Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm an toàn cho trẻ tại trường học: Cẩn trọng từ điều nhỏ nhất

Minh Ngọc| 13/01/2019 08:29

(HNM) - Giúp học sinh có điều kiện phát triển tốt nhất cả về thể lực và trí lực, đến thời điểm này, đa số trường học trên địa bàn TP Hà Nội đã xây dựng mô hình “trường học an toàn”.


Bảo đảm an toàn những bữa ăn

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, toàn thành phố hiện có gần 2.800 trường học có bếp ăn bán trú. Đa số bếp ăn nhập thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, an toàn, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo từng lứa tuổi. Nguồn nước sử dụng hằng ngày hợp vệ sinh. Nhân viên nhà bếp được khám sức khỏe định kỳ, được tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm... Nhờ đó, số đông học sinh ở Thủ đô có những bữa ăn bán trú an toàn, chất lượng.

Bữa ăn bán trú an toàn, chất lượng giúp học sinh phát triển tốt cả thể lực và trí lực. Ảnh: Bá Hoạt


Dù nhận được sự quan tâm, đầu tư, nhưng đâu đó vẫn xảy ra những vụ ngộ độc thực phẩm từ các bếp ăn trường học. Điển hình là vụ ngộ độc thực phẩm tập thể với hơn 200 học sinh của Trường Mầm non Xuân Nộn (huyện Đông Anh) vào tháng 11-2018 khiến dư luận hoang mang. Sau vụ việc này, các nhà trường quan tâm nhiều hơn đến chất lượng bữa ăn từ bếp ăn bán trú.

Tuy nhiên, qua đợt kiểm tra thực tế vào cuối năm 2018, ngành Y tế vẫn phát hiện một số điểm chưa hợp lý tại các bếp ăn trường học. Lấy ví dụ về mẫu xúc xích trong bữa ăn trưa của Trường Tiểu học Nam Hồng (huyện Đông Anh), bác sĩ Nguyễn Tiến Cương, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Anh phân tích: "Xúc xích được cắt đôi, chẻ dọc thành hình bông hoa 4 cánh, rồi đem rán lên trong khoảng thời gian 3 phút chưa thể làm chết các vi khuẩn không có lợi. Với loại thức ăn này, nhân viên nhà bếp cần chẻ nhỏ hơn, khi rán phải chín nóng tới phần lõi mới an toàn".

Đáng lưu ý, nhiều đơn vị chưa quan tâm đến những chi tiết nhỏ như lắp đặt lưới chắn côn trùng cho cửa sổ nhà bếp; để sàn bếp ướt, trơn trượt; không đóng kín nắp bồn nước, bể nước… “Chỉ một sơ suất nhỏ, côn trùng, chuột bọ có thể chui vào khu vực chế biến thức ăn làm tổ, sinh sôi, gây dịch bệnh, gây ô nhiễm nguồn nước”, bà Chử Thị Chung, Trưởng khoa Sức khỏe môi trường và y tế trường học, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cảnh báo.

Cùng với sự nỗ lực của nhà trường, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể ở địa phương tăng cường kiểm tra toàn bộ cơ sở chế biến suất ăn, nguồn cung cấp thực phẩm cho trường học, theo dõi chặt chẽ sự cố về an toàn thực phẩm, dẹp bỏ hàng rong quanh cổng trường.

“Các con đến trường ăn món gì, món ăn đó có đủ dinh dưỡng, hợp vệ sinh không luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh. Hy vọng, sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng sẽ góp phần hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ ngộ độc thực phẩm trong trường học”, chị Nguyễn Thị Nhị, phụ huynh học sinh lớp 4A, Trường Tiểu học Lương Yên (quận Hai Bà Trưng) bày tỏ.

Chủ động phòng, chống tai nạn thương tích

Chú trọng bảo đảm an toàn cho học sinh, các nhà trường còn triển khai bài bản chương trình phòng, chống tai nạn thương tích. Đơn cử như Trường Mầm mon Kim Chung (huyện Đông Anh) đã lắp đặt hệ thống bảng, biển tuyên truyền, hướng dẫn giáo viên, phụ huynh, học sinh tổ chức sinh hoạt, vui chơi sao cho an toàn ở mọi nơi. Thế nhưng tiếc rằng, những kiến thức, kỹ năng đó không được Trường Mầm non Kim Chung áp dụng triệt để.

Tại lớp B1 của trẻ 4-5 tuổi có một số vật sắc nhọn, ổ điện ở tầm thấp. Góc bán hàng có những móc treo nhô ra ngoài khoảng 10cm, cánh cửa có đinh dài. Ngoài hành lang, phía chân cầu thang có bình ga nằm lăn lóc, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ; các lớp học khác cũng có những chi tiết chưa bảo đảm an toàn. Hộp chống sốc và một số thiết bị y tế của nhà trường chưa đúng quy chuẩn…

Lý giải tình trạng này, bà Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kim Chung cho biết, số trẻ của trường quá tải so với cơ sở vật chất đã xuống cấp. Nhà trường phải đưa phần lớn đồ đạc, trang thiết bị ra ngoài để lấy diện tích làm lớp học.

Cũng vì cơ sở vật chất chật, xuống cấp, nhiều trường học khác trên địa bàn TP Nội dù đã triển khai bài bản chương trình phòng, chống tai nạn thương tích, nhưng không thể đẩy lùi hoàn toàn nguy cơ gây tai nạn. Ví như Trường Mầm non Thụy An (xã Thụy An, huyện Ba Vì) chưa có phòng y tế riêng, thiếu các trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy.

Trường THCS Yên Nghĩa (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông) thiếu rào chắn sang dãy phòng học xuống cấp bị bỏ không, có thể đổ sập bất kỳ lúc nào… Để khắc phục, đại diện các nhà trường thống nhất kiến nghị UBND TP Hà Nội và chính quyền các địa phương quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị dạy và học; xây dựng mô hình “trường học an toàn” song song, lồng ghép với mô hình “ngôi nhà an toàn”, “cộng đồng an toàn”…

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho rằng, giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích hiệu quả nhất chính là ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng. Vì thế, trước khi có sự hỗ trợ từ bên ngoài, đội ngũ cán bộ, giáo viên các nhà trường cần chủ động loại bỏ nguy cơ gây tai nạn thương tích; đồng thời trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm an toàn cho trẻ tại trường học: Cẩn trọng từ điều nhỏ nhất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.