Theo dõi Báo Hànộimới trên

Du lịch Việt Nam gặt hái nhiều giải thưởng danh giá: Khẳng định thương hiệu điểm đến

Minh An| 06/12/2019 08:34

(HNM) - Những tháng cuối năm 2019, du lịch Việt Nam liên tiếp được vinh danh, trao tặng nhiều giải thưởng danh giá của du lịch thế giới, như “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”, “Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019”… Đây là tiền đề quan trọng để Việt Nam gìn giữ, nâng cao thương hiệu điểm đến, tăng sức hút, sự hấp dẫn đối với du khách...

Năm 2019, du lịch Việt Nam được vinh danh là Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019. Ảnh: Mạnh Hùng

Những danh hiệu không dễ đạt được

So với các năm trước, 2019 là năm ngành Du lịch Việt Nam gặt hái được nhiều danh hiệu có giá trị. Cách đây ít ngày, tại Lễ trao Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 26 năm 2019 tổ chức ở Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Việt Nam đã lần đầu tiên được xướng tên trong hạng mục “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”. Giải thưởng du lịch thế giới ra đời vào năm 1993 do Tổ chức Giải thưởng du lịch thế giới tổ chức. Với sự tham gia bầu chọn của người dân cũng như những chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực du lịch, giải thưởng đã trở thành một trong những thước đo chất lượng của ngành công nghiệp không khói.

Trước đó, du lịch Việt Nam đã được đề cử vào 6 hạng mục của Giải thưởng du lịch thế giới lần thứ 26. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Việt Nam được đề cử trong nhiều hạng mục phạm vi toàn cầu, chứ không chỉ ở phạm vi khu vực như những năm trước. Điều này cho thấy, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam trên thế giới và chất lượng - thương hiệu điểm đến Việt Nam ngày càng được khẳng định. Và đây là kết quả nhờ đầu tư mạnh cho việc xây dựng điểm đến, xúc tiến, quảng bá hình ảnh, đa dạng hóa dịch vụ với tiêu chuẩn ngày càng cao hơn...

Cũng theo ông Hà Văn Siêu, ngoài danh hiệu “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”, ngành Du lịch Việt Nam còn được nhận nhiều giải thưởng danh giá khác, đó là “Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019”, “Điểm đến hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019”... Đặc biệt, trong năm 2019, lần thứ ba liên tiếp ngành Du lịch Việt Nam được trao Giải thưởng “Điểm đến golf hàng đầu châu Á” và lần thứ hai nhận Giải thưởng “Điểm đến hàng đầu châu lục”.

Chưa kể, cùng với đó là hàng chục các giải thưởng quốc tế khác dành cho các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, điểm du lịch… Trong đó, có những điểm đến nổi tiếng hàng đầu Việt Nam, như: Sa Pa (tỉnh Lào Cai), Đà Nẵng, Hội An (tỉnh Quảng Nam), Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang)...

“Tác động ngược lại, những giải thưởng danh giá mà ngành Du lịch Việt Nam đạt được không chỉ là sự ghi nhận nỗ lực của ngành, của doanh nghiệp, địa phương mà còn là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam sâu, rộng hơn tới bạn bè quốc tế”, ông Hà Văn Siêu nói.

Nhân lên giá trị danh hiệu

Ngành Du lịch Việt Nam đang đạt tốc độ thu hút khách quốc tế vào diện hàng đầu thế giới. Trong 11 tháng của năm 2019, gần 16,3 triệu lượt khách quốc tế đã tới Việt Nam, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2018. Đó là mức tăng trưởng ấn tượng so với mức tăng trưởng bình quân từ 4% đến 5% của du lịch thế giới (theo báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới). Việc Việt Nam nhận các giải thưởng danh giá của du lịch thế giới cũng như châu Á, trước hết được xem là đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam cũng như thu hút thêm nhiều khách du lịch nội địa.

Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là điểm đến nổi tiếng hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch) khẳng định: Qua các giải thưởng danh giá mà ngành Du lịch Việt Nam nhận được như “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới 2019”, “Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019”... có thể thấy năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam đã được nâng lên rất nhiều; khẳng định vị thế du lịch nước ta trong khu vực và trên thế giới. “Vấn đề đặt ra thời gian tới là xây dựng kế hoạch gìn giữ và phát huy giá trị danh hiệu, từ đó nâng tầm thương hiệu điểm đến, tăng sức hấp dẫn đối với du khách”, ông Đinh Ngọc Đức cho biết.

Là đơn vị thường xuyên tổ chức các tour du lịch golf, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty Lữ hành Tiên Phong cho rằng, những danh hiệu trong năm 2019 dành cho golf Việt Nam là sự quảng bá để thúc đẩy du lịch golf phát triển mạnh hơn ở Việt Nam cũng như Hà Nội. Đây là lĩnh vực khách du lịch chi tiêu nhiều, có thể tác động đáng kể đến tổng thu từ du lịch. Song, để phát huy được danh hiệu này, cần những chiến dịch quảng bá, truyền thông lớn.

Chung nhận định, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist khẳng định, đạt được những danh hiệu tầm cỡ thế giới, châu lục, du lịch Việt Nam đã có tiền đề thuận lợi để phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, nếu không có những giải pháp quảng bá, xúc tiến kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, thì những danh hiệu đó sẽ không thể phát huy giá trị. “Những cách thức quảng bá kỹ thuật số đang được sử dụng nhiều và chúng ta cần tận dụng điều này”, ông Phùng Quang Thắng đề xuất.

Rõ ràng, những danh hiệu thế giới, châu lục mà du lịch Việt Nam nhận được trong thời gian qua đã góp phần tạo dựng và củng cố niềm tin về sự phát triển của du lịch Việt Nam. Giờ là lúc ngành Du lịch, doanh nghiệp, các địa phương tận dụng cơ hội từ các danh hiệu đạt được để đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thu hút nhiều hơn du khách đến với Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Du lịch Việt Nam gặt hái nhiều giải thưởng danh giá: Khẳng định thương hiệu điểm đến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.