Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa tình yêu khoa học

Khánh Vũ| 03/03/2019 08:04

(HNM) - Được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 dành cho nhà khoa học trẻ, Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn, giảng viên Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, không chỉ đi sâu nghiên cứu vấn đề “nóng” của ngành Vật lý thế giới mà còn luôn tâm huyết với việc lan tỏa tình yêu khoa học...

Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn - người được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 dành cho nhà khoa học trẻ.


Gặp gỡ Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn, sinh năm 1985, vào một ngày cuối năm Mậu Tuất, chúng tôi bắt đầu câu chuyện một cách thú vị về công trình của anh đã được trao giải Tạ Quang Bửu: “Lý thuyết hấp dẫn phi tuyến nhiều chiều có khối lượng”. Công trình được công bố trong Physical Review D, tạp chí khoa học uy tín hàng đầu trong lĩnh vực vật lý.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn cho biết, trước đây hầu hết các công trình về lý thuyết hấp dẫn phi tuyến có khối lượng đều tập trung nghiên cứu trong không gian - thời gian bốn chiều. Để giải thích được một số hiện tượng vật lý và vũ trụ học, người ta phải mở rộng lý thuyết này lên không gian - thời gian có số chiều lớn hơn bốn. Các kết quả tính toán từ công trình của anh cho thấy hoàn toàn có thể mở rộng lên không gian - thời gian năm chiều hoặc cao hơn nữa. Đây cũng là chủ đề nghiên cứu rất “hot” trong lĩnh vực vật lý và vũ trụ học hiện nay.

Khi theo học ngành Vật lý lý thuyết tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đỗ Quốc Tuấn không ngờ mình sẽ đi sâu vào chủ đề nghiên cứu còn hết sức mới này ở Việt Nam. Thời điểm bước ngoặt là khi anh giành được học bổng thạc sĩ để theo học tại Đại học Chiao Tung, Đài Loan (Trung Quốc) năm 2008. Khi vào trường anh mới được thầy hướng sang lĩnh vực vũ trụ học. Sau một thời gian bỡ ngỡ, anh đã say mê nghiên cứu trong suốt 7 năm từ thạc sĩ chuyển tiếp lên tiến sĩ.

Khi bản thảo công trình được phổ biến trong giới khoa học, Tiến sĩ Tuấn đã nhận được những phản hồi tích cực của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực vũ trụ học. Công trình của anh chỉ 2 tháng sau đã được đăng tải mà không phải chỉnh sửa nội dung, trong khi thông thường thời gian công bố trên các tạp chí khoa học uy tín thường mất từ 4 đến 6 tháng, thậm chí cả năm và phải trải qua nhiều vòng phản biện.

Khi được hỏi về những băn khoăn khi quyết định trở lại Việt Nam để tiếp tục nghiên cứu khoa học trong một lĩnh vực còn quá mới, Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn thừa nhận anh đã không khỏi cảm thấy áp lực trước nỗi lo về cơm áo gạo tiền, về điều kiện làm khoa học còn nhiều hạn chế tại Việt Nam. Tuy nhiên, “tôi luôn tâm niệm cần phải làm gì đó góp ích cho khoa học nước nhà. Nếu tiếp tục nghiên cứu ở nước ngoài, tôi có thể thêm vài công bố. Song điều quan trọng hơn là sự cần thiết phải đào tạo ra thế hệ nghiên cứu tương lai. Hơn hết vẫn là tình yêu với khoa học, khi yêu người ta có thể chấp nhận đương đầu với tất cả và sẵn sàng đánh đổi”, Tiến sĩ Tuấn chia sẻ.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Tuấn tin rằng môi trường làm khoa học ở Việt Nam chắc chắn sẽ ngày một tốt lên. Theo anh, hiện nay có một cơ chế hỗ trợ rất hữu hiệu với các nhà khoa học, nhất là nhà nghiên cứu trẻ, đó là Quỹ Nafosted với mô hình tài trợ cho khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế minh bạch, khách quan, bình đẳng. Với tâm niệm hình thành một thế hệ nghiên cứu kế cận, Tiến sĩ Tuấn cho biết anh đang “truyền lửa” đam mê khoa học cho các sinh viên, học viên để gây dựng một nhóm những bạn trẻ cùng tham gia nghiên cứu. Anh nhận thấy một thực tế là nhiều bạn trẻ đã tìm được tình yêu với khoa học, với việc nghiên cứu khi được những người đi trước truyền cảm hứng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa tình yêu khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.