Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phim về những người có giới tính khác biệt: Chân thực hơn, đồng cảm hơn

Ngọc Lan| 05/09/2019 10:47

(HNMCT) - Từ chỗ luôn bị gắn với hình ảnh “đồng bóng”, ăn mặc lòe loẹt, tính cách thất thường, những nhân vật thuộc cộng đồng LGBTQ (người đồng tính, song tính, chuyển giới...) ngày càng được phản ánh thực chất hơn trong các bộ phim điện ảnh Việt Nam, góp phần mang lại cách nhìn đúng đắn, nhân văn hơn về vấn đề này trong xã hội.

Cảnh trong phim Thưa mẹ con đi.

Đã neo được vào lòng khán giả

Bộ phim đang chiếu rạp Thưa mẹ con đi nhận được nhiều phản hồi tích cực. Đặt câu chuyện tình yêu của hai chàng trai trẻ trong một lần từ nước ngoài về thăm đại gia đình, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh đã dẫn dắt khéo léo, để lại nhiều dư vị cảm xúc cho người xem.

Năm ngoái, bộ phim Song lang cũng đề cập tới mối tình chưa kịp nở đã tàn lụi của chàng kép chính cải lương và tay đòi nợ thuê một cách rất tinh tế. Câu chuyện tình cảm được đặt trong bối cảnh nghệ thuật cải lương đang gặp khó khăn, không chỉ giãi bày được những trăn trở rất đỗi con người của hai nhân vật chính mà còn làm bật lên được tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật truyền thống đang dần mai một. Bộ phim đã góp mặt tại nhiều liên hoan phim trên thế giới và gặt hái hàng chục giải thưởng quốc tế.

Trước hai bộ phim này, cũng có một số phim chủ đề đồng tính được thực hiện khá tốt như Yêu (đạo diễn Việt Max), Lô tô (đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh)..., đặc biệt là phim Cha con và… (đạo diễn Phan Đăng Di) đã vào đến vòng tranh giải của liên hoan phim danh giá Berlin 2015. Bộ phim được cây viết phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm đánh giá “là một trong ít bộ phim nghệ thuật ở Việt Nam đạt đến vẻ đẹp thẩm mỹ của điện ảnh đương đại” trong cuốn sách 101 bộ phim Việt Nam hay nhất.

Ở mảng phim tài liệu, Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng cũng tạo nên hiện tượng và gây sốt vé khi ra rạp năm 2014. Bộ phim đã cho khán giả một cái nhìn sâu sắc hơn vào đời sống của những người chuyển giới sống một cuộc đời không biết tới ngày mai...

Dễ nhận thấy những bộ phim làm về LGBTQ - tên viết tắt của cộng đồng đồng tính luyến ái nữ (Lesbian), đồng tính luyến ái nam (Gay), song tính luyến ái (Bisexual), hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (Transgender) và người đa dạng tính dục (Queer) - gần đây có xu hướng xây dựng những nhân vật có số phận, tính cách dày dặn và đặt nhân vật trong bối cảnh xã hội đương đại với nhiều vấn đề phức tạp. Ở đó đạo diễn coi nhân vật là đứa con tinh thần của mình chứ không tận dụng nhân vật như một phương tiện để giải trí.

Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ: “Có rất nhiều phim sử dụng người LGBTQ là nhân vật hài và có xu hướng làm cho quá lố. Có thể họ không hề có ác ý, nhưng khi có quá nhiều phim xây dựng hình ảnh người LGBTQ như vậy thì họ đã vô tình tạo nên những ấn tượng không tốt về cộng đồng này. Cá nhân tôi khi làm Thưa mẹ con đi, dù trong phim có một cặp đôi đồng tính nhưng tôi nhìn họ như bao người bình thường khác. Họ cũng phải đối mặt với những vấn đề đời thường, những lựa chọn hết sức cá nhân, những ràng buộc với gia đình”.

Cần hiểu đúng về LGBTQ

Khoảng đầu những năm 2000, khi phim thị trường phát triển, nhân vật người đồng tính được xem như một dạng “phát hiện”. Sau vai má mì của cố diễn viên Anh Vũ trong phim Gái nhảy của đạo diễn Lê Hoàng, màn ảnh rộng tràn ngập hình ảnh người đồng tính, chuyển giới xuất hiện trong trang phục lòe loẹt, cử chỉ cường điệu và giữ vai trò nhân vật phụ gây cười. Sau đó đã bắt đầu xuất hiện những phim mà người đồng tính hoặc chuyển giới là nhân vật chính.

Nhưng rất nhiều phim bị thất bại không chỉ từ cách làm, mà còn từ cách nhìn của đạo diễn, dễ gây hiểu lầm về cộng đồng LGBTQ. Nhiều phim còn bị coi là thảm họa như Nàng men chàng bóng, Cảm hứng hoàn hảo… Phim Để Mai tính 2 đã bị cộng đồng LGBTQ phản ứng mạnh, vì lý do nhân vật Hội trong phim này được xây dựng như một người ám ảnh về tình dục, có thể gây nên những hiểu lầm về giới LGBTQ.

Năm 2015, Luật Hôn nhân và Gia đình có thay đổi đáng kể khi bãi bỏ quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Sau mốc thời gian này, màn ảnh rộng cũng nở rộ phim về LGBTQ. Riêng năm 2017 đã có một loạt phim ra rạp: Hotboy nổi loạn 2, Vali tình yêu, Lô tô, Xóm trọ 3D, Tao không xa mày…

Dù không phải phim nào cũng thành công về doanh thu hay được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, nhưng có thể thấy phim về LGBTQ ngày càng được chăm chút, thể hiện cái nhìn đúng đắn về giới.

Nhà tuyển chọn phim Marcus Mạnh Cường Vũ nhận định: “Cách các bộ phim điện ảnh nhìn về cộng đồng LGBTQ không tách rời với cách nhìn nhận của xã hội về cộng đồng này. Việt Nam là một quốc gia rất cởi mở, những năm gần đây đã có tiến bộ vượt bậc trong nhận thức về cộng đồng LGBTQ. Có thể trong quá khứ đã có nhiều bộ phim có cách thể hiện hình ảnh cộng đồng LGBTQ méo mó, gây ra những nhận thức sai về cộng đồng này và hiện tại vẫn có phim dùng nhân vật đồng tính hoặc chuyển giới với mục đích gây cười thuần túy. Nhưng tôi nhận thấy ngày càng có nhiều đạo diễn hiểu biết làm phim về LGBTQ rất tinh tế”.

Điều này cũng rất đúng với đánh giá của Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE): Các thông tin về LGBTQ trước đây không chỉ hạn chế về số lượng và chất lượng mà đa phần mang tính tiêu cực và chưa phản ánh đúng về cộng đồng LGBTQ.

Nhưng vài năm gần đây tình hình đã biến chuyển. Theo “Báo cáo nghiên cứu ảnh hưởng của hình ảnh người LGBTQ trên báo/trang tin điện tử và mạng xã hội Facebook đến tự áp lực thay đổi bản thân của người trẻ LGBTQ”, thời gian qua, hình ảnh về người LGBTQ đã dần thay đổi theo hướng tích cực hơn với số lượng, nội dung được phản ánh đa dạng và đúng thực tế hơn, các câu chuyện hạnh phúc nhiều hơn và đặc biệt là sự xuất hiện ngày một nhiều hơn trên truyền thông của những người nổi tiếng trong cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phim về những người có giới tính khác biệt: Chân thực hơn, đồng cảm hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.