Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khoác áo mới cho nhân vật cổ tích

Thụy Du| 02/06/2019 07:14

(HNM) - “Sắc màu tuổi thơ” - sân khấu chuyên nghiệp cho các vũ công nhí tỏa sáng, đã trở lại vào mùa hè này với chủ đề “Ngày xửa ngày xưa”, gồm 2 đêm diễn tối 29 và 30-6, tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô (Hà Nội).

Những nhân vật cổ tích được các em nhỏ hóa thân và thể hiện qua nhiều vũ điệu trên sân khấu.


Tiếp nối khát vọng thực hiện những sân khấu vũ kịch cho trẻ em Việt Nam vươn mình tỏa sáng, ở mùa thứ 3 năm nay, cặp vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Viết Thành (nhóm nhảy Big Toe) và biên đạo múa Chu Quỳnh Trang thử thách bản thân cùng các nghệ sĩ nhỏ tuổi ở kho tàng dân gian Việt Nam, thay vì những vũ điệu đầy màu sắc quốc tế như lần trước.

“Những câu chuyện cổ tích của Việt Nam luôn chứa đựng vẻ đẹp truyền thống và giá trị nhân văn. Nhưng để chuyển tải những câu chuyện vốn rất quen thuộc ấy trên sân khấu vũ kịch, để khán giả cảm nhận sự mới mẻ, hiện đại, thú vị không phải là điều dễ dàng. Song, chúng tôi tự tin sẽ phát huy được tài năng của các em nhỏ”, biên đạo múa Chu Quỳnh Trang chia sẻ.

Để thực hiện tác phẩm này, nghệ sĩ Nguyễn Viết Thành và Chu Quỳnh Trang đã dành hai năm chuẩn bị, một năm xây dựng ý tưởng và một năm tìm kiếm, đào tạo vũ công. Bên cạnh hai biên đạo chính kể trên, chương trình còn có sự góp mặt của đội ngũ nghệ sĩ đang tạo dấu ấn trên sân khấu nhảy, múa trong và ngoài nước như: Trung X, Hoàng Khải, Huỳnh Mến, Đức Ochir, Đăng Quân...

Nếu như mùa đầu tiên, năm 2015, “Sắc màu tuổi thơ” diễn ra trong 60 phút với 20 vũ công nhí, thì năm nay, chương trình đã có bước tiến vượt bậc với gần 80 vũ công nhí, trình diễn liên tục trong 70 phút.

“Ai cũng nghĩ thực hiện một buổi biểu diễn ca múa nhạc thiếu nhi dài 60-90 phút rất đơn giản, nhưng để làm một vở đại vũ kịch, với nội dung xuyên suốt, đòi hỏi chuyên môn cao ở các em nhỏ lại là thách thức rất lớn. Trẻ em vốn không có sự tập trung cao như người lớn, bởi vậy mỗi biên đạo, nghệ sĩ phải vừa là người hướng dẫn, vừa là người khuyến khích, động viên để các em cảm nhận, yêu thích nhảy múa và phát huy hết khả năng của mình”, biên đạo múa Chu Quỳnh Trang chia sẻ.

Đại vũ kịch “Sắc màu tuổi thơ” với chủ đề “Ngày xửa ngày xưa” gồm 8 hồi với các tuyến nhân vật lấy cảm hứng từ 4 truyện cổ tích: “Tấm Cám”, “Thánh Gióng”, “Thằng Bờm”, “Chú Cuội cung trăng”. “Sắc màu tuổi thơ” mở ra một thế giới cổ tích hoàn toàn mới lạ.

Ở đó, những vũ công nhí, là người kể chuyện, dẫn dắt khán giả vào các trò chơi tinh nghịch của chú Cuội, màn đổi quạt mo của Bờm với Phú Ông, màn thử hài của chị em Tấm Cám,… Tất cả thể hiện bằng âm nhạc và những vũ điệu từ dân gian đến hiện đại như latin, hip hop, ballet…

Không chỉ tập trung vào nhảy múa, trang phục, sân khấu của chương trình “Sắc màu tuổi thơ” cũng được thiết kế, chăm chút đặc biệt, vừa mang đậm nét dân gian, truyền thống, vừa phù hợp với chuyển động của vũ công, đồng thời rực rỡ sắc màu, khiến khán giả ngước lên sân khấu cảm giác như mình đang bước vào thế giới cổ tích thật sự.

Đầu tư thực hiện một vở vũ kịch của trẻ em và dành cho trẻ em luôn chứa đựng sự mạo hiểm. Nếu một vở diễn của người lớn, các đơn vị chỉ mất khoảng 3 tháng để hoàn thiện, độ bền tác phẩm cũng cao hơn nhờ tính ổn định của nghệ sĩ trưởng thành, thì một vở diễn với các nghệ sĩ nhí thường phải dành một năm để rèn giũa, tập luyện, như chương trình “Sắc màu tuổi thơ” lần này.

Nhưng hai nghệ sĩ Nguyễn Viết Thành và Chu Quỳnh Trang vẫn theo đuổi với suy nghĩ: “Không chỉ tạo nên một sân khấu chuyên nghiệp để các vũ công nhí thể hiện đam mê mà còn là lời nhắn nhủ đến xã hội, cần ủng hộ sự phát triển của trẻ cả về tri thức lẫn thể chất, để các em có cơ hội vươn lên, tỏa sáng trong tương lai”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khoác áo mới cho nhân vật cổ tích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.