Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực trên hành trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

Thống Nhất| 27/03/2023 12:06

(HNMO) - Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2023 vừa khép lại, song mở ra cho học sinh, sinh viên cả nước nhiều cơ hội. 80 dự án xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung kết cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp chỉ là những đại diện cho hàng nghìn sản phẩm ra đời mỗi năm ở các nhà trường. Nỗ lực tạo không gian, hỗ trợ cho học sinh, sinh viên khởi nghiệp là cam kết của các trường trong năm 2023.

Học sinh Hà Nội có 5 dự án dự thi đều giành giải.

Những mảng sáng

Năm 2023 là năm thứ 5, ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được Bộ Giáo dục và Đào tao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức. Hoạt động nhằm cụ thể hóa nội dung tại Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Qua 4 năm tổ chức, ngày hội khởi nghiệp thu hút sự tham gia của hơn 20.000 học sinh, sinh viên với hơn 2.500 dự án khởi nghiệp. Trong đó, 70% số dự án đã có sản phẩm, 30% số dự án đang có sản phẩm được sản xuất thử. Số dự án tham dự cấp trường, địa phương năm sau luôn cao hơn năm trước, thể hiện sự lan tỏa của hoạt động khởi nghiệp đối với học sinh, sinh viên. Năm 2023, chỉ tính riêng cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp”, đã có hơn 500 dự án gửi tham dự. 80 dự án xuất sắc nhất được chọn vào vòng chung khảo, gồm 30 dự án của học sinh và 50 dự án của sinh viên.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa thông tin, trong 30 dự án của học sinh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố, học sinh Hà Nội có 5 dự án được ban giám khảo đánh giá rất cao về ý tưởng và tính khoa học, tính thực tiễn. Kết quả, cả 5 dự án đều đoạt giải với 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba. Hà Nội là địa phương có nhiều giải nhất cuộc thi.

Đặc biệt, trong quá trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp, các nhà trường rất quan tâm định hướng việc triển khai các dự án dành cho cộng đồng. Năm 2022, các trường đại học đã chuyển giao được 3 mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh cho các địa phương thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. Đây được coi là điểm nhấn đáng chú ý trong hành trình khởi nghiệp của sinh viên, từ đó tạo sự tin tưởng để các doanh nghiệp, quỹ khởi nghiệp mạnh dạn đầu tư cho các ý tưởng khởi nghiệp của học sinh, sinh viên.

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh, ngày hội không chỉ là điểm khởi đầu dành cho học sinh, sinh viên muốn hiện thực hóa ước mơ khởi nghiệp của mình, mà còn là nơi kết nối giữa nhà trường - đơn vị đào tạo - doanh nghiệp - quỹ khởi nghiệp với cùng mục tiêu thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp. Tỷ lệ sinh viên khởi nghiệp bằng cách thành lập doanh nghiệp trong 5 năm gần đây được duy trì ở mức cao và ngày càng tăng.

Tạo không gian khởi nghiệp trong trường học

Kết quả trên có được từ sự chung sức của nhiều lực lượng, trong đó nhà trường là nơi khởi nguồn, có vai trò quan trọng từ việc phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển ý tưởng, biến ý tưởng thành hiện thực. Hành trình ấy đã và đang được các nhà trường gắn kết với các hoạt động đào tạo, đưa lý thuyết vào thực tế ngay từ trong từng bài giảng, từng hoạt động đào tạo của học sinh, sinh viên.

Là địa phương có nhiều giải nhất tại cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023” với 5/5 dự án tham gia đều đoạt giải, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Lưu Hoa cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội luôn coi việc đồng hành, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp trong học sinh là nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể hóa nhiệm vụ này, các trường phổ thông luôn tích cực triển khai giáo dục STEM, đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tăng cường ứng dụng thực tế. Các dự án đoạt giải sẽ tiếp tục được hỗ trợ nghiên cứu, phát triển để có thể ứng dụng thực tiễn.

Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Hải, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, đơn vị đã thành lập quỹ đầu tư BK-Fund với số vốn khoảng 35 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp cho sinh viên. Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội cũng thiết lập mạng lưới cán bộ hỗ trợ sinh viên nghiên cứu sáng tạo khởi nghiệp; kết nối các dự án của sinh viên với doanh nghiệp để hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm. Các thành viên trong hệ thống của Đại học Bách khoa Hà Nội còn phối hợp với các đơn vị tổ chức nhiều cuộc thi để sinh viên thể hiện tài năng như: Sáng tạo trẻ dành cho sinh viên các trường đại học kỹ thuật, khởi nghiệp Việt Đức, Ý tưởng đổi mới sáng tạo Panasonic...

Liên quan đến nội dung này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Minh cho biết, tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học đưa hoạt động khởi nghiệp thành môn học bắt buộc hoặc tự chọn tăng từ 30% vào cuối năm 2020 lên 48% vào cuối năm 2022. Đáng chú ý, 75% số cơ sở đào tạo đã tổ chức được các hoạt động đào tạo ngắn hạn cho sinh viên thông qua các lớp kỹ năng khởi nghiệp. Đây là những nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lưu ý các nhà trường, địa phương tiếp tục triển khai trong năm 2023. Bộ cũng sẽ sớm nghiên cứu và hình thành các quỹ hỗ trợ dưới dạng các quỹ quyên tặng, quỹ cộng đồng để hỗ trợ sinh viên, học sinh khởi nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực trên hành trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.