Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lan tỏa những tấm gương làm theo lời Bác

Thống Nhất| 18/05/2019 07:17

(HNM) - Đã thành thông lệ, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là thời điểm kết thúc một năm học, những học sinh tiêu biểu của Thủ đô lại có cơ hội gặp gỡ, cùng nhau chia sẻ bí quyết trong học tập và rèn luyện.

Một giờ học toán của học sinh Trường Tiểu học Phù Đổng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Bá Hoạt


Những cháu ngoan Bác Hồ

Năm nay, gần 1.000 học sinh tiêu biểu đã vinh dự có mặt tại lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh tiêu biểu Thủ đô năm học 2018-2019, do Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức. Đây là những học sinh xuất sắc trong học tập và rèn luyện, đại diện cho gần 2 triệu học sinh các cấp học của ngành Giáo dục Thủ đô.
Em Nguyễn Hồng Ánh, lớp 10A3, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ là một tấm gương như thế. Hoàn cảnh của Ánh rất khó khăn, ở với ông bà nội từ nhỏ, sức khỏe yếu, từng phải nghỉ học một năm để phẫu thuật, nhưng em vẫn là học sinh giỏi. Đây thực sự là một kết quả không dễ dàng khi mà chất lượng “đầu vào” của trung tâm ở mức khiêm tốn. Biết ơn các thầy giáo, cô giáo, Nguyễn Hồng Ánh hứa sẽ nỗ lực học tập để trở thành một giáo viên trong tương lai.

Không chỉ nỗ lực học tập tốt, học sinh Thủ đô còn tự hào bởi những tấm gương có phẩm chất đạo đức tốt, thật thà, trung thực. Tiêu biểu là em Bùi Thị Nga, lớp 7A Trường Trung học cơ sở Trung Châu (huyện Đan Phượng). Dù còn nhỏ, nhưng đã có hành động đẹp, khi trên đường đi học về, em nhặt được 23 triệu đồng, đã báo với gia đình để tìm người đánh rơi số tiền trên và trả lại. Học sinh Đặng Gia Nguyên, lớp 9A, Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm) cũng có hành động đẹp tương tự, khi trả lại cho người đánh rơi 47 triệu đồng.

Những tấm gương ấy đã và đang lan tỏa tới gần 2 triệu học sinh Thủ đô, với cùng mục tiêu ra sức học tập, rèn luyện, xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ.

Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, với mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nền tảng để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển Thủ đô và đất nước, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chủ động, tích cực tham mưu UBND thành phố tăng cường nguồn lực đầu tư cho các điều kiện học tập của học sinh. Đây vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp của ngành Giáo dục Thủ đô trong việc xây dựng môi trường học tập khang trang, hiện đại, an toàn và thân thiện để học sinh phát huy tối đa năng lực, hoàn thiện nhân cách, trở thành những công dân có ích.

Trong 5 năm gần đây, toàn thành phố đã triển khai đầu tư 980 dự án cải tạo và xây mới trường, lớp học với tổng kinh phí hơn 24.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách, các dự án xã hội hóa phát triển tập trung tại các quận và khu vực có điều kiện thuận lợi về kinh tế - xã hội. Cách thức đầu tư này không chỉ nhằm hỗ trợ cho các địa phương còn khó khăn, mà còn góp phần giảm dần sự chênh lệch về điều kiện dạy - học ở các nhà trường, giúp mọi học sinh, dù sinh sống, học tập ở địa bàn nào cũng đều được tiếp cận với các điều kiện học tập có chất lượng.

Đặc biệt, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp thành phố đến cơ sở. Những năm gần đây, năm nào chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia của thành phố cũng vượt kế hoạch. Đơn cử, năm 2018, toàn thành phố xây dựng thêm 121 trường học đạt chuẩn, đạt 151% kế hoạch giao. Hiện, tỷ lệ trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia của thành phố Hà Nội đã đạt gần 70%.

Nhờ sự quan tâm, vào cuộc của thành phố và các cấp, ngành nên dù có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, song nhiều năm qua, ngành Giáo dục Thủ đô luôn nằm trong tốp các đơn vị dẫn đầu cả nước về chất lượng giáo dục. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, sự chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục Thủ đô đều khắp ở các cấp học, các nhà trường, kể cả trường công lập và trường ngoài công lập. Một trong những kết quả tiêu biểu đó là trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, Hà Nội dẫn đầu cả nước về số bài thi đạt điểm 10; 72 đơn vị đạt tỷ lệ tốt nghiệp 100% và tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông của toàn thành phố đạt 99,38%, cao hơn gần 2% so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số lượng và chất lượng giải với 134 giải, trong đó có 11 giải Nhất. Tại các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, học sinh Hà Nội cũng khẳng định tài năng với 197 giải và huy chương. Những kết quả này không chỉ tô thắm truyền thống 65 năm của ngành Giáo dục Thủ đô, mà còn tiếp tục giữ vững niềm tin tưởng, tự hào của phụ huynh học sinh và nhân dân với ngành.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa những tấm gương làm theo lời Bác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.