Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó nhân rộng mô hình trường tiên tiến

Thanh Tàu| 18/10/2019 07:54

(HNM) - Ngành Giáo dục thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai mô hình dạy học tiên tiến ở cấp tiểu học gần 4 năm qua. Thế nhưng kết quả chưa được như mong muốn nên khó nhân rộng mô hình này. Nguyên nhân do áp lực gia tăng dân số cơ học, kéo theo áp lực tuyển sinh các lớp đầu cấp, học phí thu thấp, cơ sở vật chất cũ chưa được cải thiện xây mới...

Một giờ học của học sinh Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú - một trong những trường đang triển khai mô hình trường học tiên tiến.

Để góp phần đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự phát triển của thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã ban hành Đề án xây dựng trường tiên tiến hội nhập tại Quyết định số 3036/QĐ-UBND ngày 20-6-2014. Theo đó, mỗi trường tiên tiến ở từng cấp học, từ mầm non trở lên, sẽ có những tiêu chí cụ thể: Ở bậc mầm non, trường học được đánh giá đạt cấp độ 2 về kiểm định chất lượng giáo dục, có các dịch vụ cung ứng như hoạt động làm quen ngoại ngữ, âm nhạc, vẽ, thể dục, bơi, đá bóng, võ thuật, tâm lý...

Ở bậc tiểu học, mỗi lớp không được quá 30 học sinh, trường học được tổ chức học hai buổi/ngày, đạt các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng giáo dục. Riêng đối với bậc THCS, mỗi lớp học không quá 30 học sinh, 100% học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên, hơn 90% học sinh sử dụng được tiếng Anh trình độ A2 theo khung năng lực ngoại ngữ quốc gia... Nhiều phụ huynh học sinh rất hứng khởi cho con em theo học các trường áp dụng mô hình này.

Tuy nhiên, theo báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, qua 4 năm triển khai, mới chỉ có 13 trường tiểu học thực hiện được mô hình tiên tiến trong tổng số hơn 350 trường tiểu học trên toàn thành phố. Cụ thể, năm học 2016-2017, toàn thành phố có 8 trường tiểu học thực hiện theo mô hình tiên tiến. Đến năm 2017-2018 có thêm 4 trường. Năm học 2018-2019 không có trường nào đăng ký. Đến năm học 2019-2020 có thêm một trường đăng ký mới là Trường Tiểu học Linh Chiểu (quận Thủ Đức).

Bà Trương Diệu Thừa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bàu Sen, quận 5 cho biết, đã là năm thứ 3, trường áp dụng mô hình dạy học tiên tiến. Tuy nhiên, do địa bàn dân cư đông, phòng học chưa được xây mới nên số học sinh trung bình mỗi lớp trong năm học 2016-2017 là 34 em; riêng năm học 2018-2019 lên đến 37 em.

Tương tự, ông Nguyễn Thế Dũng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Trường Toản, quận 10 cho hay, nhà trường đã rất nỗ lực trong việc mua sắm các thiết bị dạy học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất đã xuống cấp, nguồn kinh phí còn hạn chế; việc tuyển dụng giáo viên đủ tiêu chuẩn muốn vào làm việc tại các trường công lập là rất khó… từ đó dẫn đến khó đáp ứng theo quy định về cơ sở vật chất và chất lượng đội ngũ giáo viên theo yêu cầu.

Theo quy định, các trường ứng dụng mô hình giáo dục tiên tiến được thu không quá 1.500.000 đồng/học sinh/tháng để áp dụng phương pháp giáo dục hiện đại, tăng cường thực hành, giảm lý thuyết, tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Vậy nhưng, mức thu này cũng chưa đáp ứng yêu cầu chất lượng dạy và học.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc này, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cần thay đổi tư duy từ áp dụng mô hình trường tiên tiến một cách đại trà sang việc mỗi quận, huyện chọn vài trường điểm có đủ điều kiện thực hiện thí điểm mô hình này trước khi nhân rộng. Theo Nghị quyết Đảng bộ Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố, từ năm học 2019-2020, phấn đấu xây dựng ở mỗi quận, huyện có ít nhất 3 trường ở mỗi cấp học thực hiện mô hình dạy học tiên tiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó nhân rộng mô hình trường tiên tiến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.