Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến ban hành vào tháng 4-2018

Bảo Hân| 19/01/2018 20:20

(HNMO)- Chiều 19-1, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin về dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo.

*Bạn đọc tham khảo giới thiệu tóm tắt dự thảo các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình  GDPT mới tại đây

GS Nguyễn Minh Thuyết thông tin về chương trình GDPT mới. Ảnh: Như Ý


GS. Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình GDPT mới cho biết, chương trình có 20 môn/hoạt động giáo dục. Trong đó, có những môn học bắt buộc xuyên suốt từ lớp 1 đến lớp 12 như Tiếng Việt/ngữ văn, toán, giáo dục công dân, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp....

Chương trình mới thực hiện tích hợp các môn và liên môn. Một số môn học tích hợp mới như: lịch sử và địa lý (cấp THCS), khoa học (cấp tiểu học), khoa học tự nhiên (THCS), giáo dục kinh tế và pháp luật; một số môn học/hoạt động giáo dục lần đầu tiên được đưa vào chương trình dưới hình thức bắt buộc là hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tin học; hay môn học tự chọn ở cấp THPT như môn nghệ thuật…

Sau khi công bố dự thảo các chương trình môn học, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện chương trình trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân. Các công việc tiếp theo là thẩm định và ban hành chương trình; tập huấn cho các đối tượng khác nhau (giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở cơ sở, người biên soạn thẩm định sách giáo khoa (SGK) về chương trình biên soạn, thực nghiệm SGK theo lộ trình; thẩm định, phê duyệt SGK; tập huấn cho các đối tượng khác nhau về SGK; chỉ đạo triển khai chương trình GDPT mới theo lộ trình.

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho biết thêm, dự kiến tháng 4-2018, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành Chương trình GDPT mới. Và hiện nay do chưa có chương trình chính thức ban hành nên chưa thể khởi động việc viết SGK.

Trả lời câu hỏi sách giáo khoa cho chương trình mới sẽ được thiết kế ra sao, GS Nguyễn Minh Thuyết nêu, theo Nghị quyết 88/2014/QH13 "Về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" của Quốc hội, nhiều tổ chức, cá nhân có thể tham gia viết SGK, đưa ra các ý tưởng riêng để thiết kế sách hiệu quả.

"Làm thế nào để SGK mới không quá tải? - Trong quá trình tập huấn viết SGK, thẩm định SGK, Bộ sẽ bám sát các yêu cầu, các mốc thẩm định sao cho không quá tải nhưng cũng không quá "non". Do sắp tới không chỉ có một bộ SGK mà nhiều bộ sách nên chuyện quá tải hay không cũng là một yếu tố cạnh tranh. Các thành viên soạn thảo chương trình mới có sự hiểu biết sâu nên sẽ có nhiều thuận lợi và cũng có quyền được tham gia biên soạn SGK. Họ viết cho bộ sách nào là do tổ chức đó mời" - GS Thuyết cho biết.

Về hình thức thi tốt nghiệp THPT, từ nay đến năm 2020, hình thức thi tốt nghiệp được giữ ổn định như hiện nay. Tuy nhiên, từ năm 2020 trở đi sẽ có sự thay đổi để phù hợp với chương trình GDPT mới. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã tổ chức đấu thầu và tuyển chọn Trung tâm Đo lường và kiểm định chất lượng giáo dục để nghiên cứu, báo cáo Bộ về chuẩn bị đổi mới hình thức đánh giá năng lực học sinh, trong đó có thi tốt nghiệp THPT.

Về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, ngay từ đầu, khi bắt tay xây dựng chương trình, Bộ đã hết sức quan tâm đến việc kiểm tra, điều tra đội ngũ giáo viên hiện nay về số lượng từng cấp học, từng môn học và rà soát nội dung tập trung bồi dưỡng cho giáo viên. 

Để chuẩn bị cơ sở vật chất, Cục Cơ sở vật chất, Bộ GD&ĐT được giao nhiệm vụ rà soát, thống kê toàn bộ tình trạng cơ sở vật chất hiện nay ở các địa phương, lên kế hoạch để thực hiện tốt chương trình này.

Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, chương trình mới phải phù hợp với điều kiện thực tế ở Việt Nam và thực tiễn các vùng miền khác nhau. Do đó, các môn học này không đòi hỏi cơ sở vật chất quá đặc biệt.

Với mỗi chương trình đều có quy định, định hướng về cơ sở vật chất. Tới đây, Bộ sẽ ban hành thông tư về thiết bị dạy học.

"Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị chu đáo để triển khai chương trình thuận lợi" - GS Thuyết khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến ban hành vào tháng 4-2018

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.