Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhìn lại kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của Hà Nội: Khởi sắc ở khu vực ngoại thành

Thống Nhất| 04/08/2022 06:51

(HNM) - Điểm nhấn đáng chú ý trong kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của thành phố Hà Nội là sự khởi sắc của các trường ở khu vực ngoại thành, trong đó có những trường còn nhiều khó khăn. Kết quả ấy góp phần làm nên thành quả chung của toàn ngành Giáo dục Thủ đô, với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,1%, cao hơn năm trước 0,2%. Sự chuyển dịch dù còn khiêm tốn, song là tín hiệu đáng mừng, cho thấy hiệu quả từ sự kiên trì triển khai các giải pháp, nhằm giảm khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn.

Thí sinh hoàn thành bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn). Ảnh: TTXVN

Những chuyển biến tích cực

Theo số liệu thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội về tốp các trường có điểm trung bình bài thi cao nhất của 9 môn thi, các trường tuyến huyện góp mặt ở nhiều môn, như: Ngữ văn, vật lý, hóa học, lịch sử, giáo dục công dân... Đáng chú ý, Trường Trung học phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn) xếp thứ 2 toàn thành phố về điểm trung bình môn ngữ văn; Trường Trung học phổ thông Quốc Oai (huyện Quốc Oai) xếp thứ 2 ở môn vật lý. Còn với môn hóa học, 50% số trường có điểm trung bình cao nhất là ở các huyện.

Đặc biệt, trong kỳ thi năm nay, Hà Nội có 3 thủ khoa toàn quốc của các tổ hợp khối tuyển sinh đại học: A00, A01 và B00, trong đó có một thủ khoa là học sinh ở khu vực ngoại thành: Em Nguyễn Ngọc Lễ, Trường Trung học phổ thông Quốc Oai.

Trong số 104 trường có tỷ lệ tốt nghiệp đạt 100%, xuất hiện không ít trường ở khu vực ngoại thành. Chẳng hạn, huyện Quốc Oai có 3 đơn vị đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%: Trường Trung học phổ thông Quốc Oai, Cao Bá Quát, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quốc Oai; huyện Đông Anh có Trường Trung học phổ thông Cổ Loa và Liên Hà; huyện Sóc Sơn có Trường Trung học phổ thông Minh Phú và Xuân Giang...

Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - đại học (Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội) Nguyễn Thị Diệp Hồng cho biết, ở kỳ thi năm 2021, Hà Nội không có trung tâm giáo dục thường xuyên nào đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100%, thì năm nay có 3 đơn vị. Hai trong số 3 đơn vị thuộc địa bàn vùng ngoại thành, là: Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quốc Oai và huyện Ứng Hòa. Đây là sự nỗ lực rất lớn, bởi “đầu vào” của các đơn vị không cao, nhiều học viên có hoàn cảnh khó khăn, vừa đi học, vừa đi làm và không ít học viên lớn tuổi...

Kiên trì mục tiêu chất lượng

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, lứa học sinh sinh năm 2004 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết thời gian học tập ở cấp trung học phổ thông theo hình thức trực tuyến, song kết quả tốt nghiệp lại rất ấn tượng. Có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực khắc phục khó khăn, kiên trì mục tiêu chất lượng của các trường học.

Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Dân (huyện Phú Xuyên) Trịnh Xuân Tình cho hay, là một trong số các trường có điểm “đầu vào” thấp nhất thành phố, ngay từ lớp 10, nhà trường đã tổ chức phân nhóm đối tượng học sinh; phân công giáo viên có kinh nghiệm để bồi dưỡng, phụ đạo thường xuyên cả trong và ngoài giờ chính khóa với những học sinh có học lực yếu, kém hoặc chưa chăm học... Trong kỳ thi năm nay, học sinh của trường đạt trung bình 7,12 điểm ở môn hóa học, xếp thứ 7 của thành phố.

Thành tích 100% học sinh đỗ tốt nghiệp, xếp thứ 9 thành phố về điểm trung bình môn giáo dục công dân… có được là do Trường Trung học phổ thông Xuân Giang (huyện Sóc Sơn) đã kiên trì triển khai nhiều giải pháp, nhằm khơi dậy sự nỗ lực, ham học của học sinh. “Kinh nghiệm của trường là dạy học bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình và cấu trúc đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. Tùy theo từng môn, các bài học luôn được mở rộng, liên hệ với thực tế. Nhà trường cũng tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm giúp các em thêm vững kiến thức và kỹ năng”, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Xuân Giang Nguyễn Văn Thành chia sẻ.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quốc Oai Nguyễn Văn Oanh thông tin, với 2/3 số giáo viên là hợp đồng, trung tâm luôn dành chế độ đãi ngộ tương xứng để tạo sự yên tâm, khích lệ tinh thần nhiệt huyết. Các giáo viên cũng được tạo điều kiện để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng. Sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên đã gặt hái được thành quả, với tỷ lệ 100% học viên đều tốt nghiệp.  

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định, những chuyển biến tích cực của giáo dục phổ thông trong năm học 2021-2022 là thành quả từ sự kiên trì triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nhằm giảm sự khác biệt về điều kiện dạy - học giữa các trường học ở nội thành và ngoại thành. Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục phát huy lợi thế, đẩy mạnh ưu thế ở các môn ngoại ngữ và toán học; xác định những mặt còn hạn chế, nhất là với một số môn có kết quả thi chưa cao so với các địa phương khác để tìm giải pháp khắc phục.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhìn lại kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 của Hà Nội: Khởi sắc ở khu vực ngoại thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.