Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giáo dục nghề nghiệp nhìn từ Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội: “Bốn nhà” cùng có lợi

Minh Ngọc| 31/03/2019 07:03

(HNM) - Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề và trình độ; đồng thời, phổ cập nghề cho người lao động là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp của thành phố Hà Nội đến năm 2030...

Không gian học tích hợp giảng dạy lý thuyết và thực hành tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội.


Bài đầu: Tạo niềm tin cho người học nghề

Để có nguồn đầu vào đủ về số lượng, đa dạng về ngành nghề, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội đã tạo niềm tin cho người học nghề, làm nghề bằng cách coi công tác tuyển sinh là tuyển dụng, lấy hiệu quả đào tạo để tạo dựng uy tín, thương hiệu.

Tuyển sinh là tuyển dụng

Những ngày tháng 3, cùng với mạng lưới giáo dục nghề nghiệp của cả nước, Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội (HHT) sôi nổi tư vấn tuyển sinh năm học 2019-2020 qua nhiều kênh khác nhau, ở nhiều địa điểm khác nhau.

Đến điểm tư vấn tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Hai Bà Trưng (huyện Thạch Thất) diễn ra ngày 21-3, phóng viên Báo Hànộimới chứng kiến khoảng 500 học sinh khối 12 háo hức tìm hiểu về các ngành, nghề đào tạo của đơn vị này. Điểm thu hút các em nhiều nhất đó là HHT cam kết giải quyết việc làm cho tất cả sinh viên, nếu tốt nghiệp đạt chuẩn đầu ra, với mức thu nhập từ 5 đến 15 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, các em có cơ hội học nghề chất lượng cao theo tiêu chuẩn khu vực, quốc tế với những nghề xã hội đang cần như cơ điện tử, thiết kế đồ họa, điện công nghiệp, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, chăm sóc sắc đẹp… Sau thời gian suy nghĩ, em Phùng Phương Lan, lớp 12A5 và hàng chục học sinh khối 12, Trường THPT Hai Bà Trưng quyết định điền thông tin vào phiếu đăng ký học của HHT. Phương Lan cho biết: “Em thấy bản thân phù hợp với ngành kinh tế, nên đăng ký ngành này. Trước mắt, em sẽ cố gắng học để thi tốt kỳ thi THPT quốc gia”.

Điểm tư vấn tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Yên Nghĩa (quận Hà Đông) diễn ra ngày 23-3, hướng đến đối tượng tuyển sinh là học sinh tốt nghiệp THCS cũng thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh. Chị Phan Thị Ánh, tổ dân phố Hoàng Văn Thụ, phường Dương Nội (quận Hà Đông) chia sẻ: “Đến giờ tôi mới hiểu, học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học nghề có nhiều cái lợi. Người học tiết kiệm được thời gian, dễ tìm việc làm. Gia đình giảm gánh nặng chi phí học tập cho con cái do người học được miễn học phí học nghề. Đối với những gia đình kinh tế không mấy dư dả, phụ huynh định hướng cho con học nghề sau khi tốt nghiệp THCS có lẽ là phương án tốt nhất”.

Ngày 27-3, cùng nhân viên Trung tâm Tuyển sinh và giải quyết việc làm trực tư vấn tuyển sinh tại HHT, chúng tôi liên tục được nghe những lời đề nghị hướng dẫn đăng ký tuyển sinh, tư vấn lựa chọn ngành nghề. Là một trong những người đầu tiên nộp hồ sơ dự tuyển cho năm học mới, em Đỗ Tiến Quân, tổ dân phố 1, phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) chia sẻ: “Em đã tìm hiểu về các ngành, nghề đào tạo qua nhiều kênh, ở nhiều trường khác nhau, trước khi nộp hồ sơ vào ngành công nghệ ô tô của HHT. Đây là ngành xã hội đang cần, nên em muốn học”.

Với các hình thức tuyển sinh đa dạng, kèm theo cam kết giải quyết việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nên “đầu vào” của HHT luôn vượt chỉ tiêu đề ra. “Quy mô đào tạo của nhà trường tăng từ 820 người vào năm 2010, lên 5.000 người vào năm 2018 và phấn đấu đạt khoảng 8.500 người vào năm 2020", Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và giải quyết việc làm Nguyễn Yên Thắng cho biết.

Hiệu quả tạo nên thương hiệu

Trò chuyện với những sinh viên đang học tại HHT, chúng tôi biết thêm nhiều câu chuyện thú vị. Sinh viên Nguyễn Kim Oanh, lớp điện tử chất lượng cao K7 bày tỏ: Học hết năm thứ 2 đại học, em nhận thấy ngành học của mình khó tìm việc làm. Được sự khuyến khích của anh trai - người từng học đại học, rồi chuyển hướng học nghề hàn và thành công với nghề mới, Kim Oanh quyết định chọn nghề điện tử chất lượng cao, hệ cao đẳng. “Chương trình học rất khó, nhưng có nhiều cơ hội việc làm. Sau gần 3 năm học, em thấy tự tin với con đường đã chọn”, Nguyễn Kim Oanh nói.

Cũng ở lớp điện tử chất lượng cao K7, Lê Văn Quang có điểm thi THPT quốc gia khá cao, nhưng em vẫn lựa chọn học nghề. Theo quan điểm của Lê Văn Quang, học nghề gì, ở trường nào chắc chắn có việc làm phù hợp với năng lực của bản thân, hoàn cảnh gia đình, là sự lựa chọn đúng đắn, mà không nhất thiết phải học đại học.

Ngoài những trường hợp nêu trên, HHT có hàng trăm sinh viên lựa chọn con đường học nghề để lập nghiệp. Bí thư đoàn Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội Nguyễn Minh Phương cho biết, riêng năm học 2018-2019, nhà trường đã biểu dương, khen thưởng gần 500 sinh viên có số điểm xét tuyển xuất sắc.

Được nhà trường tạo điều kiện thuận lợi trong suốt quá trình học tập, nhiều gia đình đã tin tưởng gửi gắm các con vào học. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Khắc Hoàn, thôn Yên Lỗ, xã Cẩm Yên (huyện Thạch Thất) cho hai con trai là Nguyễn Khắc Việt Huy học nghề thương mại điện tử, Khoa Ngoại ngữ - Kinh tế và Nguyễn Khắc Việt Hoàng học nghề cơ điện tử, Khoa Cơ khí. Sau gần một năm học, hai cháu đều yêu thích, xác định gắn bó lâu dài với nghề”, ông Nguyễn Khắc Hoàn bộc bạch.

Em Đỗ Văn Huy, học nghề kỹ thuật lắp đặt điện trong công nghiệp (khóa V), hiện đang làm việc tại Công ty Tự động hóa Tân Phát, xã Thanh Liệt (Thanh Trì), chia sẻ: “Yêu nghề, học nghề với tinh thần đam mê, sáng tạo là yếu tố đưa em tới thành công. Trong quá trình học, em giành được nhiều giải thưởng như Huy chương vàng ASEAN năm 2016 với nghề tự động hóa công nghiệp; danh hiệu "Người thợ trẻ giỏi Thủ đô" năm 2016…”.

Đây cũng là yếu tố mấu chốt tạo nên uy tín, thương hiệu của HHT. Với nỗ lực ấy, dù số lượng tuyển sinh đầu vào của trường khá đông, chất lượng không đồng đều, nhưng đầu ra vẫn đạt tỷ lệ hơn 95% học sinh, sinh viên tốt nghiệp; hơn 80% có kết quả học tập, rèn luyện đạt loại khá trở lên; 85% có việc làm trước khi tốt nghiệp; 97% có việc làm sau khi tốt nghiệp 3 tháng, với thu nhập bình quân đạt từ 7 đến 15 triệu đồng/người/tháng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giáo dục nghề nghiệp nhìn từ Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội: “Bốn nhà” cùng có lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.