Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nét kiến trúc hài hòa trong sự đa dạng

Nhóm phóng viên| 28/11/2019 07:08

(HNM) - Catherine Deneuve từng nhận xét: “Hà Nội là thành phố có sức hấp dẫn đến phát điên… Những ngôi nhà rất đẹp của những năm 30 thế kỷ trước… Một thứ gì đó vừa xưa cũ, lại vừa trí tuệ trong lòng đất nước này”. Phải chăng nữ minh tinh người Pháp bị mê hoặc bởi lối kiến trúc đa dạng mà hài hòa của Hà Nội, một trong những điều làm nên sức cuốn hút khó cưỡng ở mảnh đất kinh kỳ?

Nhà thờ Lớn Hà Nội - công trình kiến trúc đậm chất châu Âu có sức hút rất lớn đối với du khách.

Hà Nội phố - phố Hà Nội

Rất nhiều người yêu Hà Nội đã bỏ thời gian, công sức chạy theo “phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”. Kiến trúc sư Hoàng Minh Quang là một người như vậy. Người gốc Hà Nội, “đóng” tuổi thơ vào từng con phố, giờ sống tại thành phố Hồ Chí Minh, nhưng mỗi khi có dịp về Bắc, việc đầu tiên của anh vẫn là kéo bằng được bạn bè đi “bát phố” Hà Nội. Nhiều người Hà Nội nghiện phố, phố Hà Nội gây nghiện cho nhiều người theo những cách rất riêng như thế.

Điều gì làm nên những cảm xúc ấy? Có nhiều cách hình dung về phố phường Hà Nội nhưng để lý giải sâu sắc, lại không thể “cưỡi ngựa xem hoa”. Hà Nội là thành phố trong sông, thành phố của những con sông, chợ ven sông theo năm tháng mà thành phố - phố thị, rồi sau đó thành phố phường. Đó là đặc trưng lớn nhất, cũng là sức hấp dẫn rất riêng của Hà Nội. Và để hiểu cặn kẽ điều này, cần bắt đầu từ những không gian cô đọng nhất của Hà Nội phố. Đó là khu phố cổ, nơi tập trung “ba mươi sáu phố phường”, vẫn luôn được định danh là “không gian phố Phái”, theo nghệ thuật tranh phố của danh họa Bùi Xuân Phái.

“Đó là những dãy phố chi chít chạy dọc - ngang theo kiểu bàn cờ. Hai bên có những dãy nhà hình ống san sát, sắp xếp theo kiểu chồng diêm. Nhà trong phố thiết kế theo kiểu nhiều lớp nhà, với chiếu nghỉ là các khoảng sân để lấy ánh sáng và không khí. Nhà phố có công năng vừa ở, vừa bán buôn nên cách tổ chức như vậy thuận tiện công việc kinh doanh, lại vẫn bảo đảm tách bạch giữa chung và tư, giữa nghỉ ngơi và làm việc”, kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính cắt nghĩa.

Về phần mình, nhà văn, nhà báo Trần Chiến - người từng viết nhiều về những ngôi nhà bạc màu thời gian ấy, nhận xét: “Những ngôi nhà liền mái, liền tường nương tựa vào nhau mang đến một sức hấp dẫn đặc biệt. Và ở điểm nhìn nào, “ba mươi sáu phố phường” của Hà Nội cũng là một quần thể kiến trúc sống động đầy mê hoặc”.

Phần làm nên không gian “mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi” của Hà Nội còn là những ngôi chùa cổ kính nép mình trong các dãy phố bán buôn tấp nập. Là di sản trong phố, cổng chùa sầm uất từ sớm tới khuya, nhưng chỉ cần bước qua tam quan ngôi cổ tự là bạn đã như đặt chân vào một thế giới khác, tĩnh lặng và thư thái. Nhà nghiên cứu Hán Nôm Phạm Văn Tuấn chia sẻ: Mỗi ngôi chùa là một không gian chứa đựng hồn cốt kinh kỳ. Nếu như chùa Kim Cổ ở phố Đường Thành, nơi thờ Bà chúa Tấm, mang đặc trưng Thăng Long tứ quán, thì chùa Bà Đá trên phố Nhà Thờ lại đã có cả nghìn năm thăng trầm cùng Hà Nội... Đây là những kho kiến thức lịch sử văn hóa quý giá cho bất cứ ai mong muốn “chạm” vào quá khứ.

Hài hòa văn hóa Đông - Tây

Những ngôi nhà hình ống rêu phong, những mái chùa cong cong mềm mại chỉ là một trong nhiều đặc điểm độc đáo của phố phường Hà Nội. Càng tìm hiểu sâu, người ta càng thêm bất ngờ với những điều mình vừa khám phá, giống như cách nói của nữ minh tinh Catherine Deneuve: “Hà Nội là thành phố có sức hấp dẫn đến phát điên”.

Chọn một góc ngồi trên ban công tầng hai một quán cà phê ở phố Ấu Triệu, hướng về Nhà thờ Lớn Hà Nội rêu phong cổ kính, người bạn đồng nghiệp phương Nam của chúng tôi thốt lên đầy tâm đắc: “Chẳng thể ngờ một công trình tôn giáo với phong cách Neo - Gothic trung cổ châu Âu đặt trong lòng một con phố đậm chất Á Đông lại hòa hợp, quyến rũ đến thế!”. Ở Hà Nội, có rất nhiều không gian tương tự, nơi thể hiện những tầng nấc văn hóa được phản chiếu qua lối kiến trúc pha trộn Đông - Tây đầy mê hoặc. Nói cách khác, đó là vẻ đẹp hài hòa trong sự đa dạng, đã làm nên sức hấp dẫn đặc biệt cho kiến trúc Hà Nội.

Những người yêu nghệ thuật kiến trúc có thể tìm thấy ở mảnh đất này đủ loại phong cách, như: Art Deco trên công trình trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Bưu điện Hà Nội…; Neo - Gothic ở Nhà thờ Lớn Hà Nội, Nhà thờ Hàm Long…; Tân cổ điển với đại diện là Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, khách sạn Metropole…; kiến trúc địa phương Pháp tại công trình trụ sở Bộ Tư pháp và một số biệt thự trong khu ngoại giao đoàn…; kiến trúc Pháp - Hoa trên nhà hàng Thủy Tạ... Trong đó, đại diện tiêu biểu cho sự hòa hợp đa dạng giữa nhiều phong cách kiến trúc, phải kể đến cái tên “kiến trúc Đông Dương”.

Đây là phong cách đã được giới chuyên môn định hình cho kiểu công trình pha trộn một cách tài tình giữa phong cách châu Âu và văn hóa Á Đông. Các kiến trúc sư theo phong cách này thường sử dụng những hình thức và chi tiết kiến trúc truyền thống Việt Nam, Khmer để tạo dựng các bộ mái, ô văng che cửa, cùng các họa tiết trang trí khác trên bộ đỡ bởi các con sơn gỗ. Trụ sở Bộ Ngoại giao, Bảo tàng Lịch sử quốc gia là những ví dụ đặc trưng của phong cách này.

Chứa đựng sự hài hòa giữa phong cách châu Âu và tinh thần Việt, những công trình kiến trúc không chỉ là một phần không thể tách rời của đô thị Hà Nội mà còn là những nhân chứng lịch sử chứng kiến bao biến động thăng trầm ở thành phố hơn nghìn năm tuổi. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng của thành phố, những khu đô thị cao cấp, đa chức năng cùng phong cách kiến trúc đa dạng, như Mandarin Garden, The Manor, Vinhomes Riverside,  Ecopark, Royal City… đã khoác thêm cho mảnh đất nghìn năm văn hiến một hình hài năng động, hiện đại.

Trong nỗ lực bảo vệ, phát huy những giá trị di sản đô thị trong đời sống hiện đại, Hà Nội đã rất thành công trong việc khôi phục nhiều không gian kiến trúc, trở thành điểm nhấn ấn tượng của một thành phố văn hóa, du lịch. Gần đây nhất là Đề án cải tạo, chỉnh trang theo hướng phục dựng những giá trị kiến trúc đặc trưng, góp phần bảo tồn di sản kiến trúc, cải thiện điều kiện sống cho người dân; cũng như tăng sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch phố cổ. Tính đến nay, đã có 23/79 tuyến phố cổ hoàn thành việc cải tạo, chỉnh trang mặt đứng, khôi phục vẻ đẹp kiến trúc xưa cũ. Dự kiến đến năm 2020, đề án sẽ hoàn thành.

Như vậy, những người yêu Hà Nội và du khách sẽ có thêm cơ hội khám phá, tìm hiểu về vẻ đẹp hài hòa trong sự đa dạng của không gian di sản kiến trúc Thủ đô.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nét kiến trúc hài hòa trong sự đa dạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.