000 nhân viên của tập đoàn trên toàn cầu phải nghỉ việc. Quyết định trên cũng ảnh hưởng tới 600.000 khách hàng và cơ quan Hàng không dân dụng Anh (CAA) đã phải phối hợp với Chính phủ Anh đưa hơn 150.000 khách hàng của Thomas Cook bị mắc kẹt tại các điểm du lịch trên thế giới về nhà. Đây được cho là cuộc "hồi hương" lớn nhất nước Anh trong thời bình.

Thomas Cook Travel Inc do doanh nhân người Anh Thomas Cook thành lập năm 1841. Không chỉ sáng lập ra công ty lữ hành đầu tiên trên thế giới, ông còn có những phát minh làm thay đổi hoàn toàn cách thức con người đi du lịch. Từ hình thức du lịch tự phát, đơn lẻ, Thomas Cook đã xây dựng các kỳ nghỉ trọn gói, giá vé theo đoàn cho những chuyến đi dài ngày. Nhờ sự tiên phong của Thomas Cook, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều quốc gia, lãnh thổ. Doanh thu hằng năm của công ty do Thomas Cook sáng lập ước tính khoảng 9 tỷ bảng Anh với 19 triệu lượt khách hàng tại 16 quốc gia trên thế giới.

Tuy nhiên, những năm gần đây, Thomas Cook liên tục gặp khó khăn bởi khoản nợ 2,1 tỷ USD. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường du lịch thay đổi và sự cạnh tranh gay gắt từ các đại lý du lịch trực tuyến và các hãng hàng không giá rẻ là một bài toán mà Thomas Cook không tìm ra lời giải. Với tập đoàn 178 tuổi này, khách hàng phải trả tiền trước nhiều tháng để bảo đảm phòng khách sạn cho mùa hè. Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh trực tuyến nhanh nhẹn như On The Beach và Jet2 làm tốt hơn trong việc điều chỉnh theo sự thay đổi nhu cầu của người tiêu dùng.

Ngoài ra, đối nghịch với các bước tiến của thời đại internet, công ty vẫn sở hữu hơn 500 chi nhánh trên những tuyến phố đắt đỏ. Cách thức kinh doanh này từng mang lại hiệu quả kinh tế do dễ dàng tiếp cận với khách hàng, song nay đã trở thành một gánh nặng tài chính vô cùng lớn. Để thoát khỏi nguy cơ phá sản, Thomas Cook đã tìm kiếm khoản đầu tư trị giá 200 triệu bảng (250 triệu USD) từ các nhà đầu tư tư nhân. Thế nhưng, bất chấp các nỗ lực cùng nhiều cuộc thương thảo, các cổ đông của công ty vẫn không thể bắt tay với những nhà đầu tư mới.

Việc Thomas Cook tuyên bố phá sản đã để lại cái kết buồn cho di sản của người được gọi là "ông tổ" ngành Du lịch hiện đại. Đây cũng là một bài học cho giới doanh nghiệp về sự nhạy bén, thích nghi kịp thời với những thay đổi hành vi, thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng kinh doanh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cái kết buồn của "ông tổ" ngành Du lịch hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.