Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kết nối du lịch với sự kiện thể thao: Cần sự chủ động của các bên

Minh An| 04/10/2019 07:27

(HNM) - Hà Nội ngày càng có nhiều sự kiện thể thao lớn, thu hút đông đảo khách quốc tế và nội địa. Vì thế, sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà tổ chức sự kiện thể thao với các doanh nghiệp du lịch càng trở nên cần thiết và cần có sự chủ động của các bên liên quan. Điều đó không chỉ tăng tính lan tỏa, khai thác tối đa sự kiện, mà còn góp phần quảng bá mạnh mẽ hình ảnh Hà Nội cũng như điểm đến khác.

Giải marathon quốc tế di sản Hà Nội góp phần thu hút nhiều du khách tới Hà Nội.

Còn "đất" khai thác

Hiện tại, Hà Nội đang sở hữu một số giải thể thao thường niên, có thể kết nối với các hoạt động du lịch như: Giải cầu lông quốc tế Hà Nội; Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng - Vì hòa bình và các giải marathon nổi tiếng tại Việt Nam như: Long Biên Marathon, Ecopark Marathon, đặc biệt là Giải marathon quốc tế di sản Hà Nội, từng thu hút hơn 2.600 vận động viên đến từ gần 50 quốc gia, vùng lãnh thổ ở mùa giải năm 2018. Ngoài ra, tại Hà Nội còn diễn ra một số sự kiện thể thao quốc tế tầm cỡ châu Á và Đông Nam Á, hay một số giải golf có thể tạo sân chơi cho khách du lịch…

Thế nhưng, vẫn còn nhiều “đất” khai thác du lịch qua các sự kiện thể thao. Ngay ở sự kiện thể thao quốc tế tại Hà Nội thời gian vừa qua là Giải cầu lông quốc tế Hà Nội và Giải bóng chuyền nữ U23 châu Á - năm 2019, gần như không thấy sự xuất hiện của yếu tố du lịch, quảng bá. Anh Phạm Duy Cường, Trưởng nhóm “Chạy vì mình”, thường tham gia các giải chạy ở nước ngoài cho biết, các nhà tổ chức sự kiện thể thao lớn trên thế giới không khi nào bỏ lỡ cơ hội khai thác thêm yếu tố du lịch. Gần đây nhất, anh Phạm Duy Cường tham gia giải đấu ở Bhutan. Khi đó, anh mua cả gói dịch vụ liên quan đến giải đấu, trong đó có phí tham dự, đưa đón sân bay, khách sạn, tour cho người thân khám phá Bhutan…

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên đã được chỉ ra, đó là thiếu sự liên kết chặt chẽ của nhà tổ chức sự kiện thể thao với các doanh nghiệp du lịch, phía tổ chức sự kiện mới chỉ quan tâm đến chuyên môn. Theo ông Lương Văn Tuân, Giám đốc Công ty Lữ hành Viet Beauty Tours, các doanh nghiệp lữ hành thường có ít thông tin về các sự kiện thể thao quốc tế trên địa bàn, nên không thể chủ động xây dựng tour hoặc kết nối với nhà tổ chức sự kiện. Đến khi biết thì sự kiện sắp diễn ra, doanh nghiệp khó xử lý kịp.

Dù vậy, vấn đề này đang được nhìn nhận và giải quyết thấu đáo hơn, đặc biệt sau khi Thủ đô được lựa chọn đăng cai các sự kiện thể thao quốc tế quan trọng trong thời gian tới như: Giải đua xe Công thức 1 vào năm 2020, SEA Games 31 - năm 2021...

Cũng từ đây, sự bắt tay giữa doanh nghiệp du lịch và nhà tổ chức sự kiện thể thao tại Hà Nội đã rõ rệt hơn, rõ nhất là sau cuộc gặp giữa đơn vị tổ chức Giải đua xe Công thức 1 tại Hà Nội năm 2020 là Công ty Viet Nam Grand Prix với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn thành phố Hà Nội mới đây. Đây có lẽ là sự kiện thể thao đầu tiên tại Hà Nội có một cuộc gặp giữa nhà tổ chức với doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn. Ông Trần Hoàng Việt, Giám đốc Kinh doanh, Công ty Viet Nam Grand Prix cho biết, Giải đua xe Công thức 1 năm 2020 tại Hà Nội nhận được sự quan tâm của các doanh nghiệp lữ hành trong nước cho thấy sự cần thiết của các doanh nghiệp này trong việc thu hút thêm nguồn khách đến với giải đấu.

Trước đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng đã kết nối để các khách sạn cao cấp tại Hà Nội gặp gỡ đại diện Công ty Viet Nam Grand Prix. Giải chạy Báo Hànộimới - Vì hòa bình cũng đang hướng đến việc gắn bó nhiều hơn với yếu tố du lịch, sau một số ý kiến đề xuất xem xét mở rộng đối tượng người nước ngoài tham dự giải. Theo đó, khách du lịch cũng có thể được dự giải chứ không chỉ là người nước ngoài đang học tập, làm việc ở các tổ chức quốc tế, trường học, đại sứ quán tại Hà Nội.

Chủ động khai thác

Trong phương hướng phát triển du lịch Hà Nội thời gian tới, các sự kiện thể thao quốc tế lớn trên địa bàn như Giải đua xe Công thức 1, SEA Games 31 - năm 2021… sẽ được quan tâm đặc biệt. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả các sự kiện này, cần có sự chủ động từ các bên liên quan. Ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tienphong Travel cho rằng, các doanh nghiệp lữ hành cần tạo một cơ chế thông tin với đầu mối bên phía quản lý thể thao để nắm bắt lịch diễn ra sự kiện sớm nhất, từ đó liên kết với nhau để xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp. Còn anh Phạm Duy Cường, Trưởng nhóm “Chạy vì mình”, người thường tổ chức các giải chạy phong trào ở Hà Nội nhìn nhận, chính các nhà tổ chức sự kiện cũng cần tìm đến các doanh nghiệp du lịch như lữ hành, khách sạn, vận chuyển... để tạo ra những gói sản phẩm phong phú, giúp vận động viên, người thân của họ có trải nghiệm tốt nhất.

Theo ông Lại Quốc Cường, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, vai trò kết nối của Sở Du lịch Hà Nội như việc tổ chức gặp gỡ giữa doanh nghiệp lữ hành, khách sạn ở Hà Nội với đơn vị tổ chức Giải đua xe Công thức 1 tại Hà Nội năm 2020 vừa qua, càng phải được phát huy. Về lâu dài, cần có sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa cơ quan quản lý thể thao và du lịch, nhằm khai thác tối đa các sự kiện thể thao, qua đó giúp quảng bá tốt hơn cho du lịch Hà Nội cũng như các tỉnh, thành phố khác.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Đức Hải, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội khẳng định, Sở sẽ tạo điều kiện tối đa cũng như mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch và các nhà tổ chức sự kiện thể thao gặp, bàn bạc, thống nhất cách thức khai thác. Từ đó để du lịch Thủ đô tiếp tục là điểm đến nhiều sức hút với du khách trong, ngoài nước.

Sự chủ động từ các bên liên quan trong việc kết nối giữa du lịch với thể thao sẽ là yếu tố quan trọng để mang đến những kết quả cụ thể, đóng góp nhiều hơn vào quảng bá đất nước cũng như Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết nối du lịch với sự kiện thể thao: Cần sự chủ động của các bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.