Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nền tảng nâng chất lượng giáo dục Thủ đô

Thống Nhất| 15/11/2019 15:30

(HNNN) - Giáo dục Thủ đô đang ở dấu mốc kỷ niệm tròn 65 năm thành lập. Chặng đường ấy có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ nhà giáo. Họ đã không ngừng tu dưỡng, rèn luyện trong những phong trào, cuộc vận động, trở thành những nhà giáo mẫu mực, là tấm gương sáng cho bao lớp học trò noi theo, góp phần tạo nên ngày càng nhiều những ngôi trường văn hóa ở Thủ đô.

Nhìn về khởi nguồn

Năm học 2019 - 2020 là năm học có ý nghĩa quan trọng với ngành Giáo dục Thủ đô bởi dấu ấn tròn 65 năm tuổi. Một trong những cuộc vận động có ý nghĩa trong một hành trình dài, thúc đẩy đội ngũ nhà giáo Thủ đô không ngừng hoàn thiện, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, góp phần tích cực vào những chuyển biến của ngành Giáo dục Thủ đô thời gian qua là cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”. Đây được coi là mục tiêu, cũng là nhiệm vụ trọng tâm của mỗi trường học trên địa bàn Thủ đô trong suốt 15 năm qua, kể từ ngày khởi xướng cuộc vận động.

Ông Đỗ Văn Nam, Phó Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội nhớ lại: Thực hiện Chỉ thị số 40/2004/CT-TƯ ngày 15-6-2004 của Ban Chấp hành Trung ương “Về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”, năm 2005, Sở Giáo dục - Đào tạo và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội đã phát động cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch”. Cuộc vận động nhằm mục tiêu xây dựng các trường học ngày càng đẹp hơn về khung cảnh, về giao tiếp, ứng xử, lối sống gắn với những nét đẹp truyền thống của người Hà Nội đồng thời có chất lượng giáo dục cao. Cuộc vận động đã nhanh chóng lan tỏa ở khắp các trường học của Thủ đô, nhận được sự ủng hộ tích cực của mỗi nhà giáo và duy trì bền vững trong suốt 15 năm qua.

Cũng theo ông Đỗ Văn Nam, nội dung cuộc vận động nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trong việc tu dưỡng, hoàn thiện để trở thành những nhà giáo mẫu mực, từ đó tác động đến việc hình thành đạo đức, nhân cách học sinh, góp phần xây dựng nhà trường văn hóa. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tùy theo yêu cầu nhiệm vụ từng giai đoạn, ngành Giáo dục Hà Nội còn triển khai nhiều cuộc vận động khác như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Dân chủ, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Cô giáo - người mẹ hiền”...

Nhận thức rõ việc triển khai cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” là điều kiện quan trọng, tạo nền tảng thúc đẩy sự phát triển bền vững của mỗi nhà trường, ngay từ khi khởi xướng, lãnh đạo ngành Giáo dục đã chỉ đạo các đơn vị, trường học cụ thể hóa nội dung của cuộc vận động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ thực tế.

Xác định nhân lực là yếu tố quyết định, tác động mạnh mẽ đến mọi phương diện hoạt động của nhà trường, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận Hoàn Kiếm Lê Đức Thuận cho biết: Ngành Giáo dục quận kiên trì xây dựng phong cách nhà giáo Hoàn Kiếm mẫu mực, đẩy mạnh việc thực hiện quy tắc ứng xử trong trường học, trong đó nhấn mạnh vai trò nêu gương của đội ngũ nhà giáo về đạo đức, tự học và sáng tạo.

Với cùng nhận thức về vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong việc xây dựng văn hóa nhà trường, ngành Giáo dục quận Tây Hồ đã có nhiều giải pháp để tăng cường năng lực và khích lệ đội ngũ nhà giáo nỗ lực cống hiến. Theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo quận, ngoài việc tạo cơ hội để nhà giáo thường xuyên học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng, Phòng Giáo dục - Đào tạo quận đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp. Từ năm học 2019 - 2020, quận yêu cầu mỗi trường học trên địa bàn căn cứ theo điều kiện thực tế để xây dựng quy tắc ứng xử phù hợp, quy định rõ những cách thức ứng xử phù hợp của từng thành viên trong nhà trường, trong đó chú trọng việc hình thành cho nhà giáo thói quen thực hiện các hành vi chuẩn mực theo yêu cầu nghề nghiệp. Đây được coi là giải pháp thiết thực để hạn chế các hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo.

Không ngừng phát triển và cống hiến

Thành quả của sự đầu tư và đồng hành của các phong trào, cuộc vận động của ngành là sự phát triển không ngừng về quy mô và chất lượng của đội ngũ nhà giáo Thủ đô. Với đội ngũ hơn 155.000 nhà giáo đang làm công tác quản lý, giảng dạy tại hơn 2.700 trường mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục Thủ đô hiện là đơn vị có số lượng nhà giáo lớn nhất cả nước.

Không chỉ lớn mạnh về quy mô, với sự nỗ lực của bản thân mỗi nhà giáo, đội ngũ nhà giáo Thủ đô đã không ngừng hoàn thiện mình theo các tiêu chí nhà giáo mẫu mực với ba yếu tố: Phẩm chất tốt, chuyên môn giỏi, phong cách đẹp. Những yếu tố ấy không chỉ thể hiện ở con số 100% giáo viên đứng lớp đều có trình độ đào tạo đạt chuẩn, trong đó tỷ lệ giáo viên có trình độ đào tạo trên chuẩn đạt từ 70% đến hơn 90% (tùy từng cấp học) - cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước, mà còn qua những việc cụ thể hằng ngày, tạo nên những nét đẹp riêng có, làm lan tỏa toàn ngành, được đồng nghiệp trên cả nước biết đến và khâm phục, tự hào.

Đó là câu chuyện của cô giáo Đinh Thị Thủy, Trường Tiểu học Yên Bài B, huyện Ba Vì suốt 12 năm qua không quản ngại khó khăn và sự kỳ thị, tình nguyện chăm sóc, dạy học cho những trẻ có HIV tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội; là cô giáo Mai Thị Lan, với tinh thần gương mẫu, trách nhiệm và tấm lòng của một người mẹ, cô không chỉ hoàn thành tốt vai trò Hiệu trưởng của Trường THCS Đức Giang, quận Long Biên, mà còn nhận đỡ đầu nhiều học sinh khó khăn trong suốt 10 năm qua; đó là tấm gương cô giáo Dương Thị Thu Hà, Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông đã dành nhiều thời gian và tâm huyết, thiết kế thành công thiết bị giúp trẻ mắc hội chứng down có thể học đọc với mong muốn giúp các em bớt thiệt thòi... Đó còn là tấm gương của tập thể gần 50 thầy, cô giáo Trường THPT Minh Quang, huyện Ba Vì - ngôi trường có “đầu vào” thấp nhất Thủ đô. Do trường nằm ở khu vực miền núi, xa khu dân cư, suốt 5 năm qua kể từ ngày thành lập (năm 2014) đến nay, gần một nửa trong số giáo viên của trường vẫn cần mẫn, không quản ngại mưa nắng di chuyển từ 40 - 50km hằng ngày để đến trường. Vậy mà những nhà giáo ấy vẫn kiên trì bám trường, bám lớp với cùng nỗi trăn trở: Làm sao để níu từng học sinh ở lại lớp, giảm tình trạng học sinh bỏ học.

Đó chỉ là một vài trong số hàng trăm nghìn tấm gương nhà giáo đang ngày đêm miệt mài đem tâm sức, trí tuệ, sự nhiệt huyết, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp để cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, góp sức xây dựng các nhà trường văn hóa ở Thủ đô. Và như Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng nhận định: Để đạt mục tiêu đi tiên phong trong việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành Giáo dục Thủ đô đang đứng trước nhiều thách thức.

Trong đó, việc xây dựng những trường học văn hóa với nhiều thế hệ học sinh văn minh, thanh lịch - tạo nguồn nhân lực cho Thủ đô và đất nước là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Nhiệm vụ ấy có phần trách nhiệm nặng nề của mỗi nhà giáo trong việc không ngừng tu dưỡng, hoàn thiện mình theo các tiêu chí của nhà giáo mẫu mực. Một hành trình dài đã qua càng cho thấy ý nghĩa tích cực và đa chiều của cuộc vận động “Xây dựng nhà trường văn hóa, nhà giáo mẫu mực, học sinh thanh lịch” vẫn đang ngày càng lan tỏa.      

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nền tảng nâng chất lượng giáo dục Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.