Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nguyễn Quang Long với hành trình đưa xẩm vào đời sống

Hoàng Lân| 13/12/2019 16:45

(HNMO) - Có thể nói Nguyễn Quang Long là một trong những cái tên không quá xa lạ của âm nhạc truyền thống nói chung và nghệ thuật hát xẩm nói riêng. Trong hơn 20 năm qua, anh cùng những cộng sự nỗ lực phục hồi và đưa nghệ thuật hát xẩm trở lại và quen thuộc với công chúng.

Nhà phê bình lý luận âm nhạc Nguyễn Quang Long trong buổi ra mắt album xẩm

Vốn sinh ra ở quê hương Kinh Bắc gắn với những câu hát quan họ, rồi theo học ngành thanh nhạc, lý luận âm nhạc ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nên trong Nguyễn Quang Long đã hội tụ hai con người: Một là nhà nghiên cứu lý luận và một là nghệ sĩ biểu diễn. Vì vậy, trong suốt quá trình phục hồi, lưu giữ và truyền bá những câu hát xẩm, Nguyễn Quang Long vừa ở vai trò một nhà nghiên cứu vừa trực tiếp hát những câu xẩm. 

Khi nhóm Xẩm Hà Thành được thành lập, chủ yếu là những nghệ sĩ trẻ thế hệ 7X, 8X, Nguyễn Quang Long đóng vai trò là người sáng tác và góp phần định hướng phong cách của nhóm. Xẩm vốn là một loại hình nghệ thuật dân gian nên công chúng chỉ biết tới qua những bài xẩm cổ như: Xẩm thập ân, xẩm tàu điện... Xẩm Hà Thành có thể xem là nhóm hoạt động năng nổ nhất ở Hà Nội, sáng tác nhiều bài xẩm lời mới, mang hơi thở của cuộc sống hiện đại. 

Nhiều bài hát của nhóm ra đời phản ánh những vấn đề “hot” của xã hội như: Xẩm trà đá, Xẩm sai Tiễu trừ cướp biển, Xẩm giao thông, Xẩm cá chết… hay những bài xẩm trữ tình tôn vinh nét đẹp của Hà Nội như: Bốn mùa hoa Hà Nội, Tứ vị Hà thành… Nguyễn Quang Long là người đóng góp quan trọng trong các sáng tác mới này, khi rất nhiều bài xẩm mới do anh đặt lời và biểu diễn cùng nhóm.

Vừa qua, Nguyễn Quang Long giới thiệu album xẩm đầu tiên của mình - Trách ông Nguyệt Lão - ghi dấu ấn hành trình 25 năm đi theo âm nhạc chuyên nghiệp và 20 năm theo nghiệp nghiên cứu, lý luận âm nhạc.

Album gồm 9 bài xẩm, đều là những sáng tác của Quang Long trong giai đoạn từ 2016 cho tới 2019. Trong đó, có 3 bài được khai thác từ thơ của hai thi sĩ thuộc hai thế hệ mà anh cảm thấy đồng điệu về tâm hồn đó là Nguyễn Bính và Hồng Thanh Quang để lồng điệu xẩm, là: Chân quê (Nguyễn Bính), Thôi em cứ việc lấy chồng và Nghĩ kỹ mà xem (Hồng Thanh Quang). 

Sáu bài còn lại gồm có: Bốn mùa hoa Hà Nội (sáng tác cùng Hồ Điệp) - bài xẩm đã được nhóm Xẩm Hà Thành phát hành MV vào mùa xuân năm 2016; Phố thu, Duyên phận tơ vòng, Ơ kìa, em gì đấy ơi!, Trách ông Nguyệt Lão, Dặn con.

Album xẩm "Trách ông Nguyệt Lão"

Nguyễn Quang Long quan niệm, dù là nghệ thuật nào thì cũng không thể sống được nếu không tiếp tục khơi nguồn dòng chảy để nó phù hợp với nhu cầu mang tính thời đại. Chính vì vậy, nhiều MV của nhóm Xẩm Hà Thành thực hiện có hình ảnh vừa đậm tính truyền thống lại vừa được sử dụng kỹ thuật làm MV phổ biến của âm nhạc đại chúng hiện nay nên đã thu hút được sự quan tâm của công chúng. 

Nguyễn Quang Long và nhóm rất chú trọng trong việc xây dựng hình ảnh, dù biểu diễn xẩm trên đường phố, trong không gian công cộng của phố đi bộ (hiện Xẩm Hà Thành thường xuyên biểu diễn tại khu vực Tượng đài vua Lê, trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận), hay trong những sản phẩm thu âm thì nhóm vẫn có sự đầu tư nhất định về hình ảnh, phục trang được thiết kế riêng.

Sau khi phát hành album “Trách ông Nguyệt Lão”, Nguyễn Quang Long cùng nhóm Xẩm Hà Thành bắt tay vào thực hiện một MV mới cùng tên. Hình ảnh của MV sẽ được thực hiện tại Hà Nội và Bắc Ninh để chào đón năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nguyễn Quang Long với hành trình đưa xẩm vào đời sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.