Theo dõi Báo Hànộimới trên

Góp phần nâng cao chất lượng đầu tư cho giáo dục

Hoài Thanh - Linh Nhi| 16/03/2019 07:33

(HNM) - Chính phủ vừa báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết quả lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đồng thời nêu quan điểm của Chính phủ về một số vấn đề, trong đó đồng ý việc miễn học phí bậc trung học cơ sở theo lộ trình.



Miễn học phí bậc trung học cơ sở theo lộ trình là chủ trương nhân văn và phù hợp với chương trình đổi mới toàn diện giáo dục - đào tạo. Ảnh: Nhật Nam


Chị Lê Bích Lan, phường Bồ Đề (quận Long Biên): Bước tiến lớn ở lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo


Có hai con đang học cấp tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và nhiều năm tham gia trong Ban Phụ huynh học sinh nên tôi hiểu rõ mối quan tâm của các bậc cha mẹ khi bước vào năm học mới là các khoản phụ thu. Đặc biệt, điều mong muốn của họ là cơ sở vật chất trường học phải được đầu tư tốt, không nên cứ đến đầu năm học nhà trường lại kêu gọi đóng góp cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị hỗ trợ dạy học... Hiện nhu cầu của phụ huynh là phải nâng cao chất lượng giáo dục cho phù hợp với xu thế phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0. Do vậy, việc cần làm là tăng đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, giảm số lượng học sinh trong mỗi lớp học để nâng cao chất lượng dạy và học. Lần này, nếu chính sách miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS được Quốc hội thông qua thì phụ huynh rất phấn khởi và đây là một bước tiến lớn của ngành Giáo dục và Đào tạo.

Bà Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Tâm (quận Hai Bà Trưng): Chủ trương hợp lòng dân

Nếu Luật Giáo dục (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, đồng nghĩa việc miễn học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi và học sinh THCS công lập thành hiện thực. Đây là chính sách phù hợp xu thế phát triển và nâng cao chất lượng công tác chăm lo, đầu tư cho giáo dục của đất nước ta. Dù ở góc độ là phụ huynh hay giáo viên, trước tiên tôi thấy rất vui vì Nhà nước có chính sách thiết thực, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đối với sự nghiệp “trồng người”. Đây còn là chủ trương hợp lòng dân, nhất là những học sinh, phụ huynh được thụ hưởng trực tiếp quyền lợi này. Đặc biệt, với những hộ khó khăn và cận nghèo, hoặc cha mẹ là công nhân, viên chức có hai con đang theo học các cấp học này thì sẽ giảm đi một phần gánh nặng về tài chính.

Anh Lê Tiến Mạnh, phường Nhật Tân (quận Tây Hồ): Hạn chế khoản thu trái quy định dưới các hình thức

Khi nghe tin đề xuất miễn học phí bậc học THCS, trẻ em mầm non 5 tuổi... tôi rất vui. Đặc biệt, chủ trương này rất có ý nghĩa với những gia đình thu nhập thấp, hoặc đang nuôi con tuổi đến trường. Tôi rất mong chủ trương này sớm được Quốc hội thông qua và thực hiện. Tuy nhiên, tôi rất băn khoăn, vì thực tế Luật Giáo dục hiện hành quy định: Ngoài học phí, người học không phải nộp khoản nào khác, nhưng hiện nay phụ huynh học sinh phải đóng nhiều khoản thu khác, như: Học 2 buổi/ngày, chăm sóc bán trú, học phẩm học sinh mầm non… Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu; nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu cơ sở giáo dục vi phạm. Tôi tin tưởng khi Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua, sẽ hạn chế tình trạng thu các khoản trái quy định dưới hình thức tự nguyện, xã hội hóa...

Chị Bùi Thu Nga, Khu đô thị Đặng Xá, xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm): Miễn học phí đi đôi với nâng cao chất lượng dạy và học

Chủ trương miễn học phí bậc THCS, trẻ em mầm non 5 tuổi..., được phụ huynh và học sinh trông đợi, bởi có tác động trực tiếp đến đời sống hàng triệu gia đình đang có con đi học. Điều này cũng thể hiện quyết tâm thực hiện việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều phụ huynh lo lắng bởi các khoản phụ phí còn nhiều hơn học phí. Thậm chí ở một số nơi, phụ huynh phải đóng góp các khoản ngoài học phí cao khiến những gia đình ở vùng khó khăn không thể xoay xở lo cho con theo hết các bậc học phổ thông. Chính vì vậy, cần có các chế tài kiểm soát chặt chẽ các khoản thu ngoài học phí ở trong trường học bên cạnh việc miễn học phí; đặc biệt, khi triển khai miễn học phí cần đi đôi với thực hiện các giải pháp nâng chất lượng dạy và học.

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội: Bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu

Trên cơ sở định mức phân bổ ngân sách chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục đã được HĐND thành phố Hà Nội quyết nghị, sau khi giảm trừ phần thu học phí, hằng năm ngân sách của thành phố bố trí dự toán chi thường xuyên cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề chiếm khoảng 31%. Nếu dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được thông qua với quy định miễn học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, THCS công lập; hỗ trợ tiền đóng học phí cho trẻ em mầm non 5 tuổi cơ sở giáo dục dân lập, tư thục và học sinh tiểu học, THCS tư thục, hằng năm ngân sách thành phố Hà Nội dự kiến chi thêm khoảng 876 tỷ đồng. Trên cơ sở số dự báo tăng thu ngân sách hằng năm, ngân sách thành phố Hà Nội sẽ bảo đảm cân đối được số dự kiến tăng chi ngân sách nêu trên. Thời gian tới, Sở Tài chính tiếp tục phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND thành phố trình HĐND thành phố Hà Nội xem xét, bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện các chế độ, chính sách mới do Nhà nước ban hành. Đặc biệt là chế độ, chính sách trong lĩnh vực giáo dục để bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục là quốc sách hàng đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp phần nâng cao chất lượng đầu tư cho giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.