Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoài niệm Bao Vinh

Bài và ảnh: Hà Thành| 04/04/2021 05:06

(HNMCT) - Mặc dù mang dấu ấn tàn phai theo năm tháng, phố cổ Bao Vinh vẫn đẹp và có sức hút kỳ lạ, gợi nhớ về một thời huy hoàng quá vãng.

Hình ảnh phố chợ bên sông vẫn còn đâu đó.

Quá khứ phồn thịnh

Phố cổ Bao Vinh thuộc xã Hương Vinh (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), cách trung tâm thành phố Huế khoảng 5km. Phố cổ này nằm trong chuỗi cảng thị Thanh Hà - Bao Vinh, một trong hai thương cảng cổ lớn nhất Đàng Trong thế kỷ XVII - XIX cùng với cảng thị Hội An (Quảng Nam).

Năm 1636, sau khi dời phủ Chúa từ Phúc An vào Kim Long, chúa Nguyễn Phúc Lan đã chọn vị trí ngã ba Sình trông ra cửa khẩu Thuận An để mở cảng Thanh Hà. Được hình thành trên phần đất của hai làng Minh Hương và Địa Linh do quá trình di dân, định cư của người Hoa, cảng thị Thanh Hà nhanh chóng trở thành thương cảng sầm uất, tấp nập trên bến dưới thuyền. Những thương thuyền từ Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và một số nước châu Âu thường cập cảng để mua bán hàng hóa.

Về sau, cảng Thanh Hà bị bồi lấp nên suy tàn. Bao Vinh ra đời như một sự tiếp nối tất yếu. Bao Vinh nằm gần ngã ba, nơi sông Hương gặp hai con sông đào Đông Ba, Cửa Hậu. Xưa kia, Bao Vinh nổi tiếng với nghề đóng hòm, khảm cẩn xà cừ, dệt vải, nề - ngõa, gạch ngói, làm bột... Năm 1885, kinh đô Huế thất thủ vào tay thực dân Pháp, Bao Vinh bị tàn phá và mai một dần. Khi vua Thành Thái cho lập phố chợ Đông Ba sát kinh thành (năm 1899), Bao Vinh dần bị quên lãng.

Tuy không còn là cảng thị quan trọng nhưng hình ảnh Bao Vinh vẫn tồn tại với dãy phố cổ bên sông cùng kiến trúc nhà phố đặc sắc, mang đậm nét phố chợ với chức năng vừa để ở vừa buôn bán. Những ngôi nhà cổ điển hình có cấu trúc nhà rường bằng gỗ, mái lợp ngói, tường hồi xây gạch nép sát vào nhau. Nhiều ngôi nhà bên sông được xây theo kiểu nhà cổ tứ giác (hay nhà “bánh ú”), mặt quay ra bờ sông, là nơi tiếp chuyển hàng hóa với các thương thuyền. Những ngôi nhà cổ có niên đại từ 100 - 200 năm đã tạo nên nét cổ kính riêng biệt cho phố cổ Bao Vinh.

Một góc phố cổ Bao Vinh.

Khó khăn trong công tác bảo tồn

Dự án bảo tồn phố cổ Bao Vinh đã được tỉnh Thừa Thiên Huế thực hiện từ năm 1991 nhằm phát huy giá trị kiến trúc nhà cổ truyền thống và khai thác du lịch. Vào thời điểm đó, nơi đây còn 39 ngôi nhà cổ. Năm 2003, tỉnh có quy hoạch bảo tồn khu phố cổ Bao Vinh với phạm vi nghiên cứu 8ha, nhưng lúc này chỉ còn 17 ngôi nhà cổ. Hiện nay, Bao Vinh chỉ còn lại 10 ngôi nhà cổ, trong đó có 6 ngôi nhà mang kiến trúc truyền thống Việt và 4 ngôi nhà có kiến trúc Pháp.

Hiện nay, chính quyền sở tại với sự hỗ trợ về tài chính của Thượng viện Pháp mới trùng tu được 4 ngôi nhà cổ. Số còn lại đang tiếp tục chờ đợi. Trong số những ngôi nhà cổ còn lại, đáng lưu ý là ngôi nhà số 77 Bao Vinh của ông Phan Tâm. Đây là ngôi nhà gỗ 2 tầng duy nhất còn lại ở Bao Vinh. Ngôi nhà gồm 5 gian, có niên đại gần 150 năm, hiện đã hư hại nặng nề và ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Ngôi nhà cổ số 105 Bao Vinh có niên đại hơn 100 năm của ông Lê Quang Chất cũng chung hoàn cảnh. Ông bày tỏ: “Do được xây dựng quá lâu nên nhà cổ nay bị hư hại nhiều. Hiện tại, gia đình tôi phải sửa chữa một số hạng mục để vừa làm chỗ ở, vừa bảo vệ căn nhà khỏi bị sập. Trước đây, từng có người đến đặt vấn đề đổi khung gỗ trong ngôi nhà cổ của chúng tôi bằng khung gỗ mới và “bù” thêm 12 cây vàng nhưng gia đình tôi đã từ chối để giữ nguyên trạng căn nhà cổ do tổ tiên để lại”.

Sự thay đổi và biến mất dáng dấp phố cổ ở Bao Vinh khiến nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và người dân đều xót xa, nuối tiếc. Mặc dù phố cổ Bao Vinh đã mang diện mạo khác, nhưng hồn phố dường như vẫn phảng phất đâu đó. Du khách tới Bao Vinh như để hoài niệm, tìm về một thời quá vãng huy hoàng với con phố nhỏ chỉ dài hơn 300m nhưng vẫn còn đó những ngôi nhà cổ, nếp chợ quê, bến đò ngang sang các làng bên kia sông, hay ngôi đình làng và chùa Thiên Giang hơn 200 năm tuổi... Năm 2019, một quán cà phê ở đây được lấy làm bối cảnh trong bộ phim “Mắt biếc” của đạo diễn Victor Vũ đã thu hút nhiều du khách đến với phố cổ Bao Vinh.

Trải qua bao biến thiên của lịch sử, Bao Vinh vẫn có sức hút kỳ lạ với vẻ đẹp bình dị của hình thái phố trong làng và những giá trị văn hóa làng xã được gìn giữ. Phố cổ Bao Vinh là một di sản kiến trúc - văn hóa đặc sắc, có giá trị lịch sử và được coi là một phần của cố đô Huế, rất cần được gìn giữ, bảo tồn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm Bao Vinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.