Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chương trình Sữa học đường: Tăng số trẻ thụ hưởng

Thống Nhất| 17/04/2019 06:17

(HNM) - Sau 3 tháng triển khai, Chương trình “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020” đã nhận được sự hưởng ứng của 100% các trường công lập.

Tỷ lệ trẻ mầm non và học sinh tiểu học uống sữa học đường khối công lập đạt bình quân 92%.


Đề cao nguyên tắc tự nguyện

Để triển khai Chương trình Sữa học đường, Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý làm Trưởng ban. Công tác đấu thầu chọn đơn vị cung ứng uy tín, đủ năng lực với giá thành phù hợp được thực hiện công khai, minh bạch, tạo được niềm tin với phụ huynh học sinh.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, sau 3 tháng triển khai (từ ngày 1-1-2019), Chương trình Sữa học đường đã nhận được sự hưởng ứng của 100% các trường mầm non, tiểu học công lập. Tỷ lệ trẻ tham gia liên tục tăng, nếu như ở những ngày đầu là hơn 70%, thì đến nay đã đạt 92%, trong đó nhiều quận, huyện, thị xã có tới trên 95% số học sinh hưởng ứng. Đây là minh chứng về sự đồng thuận, quyết tâm của các cấp, ngành và phụ huynh, với mục tiêu chung là nâng cao sức khỏe cho trẻ em Hà Nội.

Cô giáo Đỗ Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Uy Nỗ (huyện Đông Anh) cho biết, ngoài việc tuyên truyền về những ưu điểm của việc cho trẻ uống sữa, nhà trường luôn đề cao nguyên tắc tự nguyện. Việc phụ huynh hoàn toàn chủ động đăng ký cho con uống sữa hoặc tạm dừng vào bất kỳ lúc nào giúp họ thoải mái và yên tâm. Hiện tỷ lệ trẻ uống sữa học đường của trường đạt 94%, trong đó có 5% số trẻ thuộc đối tượng chính sách được uống sữa miễn phí.

Trong khi đó, cô giáo Đào Thị Thanh Thảo, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Sài Sơn (huyện Quốc Oai) chia sẻ, dù trường nằm ở địa bàn nông thôn, song đến nay, đã có 95% số trẻ của trường tham gia uống sữa học đường.

Tại Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa), tỷ lệ học sinh đăng ký uống sữa học đường đạt 95%. Theo ông Phạm Thế Cường, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Cát Linh, hai con ông đều uống sữa học đường ngay từ những ngày đầu. Không chỉ giảm chi phí, việc uống sữa tại trường còn khiến các con hào hứng, tự giác chứ không phải ép như ở nhà.

Chương trình “Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2018-2020” được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt với mục tiêu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ mẫu giáo xuống dưới 5,5%; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ mẫu giáo xuống dưới 13,5%; tăng chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi từ 1,5 đến 2cm so với năm 2010. Tham gia chương trình, mỗi trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học được uống sữa 5 lần/tuần, mỗi lần một hộp 180ml. Phụ huynh học sinh góp 47% kinh phí cho mỗi hộp sữa, số tiền còn lại được huy động từ ngân sách (30%) và đơn vị cung ứng sữa (23%). 

Kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm an toàn

Vấn đề được thành phố hết sức quan tâm là việc kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Ở hầu hết nhà trường, ban giám hiệu, hội phụ huynh đều phối hợp thường xuyên kiểm tra sản phẩm cung ứng; bảo đảm quy trình lưu giữ mẫu hằng ngày… Nhiều quận, huyện thành lập ban chỉ đạo an toàn thực phẩm tăng cường kiểm tra đột xuất tại các trường học.


Tuy nhiên, kết quả kiểm tra về an toàn thực phẩm của Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội tại các trường học mới đây cho thấy, do các trường đều bị hạn chế về cơ sở vật chất, kho chứa, trong khi số lượng học sinh uống sữa học đường ngày càng nhiều nên việc bảo quản sữa theo đúng quy chuẩn, tránh để vi khuẩn xâm nhập đang là vấn đề cần được lưu tâm. Một số trường, trong đó có Trường Tiểu học Uy Nỗ (huyện Đông Anh) do diện tích kho chứa nhỏ, nên ngay khi nhận sữa từ đơn vị cung ứng đã chuyển về các lớp để tự bảo quản, cho trẻ sử dụng ngay. Tuy nhiên, có những trường chưa quan tâm đến việc bảo quản sữa theo đúng quy chuẩn về nhiệt độ phòng, để sữa ở sát tường, sát nền gạch, để chung sữa với nhiều loại thực phẩm khác (như tại Trường Mầm non Thọ Lộc, Trường Tiểu học Vân Phúc, đều thuộc huyện Phúc Thọ).

Sau khi đoàn kiểm tra lưu ý, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, sẽ đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất cho các nhà trường, tập trung khắc phục những bất cập về kho chứa sữa, nhằm hạn chế những nguy cơ mất an toàn cho học sinh.

Sau ba tháng triển khai, số lượng trẻ tham gia uống sữa học đường ở khối công lập có tỷ lệ cao nhưng ở khối ngoài công lập còn hạn chế. Tìm hiểu thực tế được biết, lý do chính là các nhóm lớp mầm non tư thục thiếu phòng để bảo quản sữa; một số chủ nhóm lớp ngại thêm việc, nhất là với việc kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm khi tổ chức cho trẻ uống sữa học đường, nên chưa tiếp cận với chương trình. Điều này dẫn đến thiệt thòi cho trẻ. Chị Hoàng Thị Lan (phụ huynh nhóm lớp Mầm non tư thục Tuổi thơ, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) tâm sự: "Vợ chồng tôi đều là công nhân ở Khu công nghiệp Phú Nghĩa, do số trẻ ra lớp trên địa bàn đông, nên không thể xin gửi con vào trường công lập. Bởi vậy chúng tôi rất mong các nhóm lớp mẫu giáo tư thục sớm tiếp cận với Chương trình Sữa học đường để con em chúng tôi đỡ thiệt thòi…".

Trước thực trạng trên, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tiếp tục tuyên truyền để chủ cơ sở nhận thức rõ hơn về mục đích của Chương trình Sữa học đường. Một giải pháp cũng đang được nghiên cứu là giao cho các trường mầm non công lập có cơ sở vật chất tốt hỗ trợ về địa điểm bảo quản sữa cho các nhóm lớp tư thục lân cận…

Ông Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhấn mạnh: "Mặc dù tỷ lệ trẻ mầm non và học sinh tiểu học uống sữa học đường ở khối công lập đã đạt bình quân 92% và vẫn đang có chiều hướng tăng, song ở các nhóm trẻ ngoài công lập, số trẻ được uống sữa học đường còn thấp. Đây là vấn đề sẽ được đặc biệt quan tâm trong thời gian tới, nhằm tạo sự bình đẳng cho mọi trẻ em, đúng như mục tiêu của Chương trình Sữa học đường đã đặt ra".

Trước một số ý kiến băn khoăn về sản phẩm sữa đang được triển khai tại các trường mầm non, tiểu học theo Chương trình Sữa học đường, tại hội nghị giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 16-4, bác sĩ Trần Khánh Vân, Phó Trưởng khoa Vi chất dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia Việt Nam cho biết, các loại vi chất dinh dưỡng và hàm lượng vi chất dinh dưỡng đưa vào sản phẩm sữa học đường tại Hà Nội hoàn toàn phù hợp với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình Sữa học đường: Tăng số trẻ thụ hưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.