Theo dõi Báo Hànộimới trên

Học sinh mong có cái Tết không bài tập về nhà

Theo Đặng Chung/Lao động| 29/01/2019 10:50

Trong khi giáo viên sợ học sinh quên kiến thức nên thường “lì xì” học sinh bằng bài tập về nhà, thì học sinh lại chỉ mong được vui tết và không phải nơm nớp lo chuyện làm bài tập.

Phần lớn học sinh đều có mong muốn được vui Tết trọn vẹn, không phải lo chuyện bài tập về nhà.


Ăn tết mất vui vì lo bài tập

Nhiều trường học trên cả nước đã bắt đầu bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2019, hoặc có kế hoạch để học sinh vui xuân, đón tết. Có điều, dù học sinh háo hức bước vào kỳ nghỉ nhưng vẫn canh cánh nỗi lo.

Những giờ qua, trên diễn đàn “Trường người ta” dành cho học sinh, sinh viên cả nước, những bức ảnh chia sẻ về cách giáo viên giao bài tập tết đã nhận được hàng nghìn lượt bình luận và chia sẻ.

Có học sinh than thở về “núi bài tập” mà giáo viên cho, bạn khác lại hồ hởi khoe năm nay được ăn Tết trọn vẹn vì không có bài tập về nhà. Rất nhiều học sinh bày tỏ: “Tiền lì xì cũng không vui bằng kỳ nghỉ tết không bài tập”.

Một học sinh chia sẻ bức ảnh về việc cô giáo không giao bài tập về nhà dịp Tết khiến các học sinh khác "ghen tị".


Khi thực hiện khảo sát với hơn 20 học sinh, với cùng một câu hỏi: “Có muốn giáo viên giao bài tập về nhà trong kỳ nghỉ Tết không?”, phóng viên nhận lại câu trả lời là “Không muốn”. Các em mong có một cái Tết “không bài tập về nhà”.

Nói về lý do không muốn giáo viên giao bài tập dịp Tết, Phạm Xuân Hoa (học sinh Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy) cho biết: “Đang ăn Tết, vui Tết, mà cứ lo nghĩ chưa làm bài tập, thực sự ăn Tết cũng không vui.

Em nghĩ thầy cô không nên giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết. Bởi trong khi điều giáo viên mong muốn là mỗi ngày học sinh sẽ dành ra khoảng 1-2 tiếng để làm bài tập, để đỡ quên kiến thức, nhưng khả năng này rất ít khi xảy ra, trừ những trường hợp cực kỳ chăm học.

Bao giờ học sinh cũng có tâm lý, hoặc là làm hết bài cô giao trước Tết để ăn Tết thật ngon, hoặc là sẽ đợi đến khi gần hết ngày nghỉ mới cắm đầu vào làm. Rồi xảy ra tình trạng mượn bài của nhau để chép.

Trong khi đó, hầu hết thầy cô vẫn phải dành thời gian để ôn lại sau tết. Chi bằng, không nên giao bài về nhà, để học sinh tránh áp lực, căng thẳng, có nhiều thời gian hơn để trải nghiệm Tết cùng gia đình”.

“Được trải nghiệm Tết là bài học ý nghĩa nhất”

Cũng như bạn bè, Đoàn Hồng Trang (lớp 10 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam) mong có cái Tết không bài tập về nhà. Tuy nhiên, em cho rằng việc giáo viên giao bài tập cũng là muốn tốt cho học sinh.

“Nếu học sinh dành toàn bộ kỳ nghỉ Tết cho việc vui chơi, không động đến sách vở sẽ rất dễ có cảm giác lười học, ngại học sau Tết. Quan trọng hơn là sẽ bị quên kiến thức, nhất là với những người chuẩn bị bước vào kỳ thi chuyển cấp. Một khi đã bị quên kiến thức thì sẽ mất thời gian học lại, cũng gây căng thẳng và mệt mỏi không kém” - Trang chia sẻ.

Nhiều học sinh mong muốn có thêm thời gian để trải nghiệm Tết bên gia đình.


Theo học sinh này, giáo viên nên giao bài tập, nhưng không nên quá nhiều. Mỗi ngày chỉ nên yêu cầu học sinh làm một bài toán, viết một đoạn văn. Thời gian cho việc này chiếm một khoảng từ 1-2 tiếng.

Quan trọng nhất, Tết là khoảng thời gian quý giá để học sinh nghỉ ngơi, sum họp bên gia đình và được trải nghiệm Tết. Đây là những bài học ý nghĩa từ cuộc sống, mà không sách vở nào sánh được.

Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội), với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài sắp tới, phụ huynh nên có kế hoạch cho con em được vui chơi nhưng vẫn dành thời gian ổn định sinh hoạt trước khi đi học trở lại.

Ví dụ, khoảng 2 ngày cuối kỳ nghỉ Tết, phụ huynh có thể tập thói quen cho con mình học tập như những ngày đi học trước đó. Việc này sẽ giúp học sinh thích nghi nhanh, tránh tâm lý uể oải trở lại học sau Tết.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Học sinh mong có cái Tết không bài tập về nhà

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.