Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hôn nhân có phải là cốt lõi của mối quan hệ bền vững?

Mai Chi| 11/04/2016 14:11

(HNMO) - Khi nghĩ tới việc ràng buộc lẫn nhau bằng một cuộc hôn nhân, bạn chắc hẳn sẽ tự hỏi liệu sự cam kết ấy có ảnh hưởng như thế nào đến mối quan hệ giữa hai người.

Chắc chắn bạn đã từng nghe nói rằng “nhìn chung người đã kết hôn có cuộc sống hạnh phúc hơn so với những kẻ độc thân”, hoặc “chỉ sau khi kết hôn con người mới hoàn toàn mãn nguyện với cuộc sống”.

Tuy nhiên, liệu có phải chính hành động kết hôn đã tạo ra những tác động tích cực như vậy? Câu trả lời chắc chắn là không.

Trên thực tế, các bằng chứng lại cho thấy kết quả ngược lại. Một nghiên cứu vào năm 2012 chỉ ra rằng các cặp đôi chung sống cùng nhau nhưng không kết hôn tôn trọng nhau và hạnh phúc hơn phần lớn các cặp vợ chồng với hoàn cảnh sống tương đương.

Một nghiên cứu khác vào năm 2011 cũng cho thấy các cặp đôi đã kết hôn dần cảm thấy kém hạnh phúc và bất mãn hơn so với các cặp không kết hôn.

Đặc biệt, một nghiên cứu gần đây cho thấy chìa khóa của hạnh phúc không phải là hôn nhân mà chính là bản chất của mối quan hệ.

Theo một tài liệu do Ủy ban Kinh tế Quốc gia (Mỹ) công bố năm 2014, nếu một nửa còn lại cũng đồng thời là người bạn thân nhất, bạn không nhất thiết phải kết hôn để đạt được lợi ích của một mối quan hệ lâu dài. Đây cũng chính là điểm cốt lõi của hạnh phúc.

Tình bạn là điều quan trọng hơn cả

Trong tài liệu được công bố, các nhà khoa học ban đầu ủng hộ suy nghĩ “kết hôn để có hạnh phúc”. Họ nhận thấy các cặp vợ chồng thường hạnh phúc hơn các cặp đôi không kết hôn.

Nhưng nghiên cứu chuyên sâu hơn lại cho thấy một điều hoàn toàn khác. Các cặp vợ chồng coi nhau là bạn thân có cuộc hôn nhân bền vững và hạnh phúc tương đương với những cặp đôi cũng là bạn thân nhưng không kết hôn. Nói cách khác, việc có kết hôn hay không không hề có ảnh hưởng trong trường hợp này.

Để đi đến kết luận cuối cùng, các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu trên 3 trường dữ liệu bao gồm thông tin của hàng ngàn cặp đôi. Sau đó, kết quả được điều chỉnh lại cho phù hợp với các nhóm độ tuổi, thu nhập, tình trạng sức khỏe...

Kết quả nghiên cứu của Ủy ban Kinh tế Quốc gia (Mỹ)

Kết quả cho thấy hầu hết những người coi một nửa của mình là người bạn thân nhất, dù có kết hôn hay không, cảm thấy hạnh phúc hơn những cặp đôi không phải là bạn thân nhất của nhau.

Điểm thú vị của nghiên cứu này là việc xem xét hôn nhân một cách toàn diện. Đây cũng không phải là nghiên cứu đầu tiên đề cập đến vấn đề này. Các nghiên cứu khác đã củng cố quan điểm rằng hôn nhân không phải là chìa khóa mở ra cánh cửa hạnh phúc.

Năm 2012, các nhà khoa học đã công bố số liệu được tổng hợp và phân tích từ 18 nghiên cứu khác nhau về những người đã kết hôn và ly hôn.

DePaulo – đồng tác giả của công trình – cho biết: “Sau những dư âm ngọt ngào nhưng ngắn ngủi của thời kỳ trăng mật, việc kết hôn không hề tạo ra một cuộc sống hạnh phúc hay hoàn hảo hơn”.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Nhiều nghiên cứu về mức độ hạnh phúc của hôn nhân thường chỉ tập trung vào các cặp vợ chồng đã kết hôn và vẫn còn chung sống, mà không hề đả động đến các trường hợp đã ly hôn hoặc ly thân.

Đó cũng là một trong những lý do khiến các nhà nghiên cứu ngộ nhận rằng việc kết hôn khiến cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hôn nhân có phải là cốt lõi của mối quan hệ bền vững?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.