Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập: Kiên quyết xử lý sai phạm

Thống Nhất| 15/11/2019 06:34

(HNM) - Liên tiếp các vụ tai nạn thương tích xảy ra tại cơ sở mầm non ngoài công lập ở nhiều địa phương trong những ngày gần đây, khiến dư luận băn khoăn, đặt câu hỏi về trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với loại hình này. Ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp để quản lý giáo dục mầm non ngoài công lập, song vẫn còn không ít hạn chế. Tăng cường giám sát, kiên quyết xử lý sai phạm là quyết tâm của Hà Nội, nhằm đưa hoạt động của các cơ sở mầm non ngoài công lập vào nền nếp, bảo đảm an toàn cho trẻ.

Thành phố Hà Nội đã có những giải pháp cụ thể, thiết thực trong quản lý các cơ sở mầm non ngoài công lập. Ảnh: Sơn Hà

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Trên địa bàn thành phố hiện có 1.145 trường mầm non, trong đó có 369 trường ngoài công lập và gần 2.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tổng số trẻ đang được chăm sóc, giáo dục tại các trường, nhóm trẻ là gần 590.000 cháu và khoảng 30% trong số này được gửi tại các cơ sở mầm non ngoài công lập.

Mỗi năm, thành phố có thêm từ 25.000 đến 30.000 trẻ mầm non đến lớp, song số lượng trường, lớp còn hạn chế, chưa đủ đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh. Thực tế này kéo theo nhiều khó khăn cho công tác quản lý.

Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Hoàng Thanh Hương cho biết, khó khăn tập trung ở việc quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Tại một số địa bàn còn có tình trạng nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục chưa được cấp phép thành lập, nhưng đã tiếp nhận trẻ; số lượng trẻ/nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục vượt quá quy định (quá 70 trẻ/nhóm); việc tuân thủ quy định về chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của giáo viên ở một số nơi còn hạn chế...

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, trong số gần 2.700 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, tỷ lệ cơ sở được cấp phép là 99,7%; 118 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có số lượng trẻ vượt quá quy định.

Tuy nhiên, theo bà Đặng Thị Yến, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ, số liệu này có thể khác nhau ở từng thời điểm do các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục thường "mọc lên" len lỏi ở khu dân cư, rất khó quản lý, kiểm soát.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Hànộimới, khá nhiều nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đang hoạt động, nhưng còn thiếu điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất, thiết bị chăm sóc, giáo dục và bảo đảm an toàn cho trẻ.

Nhiều nhóm trẻ, lớp mẫu giáo ở xã Kim Chung (huyện Đông Anh) nằm ở tòa nhà cao tầng - là khu nhà ở của công nhân, diện tích chật hẹp, không có sân chơi; đa phần nhóm trẻ ở xã Ngọc Hòa và xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) có địa điểm được cải tạo từ nhà dân nên chắp vá, thiếu khu bếp và khu vệ sinh không khép kín; nhiều nhóm trẻ ở huyện Thanh Trì có địa điểm là nhà cao trên 3 tầng, có thể gây khó khăn khi thoát hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố, cháy nổ...

Điều đáng nói khác là, sự bấp bênh về số lượng và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên cũng là thách thức không nhỏ với cơ quan quản lý, nhằm hạn chế các nguy cơ, rủi ro đang tiềm ẩn ở loại hình này.

Công khai thông tin, chú trọng hậu kiểm

Cần giám sát, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm những cơ sở mầm non ngoài công lập có sai phạm. Ảnh: Thái Hiền

Một trong những mục tiêu, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Hà Nội trong năm học 2019-2020 là quyết tâm đưa hoạt động của các cơ sở mầm non ngoài công lập vào nền nếp, không để xảy ra các sự việc gây mất an toàn về sức khỏe và tinh thần cho trẻ. Mục tiêu này đang được các đơn vị cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp.

Rút kinh nghiệm từ sự việc cô giáo có hành vi chưa phù hợp khi ghì tay lên trán, ép trẻ ăn tại một nhóm trẻ tại xã Kim Chung ngày 27-9-2019, bà Nguyễn Thị Tám, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh cho biết, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm túc rà soát các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn; xử lý nghiêm sai phạm và kiên quyết giải thể, thu hồi giấy phép thành lập của các cơ sở không chấp hành quy định pháp luật. Huyện cũng công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến từng thôn, xóm danh sách các cơ sở đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị giải thể.

Theo bà Phạm Đàm Thục Hạnh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai, toàn quận hiện có 416 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục, tăng 44 cơ sở so với năm trước và là địa phương luôn đối mặt với áp lực về quy mô học sinh/lớp ở cấp mầm non. Với chủ đề trọng tâm của năm học là “Kỷ cương trong quản lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục”, quận đặc biệt chú trọng công tác hậu kiểm với các đơn vị sau khi được cấp phép hoạt động.

Việc hậu kiểm này được triển khai toàn diện, trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ, hướng dẫn đội ngũ giáo viên tuân thủ nghiêm quy chế chuyên môn và kỹ năng, quyết tâm không để xảy ra các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.

Còn theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Tây Hồ, quận đã xây dựng tiêu chí đánh giá chung về các mặt hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non, chỉ ra hạn chế của từng đơn vị để có giải pháp chấn chỉnh kịp thời và công khai cho phụ huynh biết.

Liên quan đến vấn đề này, bà Hoàng Thanh Hương, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, thời gian qua, các địa phương đã rất quyết liệt trong việc kiểm tra, xử lý các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có sai phạm. Cụ thể, đã có 46 cơ sở bị đình chỉ, giải thể; 50 cơ sở bị xử phạt hành chính...

Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tăng cường trách nhiệm, tham mưu cho chính quyền địa phương thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình hoạt động của các cơ sở mầm non sau khi được cấp phép, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của UBND xã, phường, thị trấn, bởi đây là cấp có trách nhiệm trực tiếp.

Sở cũng đã xây dựng được 72 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục làm điểm tại một số xã, phường, thị trấn; duy trì việc công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành (http://sogd.hanoi.gov.vn) và của 30 phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã “Danh sách nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục đã được cấp phép trên địa bàn thành phố Hà Nội”, với đầy đủ thông tin về địa chỉ, số điện thoại liên hệ, quy mô trẻ, thời hạn cấp phép...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập: Kiên quyết xử lý sai phạm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.