Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Viên ngọc xanh” của núi rừng Tây Bắc

Lam Mộc| 28/11/2019 09:16

(HNMCT) - Nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, nhiệt độ trung bình ở Mộc Châu (Sơn La) chỉ khoảng 18,6oC, quanh năm mát mẻ, trong lành, tạo nên sức hấp dẫn với du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, sự đa dạng của hệ thống danh lam thắng cảnh giúp Mộc Châu sở hữu nhiều tiềm năng phát triển loại hình du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa. Được ví như “viên ngọc xanh” của núi rừng Tây Bắc, Mộc Châu hiện đang là điểm đến thú vị đối với nhiều du khách.

“Đồi chè Trái tim” ở Mộc Châu - điểm đến hấp dẫn du khách.

Cao nguyên xanh hấp dẫn

Chỉ cách Hà Nội 180km, cách thành phố Sơn La 120km, Mộc Châu được ví như cửa ngõ vùng Tây Bắc với điều kiện giao thông thuận lợi, phát triển. Mộc Châu còn có tên gọi khác là Mường Sang, tiếng Thái có nghĩa là “vùng đất sương mù quanh năm lạnh giá”. Cái tên ấy nói lên điều kiện địa hình và khí hậu lý tưởng để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, trải nghiệm... Cùng với hệ thống di tích, cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và sự đa dạng văn hóa của 12 dân tộc anh em cùng sinh sống trên địa bàn đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt cho cao nguyên Mộc Châu. Có thể kể tới những thắng cảnh nổi tiếng như động Sơn Mộc Hương, đồi thông Bản Áng, thác Dải Yếm, Khu bảo tồn quốc gia Xuân Nha, đỉnh Phiêng Luông, hang Dơi...

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, Mộc Châu còn sở hữu nguồn tài nguyên du lịch nhân văn mang tính bản địa hấp dẫn. Đó là những nét văn hóa đặc trưng của 12 dân tộc anh em, trong đó, mỗi dân tộc lại có những phong tục tập quán đặc sắc riêng như lễ hội Hết Chá, lễ hội cầu mưa của dân tộc Thái; lễ cúng dòng họ của dân tộc Mông; lễ lập tịch của dân tộc Dao; lễ hội Chách Vặt, Chách Và tại chùa Vặt Hồng. Nơi đây còn có các hoạt động văn hóa cộng đồng, trò chơi dân gian đặc sắc của các dân tộc như múa xòe, nhảy sạp của dân tộc Mường; trò chơi tó má lẹ của dân tộc Thái; nhảy tha kềnh (nhảy khèn), đánh tu lu, ném pao của dân tộc Mông; múa chuông của dân tộc Dao... Cùng với đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa, tâm linh dày đặc như chùa Vặt Hồng, Khu di tích lịch sử lưu niệm Trung đoàn 52 Tây Tiến, Di tích lịch sử Bác Hồ nói chuyện với nhân dân các dân tộc Mộc Châu, Di tích lịch sử văn hóa nơi Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, công nhân nông trường Mộc Châu, Di tích lịch sử đồn Mộc Lỵ, Di tích lịch sử Văn bia Trung đoàn 83 quân tình nguyện Việt Nam - Lào...

Đến Mộc Châu, du khách còn được thỏa sức ngắm nhìn cao nguyên rộng lớn với diện tích hơn 50.000ha với những đồng cỏ xanh mướt, đồi chè bạt ngàn, những rừng mơ, mận, đào, ban... thay nhau nở suốt bốn mùa, tạo nên phong cảnh hữu tình, nên thơ. Mộc Châu không chỉ đẹp nhờ giá trị đặc sắc của thiên nhiên mà còn nhờ bàn tay lao động của con người. Trải qua 60 năm, Mộc Châu đã chuyển mình trở thành vùng đất trù phú với phố phường, nhà cửa, đồng cỏ, đồi chè, trong đó "Đồi chè Trái tim" đã trở thành thương hiệu và hình ảnh điểm đến đặc trưng cho Mộc Châu, thu hút số lượng khách đột biến trong vài năm trở lại đây. Nếu như năm 2010 Mộc Châu mới chỉ đón khoảng 288 nghìn lượt khách, năm 2014 đón 700 nghìn lượt, năm 2018 đón 1,1 triệu lượt thì 9 tháng năm 2019 Mộc Châu đã đón hơn 1 triệu lượt khách. Điều đó cho thấy Mộc Châu đã và đang trở thành khu vực động lực phát triển du lịch của tỉnh Sơn La nói riêng và trung du miền núi Bắc Bộ nói chung.

Giải bài toán phát triển

Với những tiềm năng, lợi thế đó, năm 2017 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mộc Châu, tỉnh Sơn La đến năm 2030. Khu du lịch quốc gia Mộc Châu có tổng diện tích tự nhiên 206.150ha, nằm trên địa bàn 2 huyện Mộc Châu và Vân Hồ, với định hướng phát triển thành trung tâm du lịch trọng điểm gồm 3 khu: Trung tâm nghỉ dưỡng Mộc Châu, Trung tâm du lịch sinh thái Mộc Châu, Trung tâm vui chơi giải trí Mộc Châu. Theo Quy hoạch, Khu du lịch quốc gia Mộc Châu sẽ tập trung phát triển các sản phẩm chính: Du lịch nghỉ dưỡng và điều dưỡng chữa bệnh; du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh thắng; đặc biệt chú trọng hình thức du lịch nghỉ tại nhà dân (homestay)...

Nói về “sức hút” của Mộc Châu, ông Ngô Việt Cường, Trưởng Chi nhánh Ba Đình, Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: “Vài năm trở lại đây, Mộc Châu thực sự là điểm đến “hot” đối với du khách trong nước và quốc tế. Đối tượng khách chủ yếu mà công ty chúng tôi đưa đến Mộc Châu là khách đoàn, du lịch hội nghị, hội thảo và nghỉ dưỡng. Sức hấp dẫn của Mộc Châu là hiển nhiên, nhưng hiện nay Mộc Châu đang trở thành “đại công trường” với quá nhiều công trình xây dựng, làm ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Vì thế, địa phương cần quan tâm đến sự phát triển bền vững, có chiến lược phát triển cụ thể theo từng giai đoạn, tăng cường tuyên truyền về du lịch có trách nhiệm để du lịch Mộc Châu không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển quá “nóng” tạo thành các hệ lụy sau này”.

Nhìn nhận về những khó khăn trong việc quản lý điểm đến, bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Chủ tịch UBND huyện Mộc Châu cho biết: Mộc Châu đang rất cố gắng quản lý các điểm đến, ví dụ như "Đồi chè Trái tim" - một trong những điểm đến thu hút rất đông khách nên việc quản lý càng không dễ. “Hiện Mộc Châu đúng là “đại công trường” bởi chúng tôi đang đầu tư cho hệ thống giao thông, trong đó có việc mở rộng tuyến đường cảnh quan chạy giữa các đồng cỏ, đồi chè để du khách thoải mái ngắm nhìn phong cảnh thiên nhiên mà không bị ảnh hưởng bởi bất cứ ngôi nhà, cửa hàng hay tiếng ồn của các loại xe có trọng tải lớn”. Với dự án này, Mộc Châu được kỳ vọng sẽ trở thành một cao nguyên xanh, đẹp, quy củ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Bên cạnh việc khắc phục khó khăn trong công tác quản lý, Mộc Châu cũng nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch để du khách có thể tham quan, trải nghiệm vào tất cả các mùa trong năm. Đặc biệt, từ thành công của Giải Marathon đường mòn Việt Nam thu hút hàng nghìn vận động viên quốc tế mỗi năm, huyện sẽ duy trì giải này trong những năm tiếp theo nhằm tạo thành thương hiệu riêng của Mộc Châu. Theo bà Hoa, đây là cơ hội tốt để tăng cường quảng bá hình ảnh điểm đến với du khách quốc tế, thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày đến với Mộc Châu trong thời gian tới. 

Với những bước đi bài bản như vậy, Mộc Châu được kỳ vọng sẽ trở thành điểm đến ngày càng hấp dẫn và sẽ luôn là “viên ngọc xanh” của núi rừng Tây Bắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Viên ngọc xanh” của núi rừng Tây Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.