Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sơ cấp cứu tại trường học: Nhu cầu bức thiết

Minh Ngọc| 25/10/2019 08:45

(HNM) - Ở độ tuổi hiếu động, lại thích tìm tòi, khám phá, học sinh tại các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung có nguy cơ bị tai nạn thương tích trong thời gian ở trường. Do đó, việc xây dựng, triển khai các hoạt động sơ cấp cứu tại trường học đã, đang là nhu cầu bức thiết.

Nhiều nguyên nhân gây thương tích

Cuối tháng 8-2019, cháu Kiều Thị M.A (sinh năm 2017), xã Tam Đồng, huyện Mê Linh bị đu quay đập vào chân khi đang chơi trong sân Trường Mầm non xã Tam Đồng. Sau khi thăm khám, các bác sĩ kết luận cháu M.A bị chấn thương ở chân, phải điều trị. Trước đó, vào tháng 3-2018, 3 học sinh Trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, quận Hai Bà Trưng đang ngồi học thì bị một mảng vữa trên trần lớp học bong ra, rơi trúng đầu, gây tổn thương phần mềm.

Trường Tiểu học Quan Hoa (quận Cầu Giấy) thực hiện tốt hoạt động sơ cấp cứu. Ảnh: Hà Hiền

Trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, quận Nam Từ Liêm từng có một học sinh ngã từ tầng hai xuống đất trong khi đùa nghịch với bạn vào năm 2017. Cũng trong năm 2017, Trường Tiểu học Nguyễn Trãi, quận Hà Đông có học sinh rơi từ tầng 3 xuống đất, bị chấn thương vùng xương chậu và chân. Nguyên nhân được xác định là do học sinh này trèo qua lan can để lấy quả cầu và không may trượt chân rơi xuống. Cần lưu ý, Trường Trung học phổ thông Phan Đình Phùng, quận Ba Đình đã có học sinh bị bỏng do nổ cồn trong phòng thí nghiệm…

Từ những vụ việc nêu trên có thể nhận thấy, tai nạn thương tích tại trường học xảy ra ở mọi cấp học, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Điều đáng nói, trên thực tế, số học sinh, sinh viên bị tai nạn thương tích ở trường học chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tổng số các vụ tai nạn xảy ra tại cộng đồng. Ông Nguyễn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy cho biết, giai đoạn 2016-2018, toàn phường xảy ra 294 ca tai nạn thương tích, trong đó có 82 ca là học sinh, sinh viên, chiếm gần 28%. Địa điểm xảy ra tai nạn tại trường học có 38 ca, chiếm gần 13%... Tương tự, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng đã xảy ra 381 ca tai nạn thương tích giai đoạn 2016-2018, trong đó đối tượng là học sinh, sinh viên chiếm hơn 32%. Địa điểm xảy ra tai nạn tại trường học có 39 ca, chiếm hơn 10%...

Tuy chưa có con số thống kê đầy đủ, nhưng qua các đợt kiểm tra thực tế về hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích tại cộng đồng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Sở Y tế Hà Nội ghi nhận, hầu hết các địa phương còn để xảy ra tai nạn thương tích ở trường học. Thực trạng này đòi hỏi đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh các nhà trường phải có kỹ năng sơ cấp cứu, nhằm hỗ trợ kịp thời cho các nạn nhân.

Nâng cao năng lực sơ cấp cứu

Nhằm giảm thiểu những tác hại do tai nạn thương tích gây ra đối với nạn nhân, gia đình, nhà trường, ngành Giáo dục, ngành Y tế Hà Nội đã, đang khuyến khích các nhà trường chủ động phòng, chống những nguy cơ gây tai nạn, đồng thời nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh. Theo đó, các trường học từ bậc mầm mon đến trung học phổ thông đã trang bị các thiết bị sơ cấp, cứu; bố trí lực lượng ứng trực để có thể ứng phó kịp thời với các tình huống không may xảy ra.

Điển hình là Trường Tiểu học Khương Mai, quận Thanh Xuân đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng triển khai dự án “Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tại trường học và cộng đồng”. Thông qua việc thực hiện dự án, từ tháng 11-2018 đến nay, đội ngũ cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Khương Mai đã được trang bị những kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu; học sinh khối 4 và 5 cũng được tập huấn sơ cấp cứu. Em Nguyễn Thành Đạt, học sinh khối 5, Trường Tiểu học Khương Mai cho biết: "Nhờ những kiến thức được trang bị, chúng em đã biết những kỹ năng sơ cứu cơ bản đối với từng loại thương tích. Chẳng hạn, nếu các bạn bị thương do ngã gây chảy máu ngoài, trước hết, chúng em phải đặt miếng băng gạc hoặc miếng vải sạch lên vết thương rồi ép trực tiếp. Trong trường hợp không có băng gạc thì phải dùng tay ép vết thương. Sau đó, chúng em mới tiến hành băng bó vết thương cho nạn nhân…".

Tại Trường Tiểu học Quan Hoa, quận Cầu Giấy, việc nâng cao năng lực sơ cấp cứu cho đội ngũ cán bộ, giáo viên và học sinh là giải pháp hữu hiệu để giảm thiểu những rủi ro do tai nạn thương tích. Bà Hoàng Anh Vân, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quan Hoa cho hay: "Tham gia tập huấn sơ cấp cứu, học sinh được tiếp xúc với các tình huống giả định về tai nạn thương tích. Qua đó các em thấy rõ hơn những nguy cơ có thể xảy ra và dần dần hình thành ý thức tự phòng, tránh…".

Ngoài mạng lưới trường học, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố đang triển khai sâu rộng Kế hoạch số 5217/KH-SYT ngày 22-11-2018 của Sở Y tế Hà Nội về đào tạo nhân lực, nâng cao chất lượng hệ thống cấp cứu trước bệnh viện giai đoạn 2018-2022. Nhờ đó, đến thời điểm này, đại đa số nạn nhân bị tai nạn thương tích tại trường học và cộng đồng đã được sơ cấp cứu đúng cách, kịp thời trước khi đưa đến bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sơ cấp cứu tại trường học: Nhu cầu bức thiết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.