Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vở rối “Mơ rồng”: Thử nghiệm táo bạo, thách thức người xem

Hoàng Lân| 22/09/2019 11:02

(HNMO) - Được đầu tư tiền tỷ, vở rối mới nhất của Nhà hát múa rối Thăng Long - “Mơ rồng” mang nhiều tính thử nghiệm táo bạo cho người xem. Tác phẩm này sẽ tham dự Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội 2019 sắp tới.

Vở rối kể về cuộc phiêu lưu của chú Tễu và rồng.

Cuộc chơi lớn của rối Thăng Long

Vở rối “Mơ rồng” do đạo diễn Lê Quý Dương dàn dựng mang nhiều tính thử nghiệm, phá bỏ nhiều chuẩn mực của múa rối truyền thống, trong đó có rối nước. Với quy mô dàn dựng hoành tráng, dàn rối được đầu tư đồ sộ, có thể xem, “Mơ rồng” là cuộc chơi lớn của Nhà hát múa rối Thăng Long.

“Mơ rồng” kể về giấc mơ của một nghệ sĩ tạo hình các nhân vật rối. Trong giấc mơ, anh chàng thấy Tễu và rồng Thăng Long chu du vòng quanh Trái đất, cùng đồng cảm trong việc tìm cách giải quyết các vấn đề “nóng” của nhân loại như: Biến đổi khí hậu, bắt cóc trẻ em, rác thải công nghệ, bệnh tật, đói nghèo, tranh chấp đại dương…

Chú Tễu cùng rồng Thăng Long và rồng châu Á chu du thế giới, chứng kiến nhiều vấn đề "nóng" của nhân loại.

Khán giả theo chân Tễu và rồng Thăng Long cứu rồng đất từ châu Á sau trận động đất kinh hoàng, chống trả bầy quạ dữ rồi cả ba trở thành bạn đồng hành. Họ gặp gia đình rồng vàng ở châu Âu, giúp rồng vàng bảo vệ đứa con khỏi nanh vuốt diều hâu và chó sói. Chuyến hành trình còn đưa họ tới châu Phi, châu Mỹ, châu Đại Dương giải quyết xung đột chiến tranh giữa cá sấu và khủng long, chiến đấu với đàn cá mập táo tợn để bảo vệ vùng biển…

Để thực hiện toàn bộ phần ý tưởng này, lần đầu tiên trên sân khấu rối nước, khán giả được xem những con rối có tạo hình với tỷ lệ như những con vật thật ngoài đời sống. Đó là những chú hươu cao cổ cao 3m, những con sư tử, cá sấu kích thước lớn, đàn lợn ngộ nghĩnh, khủng long bạo chúa giống thật, đàn quạ phát sáng và đặc biệt là những con rồng đủ kích thước ở dưới nước lẫn trên cạn… Tất cả đều mang tới những trải nghiệm hoàn toàn mới, hội tụ đầy đủ các loại hình múa rối: Rối nước, rối dây, rối que, rối bóng, rối người…

Cuộc xung đột của khủng long và cá sấu.

Bên cạnh đó, vở rối có nhiều kỹ xảo hiện đại với hệ thống đèn led biến ảo, hiệu ứng âm thanh lớn, được sáng tạo riêng cho vở do nhạc sĩ người Australia, Darin Verhagen đảm nhận. Những tiếng kêu của các con vật được thể hiện giống thật, từ tiếng kêu nhức nhối của đàn quạ, cho đến tiếng gầm hung dữ của sư tử…

NSƯT Lê Chí Kiên, phó đạo diễn của vở “Mơ rồng” cho biết, vở huy động 30 diễn viên, thể hiện ở các tầng không gian múa rối: Dưới nước, trên cạn, trên không. Toàn bộ phần thiết kế, tạo hình các con rối được làm trong 3 tháng với kinh phí 1 tỷ đồng. Vở diễn mang nhiều tính thử nghiệm mới, buộc diễn viên không chỉ nâng cao kỹ thuật múa rối truyền thống mà còn phải biến hoá như một diễn viên sân khấu với những động tác múa hình thể điêu luyện. 

Các nghệ sĩ múa rối không chỉ nâng cao kỹ thuật múa rối mà còn phải biến hóa trong diễn xuất hình thể.

“Vở diễn là thách thức đối với các nghệ sĩ khi phải vượt ngưỡng giới hạn của bản thân trong kỹ thuật diễn. Nhiều cảnh, nghệ sĩ phải nhảy xuống nước mà không có đồ bảo hộ, hay có những cảnh, họ phải nhập vai, thể hiện tính cách của các con rối từ cử chỉ cho đến nét mặt”, NSƯT Lê Chí Kiên nói.

Thách thức người xem

Truyền đạt thông điệp về hoà bình, nhưng cách thể hiện của “Mơ rồng” lại mang màu sắc ma mị, nhiều tính suy tưởng, thách thức ngay cả với khán giả.

Ngay từ đoạn đầu của vở này, những cảnh diễn gai góc khi diễn viên đeo mặt nạ dật dờ bước ra sân khấu kèm theo âm thanh chát chúa, ánh đèn mờ ảo… khiến người xem cảm giác như lạc trong một bộ phim kinh dị. Người yếu bóng vía có thể thấy sợ. 

Nhiều cảnh diễn của "Mơ rồng" đầy tính ma mị, dọa khán giả.

Đạo diễn Lê Quý Dương nhiều lần dặn dò, vở rối này không dành cho trẻ em dưới 10 tuổi. Tính tư tưởng và màu sắc kỳ bí của vở không thích hợp với trẻ em. Ngay cả người lớn, có thể sẽ cảm thấy gai người. Ê-kíp thực hiện muốn mang đến một cảm giác… ngộp thở, đè nén cảm xúc của người xem. Thử nghiệm ấy thấy nhiều trên phim ảnh, nhưng với rối, có lẽ đây là lần đầu tiên. 

Những cảnh xung đột bạo lực của những con vật trên sân khấu, hay việc những con rối lớn đột ngột xuất hiện phía sau khán giả mang đến những thách thức không nhỏ với khán giả quen xem múa rối truyền thống. Cảm giác sợ hãi, hoang mang, lo lắng là cảm xúc mà nhiều người lần đầu tiên xem, nhất là khi đàn quạ hung dữ với cặp mắt phát sáng, quang quác kêu, bay lượn xung quanh sân khấu. 

Tạo hình rối được đầu tư lớn, bắt mắt khán giả.

Sự ma mị của vở diễn không chỉ thể hiện bằng những kỹ xảo sân khấu, đèn led biến ảo, hiệu ứng âm thanh lớn với tiếng quạ kêu, sư tử gầm mà còn ở hình ảnh diễn viên múa rối thể hiện những động tác hình thể kỳ dị. 

“Chúng tôi muốn thách thức khán giả khi xem. Khi các diễn viên phải vượt ngưỡng giới hạn trong kỹ thuật biểu diễn thì khán giả cũng sẽ phải vượt ngưỡng của bản thân để xem vở này. Đây là vở mang tính thể nghiệm nên chúng tôi đón nhận cả sự thích và không thích của khán giả. Điều chúng tôi muốn là khán giả khi xem sẽ phải suy tưởng chứ không chỉ xem giải trí đơn thuần”, đạo diễn Lê Quý Dương cho biết.

Vở rối sẽ tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội 2019.

“Mơ rồng” sẽ diễn trong buổi khai mạc tại Festival các trường nghệ thuật sân khấu khu vực châu Á-Thái Bình Dương từ 24 đến 28-9 tới, trước khi tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế Hà Nội 2019 do Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vở rối “Mơ rồng”: Thử nghiệm táo bạo, thách thức người xem

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.