Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn - một địa chỉ văn hóa xứ Huế

Bài và ảnh: Hà Thành| 14/11/2019 10:40

(HNMCT) - Nhà vườn là một nét đặc sắc của cố đô Huế, ở cả góc độ kiến trúc và văn hóa. Trải qua thời gian cùng những biến động của lịch sử và xã hội, nhiều ngôi nhà vườn Huế đang mai một dần. Nhưng vẫn còn đó những ngôi nhà vườn còn được bảo tồn, giữ gìn nguyên vẹn. Một trong số đó là Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn.

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn.

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn hay nhà vườn Ngọc Sơn công chúa, tọa lạc tại địa chỉ 31 Nguyễn Chí Thanh, phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Nơi đây thuộc vùng đất Gia Hội xưa - nơi tập trung nhiều phủ đệ của những ông hoàng, bà chúa, vương tôn công tử triều đình nhà Nguyễn. Giống như những phủ đệ khác trên đất Huế, Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn được thiết kế như một nhà vườn, với kiến trúc chính là một ngôi nhà rường truyền thống.

Công chúa Ngọc Sơn (tên thật là Nguyễn Phúc Hỷ Hỷ, 1886 - 1905) là con vua Đồng Khánh, được gả cho con trai quan đại thần Đông Các Đại học sĩ Nguyễn Hữu Thảng, tức phò mã Nguyễn Hữu Tiễn. Đáng tiếc, cuộc hôn nhân này quá ngắn ngủi vì công chúa qua đời sớm ở tuổi 20 sau khi sinh hạ một con gái. Thể theo nguyện vọng của công chúa trước khi qua đời, sau khi mãn tang vợ, ông Nguyễn Hữu Tiễn đã kết hôn với quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân - con gái của Kiên Quận công Nguyễn Phúc Ưng Quyển, em ruột vua Đồng Khánh.

Công trình được xây dựng vào năm 1921 dưới thời vua Khải Định. Phò mã Nguyễn Hữu Tiễn đã sống ở đây cùng người vợ thứ hai và có 7 người con. Trên quan trường, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn giữ nhiều chức vụ quan trọng, tới hàm Chánh nhất phẩm.

Hiện nay Phủ thờ Ngọc Sơn công chúa đã truyền tới đời thứ năm (tính từ đời phò mã Nguyễn Hữu Tiễn) và vẫn được con cháu chăm sóc, giữ gìn. Đây cũng là một trong rất ít những ngôi nhà vườn đặc sắc và còn nguyên vẹn ở Huế.

Năm 1920, phò mã Nguyễn Hữu Tiễn đã tậu khu đất này và cho xây dựng khu nhà vườn với diện tích 2.370m2. Bố cục tổng thể của nhà vườn tuân thủ theo thuật phong thủy, phía trước có minh đường, tiền án; hai bên tả hữu có thanh long - bạch hổ, sau lưng có hậu chẩm. Kiến trúc chính là một ngôi nhà rường ba gian hai chái truyền thống với bộ khung kết cấu bằng gỗ, mái lợp ngói liệt; kế bên là nhà phụ, nhà bếp. Phía trước nhà là một khoảng sân vườn rộng rãi.

Về mặt tổng thể, ngôi nhà này cũng giống như những ngôi nhà vườn khác ở Huế về chức năng, cách thức bố cục không gian, tổ chức sân vườn nhưng cũng có những nét khác biệt, thú vị. Ngôi nhà mở về hướng Tây, quay lưng ra đường để tránh ồn ào, bụi bặm. Lối đi vào nép một bên sườn nhà tạo thành đường cong mềm mại, duyên dáng.

Cũng vì thế mà trước nhà không có bình phong mà được thay bằng một hòn non bộ có chiều cao và quy mô vừa phải. Với bố cục như vậy nên công trình không có cổng, vòm bề thế theo lối thông thường mà chỉ có hai trụ cổng, phía trên có đắp hình “lân mẫu xuất lân nhi”.

Công trình được xây dựng vào năm 1921, dưới thời vua Khải Định nên chịu ảnh hưởng của kiến trúc và vật liệu, kỹ thuật xây dựng phương Tây. Có thể thấy rất rõ điều này qua các ô cửa trong kính ngoài chớp. Phần mái ở hồi nhà vươn ra bằng những công-son bê tông cắm thẳng vào tường, những trang trí trên vòm cửa đầu hồi, trụ gạch hiên sau. Tất cả những chi tiết này vẫn hài hòa với những chi tiết của nhà rường truyền thống như khung gỗ kết cấu, ngói liệt, các trang trí mái hay ngoại thất sân vườn.

Một điều thú vị khác là ngôi nhà được cải tạo, xây thêm một khối kiến trúc phía trước ở ba gian giữa, tạo thành điểm nhấn trước nhà. Khối kiến trúc này hợp với ngôi nhà cũ tạo thành kiểu “trùng thiềm điệp ốc” quen thuộc trong các công trình cung đình ở Huế.

Ngay trong vườn nhà, phía bên trái có một ngôi mộ. Đó là mộ của bà quận chúa Công Tôn Nữ Thị Trân, người vợ sau của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn. Ngôi mộ trong vườn như một biểu tượng về tình nghĩa, đạo hiếu của những người trong gia đình, là sự kết nối giữa hiện tại với quá khứ.

Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn là tư gia của nhà sử học, nhà nghiên cứu Phan Thuận An. Phu nhân của ông, bà Nguyễn Thị Sương là hậu duệ của phò mã Nguyễn Hữu Tiễn. Hiện hai vợ chồng nhà nghiên cứu Phan Thuận An đang sinh sống cùng con cháu ở đây đồng thời chăm sóc, bảo tồn di sản quý giá này.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An vẫn được biết đến là “cây đa, cây đề” trong giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử ở Huế. Ông được mệnh danh là “nhà Huế học”. Với một tinh thần Huế, cốt cách Huế và là một tri thức uyên bác, ông đã cùng gia đình gìn giữ Phủ thờ - nhà vườn công chúa Ngọc Sơn như một “bảo tàng sống” về văn hóa và con người Huế.

Ở đó không chỉ những giá trị di sản vật thể - kiến trúc được bảo tồn, mà như ông nói: “Có một loại di sản quý báu khác nữa là các hậu duệ đang sống trong phủ thờ này vẫn cố gắng gìn giữ được các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống tốt đẹp của tiền nhân. Đó là “phần hồn” của di sản”.

Nơi đây cũng là một địa chỉ văn hóa, nơi giao lưu học thuật của giới nghiên cứu văn hóa - lịch sử Huế và là điểm đến của những người yêu Huế. Tại đây, có rất nhiều sách vở, thư tịch, tài liệu lịch sử quý giá về Huế và triều Nguyễn được bảo tồn, lưu giữ qua nhiều thế hệ.

Thăm Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn, anh Nguyễn Đăng Minh, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Nơi đây thực sự là một “bảo tàng sống” sinh động. Không chỉ hấp dẫn về lối kiến trúc đặc trưng, mang đậm phong cách và văn hóa Huế, Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn còn khiến chúng tôi phải suy nghĩ về cách sống, phong tục tập quán và truyền thống gia đình còn được giữ gìn cẩn thận đến ngày nay. Đấy là điều rất hiếm và cần bảo tồn bởi nó là phần cốt cách, tinh thần cũng như những nét đặc trưng văn hóa của người Huế nói riêng và Việt Nam nói chung. Chính những yếu tố văn hóa ấy đã tạo nên sức hấp dẫn cho Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn. Nếu có dịp, tôi sẽ trở lại nơi này lần nữa...”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phủ thờ công chúa Ngọc Sơn - một địa chỉ văn hóa xứ Huế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.