Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Nỗ lực của nhà trường, chưa đủ!

Minh Thúy - Thu Hằng| 12/05/2015 06:32

(HNM) - Trong khi ở nội thành, những trường tiểu học tổ chức ăn bán trú cho học sinh gặp nhiều khó khăn do đây chưa phải là nhiệm vụ thì ở ngoại thành, trường mầm non nơi công tác chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ được coi là nhiệm vụ chính cũng có những cái khó riêng.


Nỗ lực vượt khó

Ăn bán trú tại trường với cấp học mầm non từ lâu đã trở thành nhu cầu của các bậc phụ huynh ở vùng ngoại thành. Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các huyện Thạch Thất, Chương Mỹ, Quốc Oai, Phúc Thọ, Thanh Oai…, số trường tổ chức ăn bán trú thường là mầm non, còn ở cấp tiểu học, số trường tổ chức ăn bán trú cho học sinh rất ít, chủ yếu tập trung ở một số xã, thị trấn và các huyện ven đô. Đáng nói, suất ăn của các cháu ở trường mầm non ngoại thành rất thấp, từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng/suất/cháu/ngày…

Các cô nuôi ở Trường Mầm non Ngọc Tảo (Phúc Thọ) chia khẩu phần ăn cho từng lớp.



Có mặt tại Trường Mầm non thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai vào giờ cô nuôi đang chuẩn bị bữa ăn trưa cho các cháu, chúng tôi nhận thấy khu vực bếp ăn ngăn nắp, bếp được bố trí một chiều, bảo đảm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Bếp có hệ thống tủ hơi để nấu cơm, nấu cháo; bát đĩa sạch, khô ráo và trong tủ lạnh vẫn lưu mẫu từ bữa trước… Bên ngoài bếp có bảng thực đơn, đầy đủ các ngày trong tuần; bảng giá các loại thực phẩm chế biến hằng ngày. Tuy nhiên, do diện tích bếp ăn còn chật nên nhà trường chưa bố trí riêng biệt giữa khu vực chuẩn bị thực phẩm sống và nơi chế biến thức ăn chín. Hiệu trưởng Trường Mầm non thị trấn Quốc Oai Vương Thị Dung cho biết: Từ nhiều năm nay, 100% học sinh ăn bán trú tại trường, giá mỗi suất là 13.000 đồng/ngày. Với số tiền ít ỏi ấy, nhà trường vẫn phải có trách nhiệm lo đủ các nhóm chất dinh dưỡng cho các bé; đồng thời phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Trường có 4 nhân viên nấu ăn và đều có trình độ trung cấp, được khám sức khỏe định kỳ theo đúng quy định.

Gần 10h sáng 6-5, tại bếp ăn của Trường Mầm non Ngọc Tảo (Phúc Thọ), các cô nuôi ở đây đã chế biến gần xong thức ăn, đang chia khẩu phần cho từng lớp. Bếp ăn được trang bị khá đầy đủ, có thêm hệ thống máy sấy bát đĩa, từng khu vực chế biến được ngăn cách riêng, sạch sẽ với đầy đủ bảng biểu chi tiết liên quan đến thực đơn, giá thực phẩm. Theo bà Đỗ Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng thì nhà trường có 596 học sinh ở hai điểm, hiện nay, 100% học sinh đều ăn bán trú. Thực hiện nghiêm các quy định về ATVSTP, nhà trường chú trọng từ khâu kiểm tra thực phẩm đầu vào với sự giám sát của đại diện Ban giám hiệu, trưởng bếp và Hội cha mẹ học sinh. Nguồn thực phẩm đều được nhà trường ký hợp đồng cung cấp từ doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, thực phẩm được chứng nhận an toàn.

Nhiệm vụ khó khăn

Mặc dù hầu hết trường mầm non trên địa bàn ngoại thành đều quan tâm đến việc xây dựng và thực hiện bếp ăn tập thể bảo đảm ATVSTP, song cái khó nhất hiện nay là cơ sở vật chất của không ít nhà trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Có địa phương, trường mầm non nằm phân tán ở nhiều khu dân cư dẫn đến việc đầu tư kinh phí xây dựng bếp ăn khá tốn kém. Một số trường do chưa quy hoạch được khu bếp ăn, phải tận dụng phòng học cũ nên chật chội. Thêm nữa, giá thành suất ăn của học sinh các huyện ngoại thành quá thấp; nguồn nước sử dụng trong ăn, uống tại các trường rất thiếu (đa số các trường chưa có nước sạch, phải sử dụng giếng khoan, nước mưa, mua nước tinh khiết để nấu ăn hằng ngày) đang là "bài toán khó" trong công tác xây dựng bếp ăn bảo đảm an toàn.

Đơn cử, thị trấn Quốc Oai hiện có 2 trường mầm non công lập, với tổng số 5 điểm trường. Thực hiện chỉ đạo về việc xây dựng bếp ăn bán trú bảo đảm ATVSTP, hai trường đã đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị cho cả 5 điểm. Do số lượng học sinh ăn bán trú đông, cơ sở vật chất của nhà trường nói chung và lớp học nói riêng còn thiếu nên ít nhiều vẫn bị ảnh hưởng. Tại xã Văn Võ (Chương Mỹ), mặc dù nhà trường chỉ có một điểm chính, rộng rãi, bếp ăn đã được quy hoạch, năm học 2014-2015, đã áp dụng mô hình bếp ăn một chiều theo quy định, song do thiếu kinh phí nên hiện tại vẫn chưa mua sắm được trang thiết bị thiết yếu như máy sấy bát, bàn chế biến thức ăn sống, bàn đựng thức ăn chín... Nhà trường vẫn xây dựng đơn giá cho mỗi suất ăn/ngày của mỗi bé là 12.000 đồng, nhưng do thu nhập của phụ huynh có hạn nên chỉ thỏa thuận đóng ở mức 10.000 đồng/suất/ngày, khiến việc triển khai xây dựng bếp ăn bán trú tại Văn Võ gặp nhiều khó khăn. Tại huyện Thạch Thất, hiện 100% trường mầm non công lập đều tổ chức nấu ăn cho trẻ tại trường, tuy nhiên một số trường mầm non thuộc các xã Hữu Bằng, Cẩm Yên, Yên Trung… vẫn gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Tương tự, tại huyện Thanh Oai cũng tổ chức ăn bán trú ở 24/24 trường mầm non; riêng cấp tiểu học chỉ có 2 trường tổ chức ăn, song số suất ăn đăng ký ít và không đều…

Còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, giá thành suất ăn còn thấp…, nhưng hầu hết các trường mầm non ở khu vực ngoại thành đều quan tâm đến việc xây dựng bếp ăn bán trú cho trẻ bảo đảm đúng quy định, được phụ huynh học sinh ghi nhận. Để khắc phục những khó khăn nêu trên, đề nghị chính quyền các cấp, ngành giáo dục Thủ đô quan tâm đầu tư kinh phí, giúp các trường đủ điều kiện xây dựng bếp ăn đạt chuẩn, an toàn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Nỗ lực của nhà trường, chưa đủ!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.