Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim Việt “xuất ngoại”: Bế tắc "thị trường nội"

Hoàng Lân| 28/05/2019 11:45

(HNMO) - Điện ảnh Việt Nam những năm gần đây gây chú ý với nhiều bộ phim giành được giải thưởng trong các liên hoan phim quốc tế. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít bộ phim rầm rộ “rinh” giải ở nước ngoài nhưng khi quay trở lại Việt Nam lại chịu cảnh hẩm hiu, thậm chí bị chê trách từ dư luận…

Thắng lớn ở các liên hoan phim

LHP Cannes khép lại với niềm vui lớn dành cho điện ảnh châu Á (bộ phim “Parasite” của Hàn Quốc giành Cành cọ vàng). Năm nay, Việt Nam có hai tác phẩm được giới thiệu tại LHP Cannes 2019, đó là “Trống đợi” (đạo diễn Lê Hữu Đăng Khoa) và “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng”.

Trong đó, “Trống đợi” là phim ngắn thuộc dạng thể nghiệm về đề tài tình cảm xã hội, được trình chiếu tại “Góc phim ngắn”; phim “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” được lựa chọn công chiếu tại hạng mục quan trọng “Tuần lễ đạo diễn” - một nhánh của LHP Cannes, nhằm vinh danh dòng phim nghệ thuật không tranh giải chính.

Phim ngắn "Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” của Phạm Thiên Ân giành chiến thắng ở hạng mục Illy Award - một nhánh của LHP Cannes.


Vượt 9 tác phẩm khác trong cùng hạng mục, “Hãy tỉnh thức và sẵn sàng” của Phạm Thiên Ân giành chiến thắng ở hạng mục Illy Award. Đây có thể xem là một thành công đáng ghi nhận của điện ảnh Việt Nam, mở ra nhiều hy vọng cho những nhà làm phim có thể mạnh dạn thực hiện những sáng tạo, ước mơ của mình.

Trước đó, phim Việt từng ghi dấu ấn tại một số kỳ LHP quốc tế. Năm 2018 được coi là năm bội thu của phim Việt trên đấu trường quốc tế vì ngoài "Vợ ba" còn có "Song Lang", "Cô Ba Sài Gòn" cũng được vinh danh tại các LHP quốc tế lớn, nhỏ.

Vào đầu tháng 9-2018, Điện ảnh Việt Nam tham dự LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 58 tổ chức ở Đài Loan (Trung Quốc) với 5 bộ phim "Đảo của dân ngụ cư", "Cô Ba Sài Gòn", "Em chưa 18", "Cô gái đến từ hôm qua" và "Khi con là nhà". Bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" của nữ đạo diễn Hồng Ánh nhận được 2 giải thưởng gồm "Best story - Câu chuyện sáng tạo nhất" và nữ diễn viên Ngọc Thanh Tâm được vinh danh tại hạng mục "Giải đặc biệt của giám khảo" dành cho diễn viên xuất sắc.

Phim "Song Lang" giành nhiều giải thưởng quốc tế.


Cũng tại LHP này, phim "Cô Ba Sài Gòn" của Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn được giải "Trang phục đẹp nhất". Đồng thời, bộ phim cũng được nhà sản xuất Ngô Thanh Vân quyết định đưa đi tham gia Oscar 2019 ở hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất".

Đầu tháng 11-2018, LHP quốc tế Tokyo đã tổ chức lễ trao giải thưởng tôn vinh những bộ phim và diễn viên xuất sắc. Diễn viên Liên Bỉnh Phát - người vào vai Dũng "thiên lôi" trong "Song Lang" - đã được nhận giải thưởng "Tokyo Gemstone Awards" (Viên ngọc quý Tokyo) cùng 2 diễn viên Nhật Bản khác.

Đoàn làm phim "Cô Ba Sài Gòn".


Tại LHP Efebo d'Oro (Italia) vào tháng 11-2018, vượt qua nhiều ứng cử viên nặng ký, bộ phim "Đảo của dân ngụ cư" lại một lần nữa "rinh" về giải thưởng lớn. Trước đó, bộ phim này từng nhận được 8 đề cử tại LHP quốc tế ASEAN và nhận giải "Bộ phim xuất sắc nhất", "Nam diễn viên chính xuất sắc nhất" và "Đạo diễn hình ảnh xuất sắc nhất". Ngoài ra, phim còn lọt vào vòng tranh giải tại LHP quốc tế Brisbane 2017 (Australia)...

Trong hành trình "đem chuông đi đánh xứ người" của điện ảnh Việt, danh sách các bộ phim được vinh danh còn có "Ở đây có nắng" của đạo diễn trẻ Đỗ Nam. Phim giành giải "Phim Việt hay nhất" tại LHP quốc tế ý tưởng mới tại San Francisco (Mỹ) 2018. Bộ phim này trước đó cũng được đề cử tranh giải "Phim nổi bật nhất" trong khuôn khổ LHP Thiếu nhi quốc tế Seoul Guro vào tháng 5-2018. Tháng 11-2018, phim được trình chiếu lại LHP quốc tế châu Á (tại Barcelona).

Hẩm hiu trong nước

Thực tế, rất nhiều bộ phim Việt Nam thắng lớn tại các LHP quốc tế nhưng khi quay trở lại thị trường trong nước lại khá lận đận trong việc chinh phục khán giả nhà.

Sự ồn ào của bộ phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh vừa qua là một ví dụ điển hình. Phim “chinh chiến” tại nhiều LHP quốc tế và giành kha khá giải thưởng nhưng khi vừa công chiếu tại Việt Nam được ít hôm đã bị dư luận lên án mạnh mẽ, đến mức vào ngày 20-5, nhà sản xuất phải xin dừng công chiếu.

Sự phản ứng của người xem phim không chỉ dừng ở việc nhà sản xuất sử dụng diễn viên dưới 13 tuổi tham gia những cảnh quay nhạy cảm, không phù hợp mà còn bởi vì câu chuyện trong phim đã khác xa thực tế của xã hội Việt Nam bây giờ.

Phim "Vợ ba" giành nhiều giải thưởng quốc tế nhưng khi chiếu ở Việt Nam lại bị dư luận phản ứng vì nhiều nội dung không phù hợp.


Trước đó, hàng loạt bộ phim được lòng giới phê bình điện ảnh trong nước và quốc tế như “Song Lang”, “Đảo của dân ngụ cư”, “Cha cõng con”… cũng không thể làm nên kỳ tích tại các phòng vé trong nước dù đã giành nhiều giải thưởng quốc tế.

Ranh giới giữa dòng phim nghệ thuật và phim giải trí Việt rõ ràng chưa xóa được khoảng cách. Dòng phim nghệ thuật vẫn bị lấn át bởi phim giải trí, hài nhảm nhưng được quảng bá rầm rộ với nhiều “chiêu trò” hút khách. Một nguyên nhân khác khiến khán giả thờ ơ với các bộ phim đoạt giải bởi tâm lý e ngại phim khó xem. Đôi khi, các nhà làm phim khai thác những vấn đề xã hội quá gai góc, thậm chí là xa lạ với khán giả.

Nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng thốt lên rằng, làm một bộ phim dung hòa được yếu tố nghệ thuật và giải trí là vô cùng khó. Khán giả đôi khi chỉ thích xem những cái vui vẻ trước mắt, ngại xem những bộ phim cần độ “tĩnh" để thưởng thức.

Phim "Đảo của dân ngụ cư" của đạo diễn Hồng Ánh.


Nhìn sang một số nền điện ảnh thế giới, có thể thấy xu hướng các nhà làm phim đã bắt đầu kéo gần dòng phim nghệ thuật và giải trí. Nhiều bộ phim giành giải thưởng lớn ở các LHP như Oscar, Cannes… đều nhận được sự đón nhận của khán giả trên thế giới. Cách làm phim kiểu ẩn ý, nặng về ý tưởng, mang nhiều tính thể nghiệm không còn là sự lựa chọn của nhiều đạo diễn.

Phim Việt giành thắng lợi tại các liên hoan quốc tế, đó là niềm vui của những người làm điện ảnh nhưng chưa hẳn đã là một tác phẩm gần gũi, hấp dẫn với công chúng. Làm thế nào để dung hòa được dòng phim nghệ thuật và phim giải trí, để khán giả có thể cảm nhận được những điều đẹp đẽ trong tác phẩm điện ảnh là bài toán khó cho các nhà làm phim. Có lẽ, một trong những yếu tố quan trọng để khán giả tiếp cận được với tác phẩm, đó là việc tác phẩm cần được thông tin, quảng bá đúng cách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim Việt “xuất ngoại”: Bế tắc "thị trường nội"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.