Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai

Minh Ngọc| 24/11/2019 07:06

(HNM) - Ngày 23-11, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị về “Chính sách phát triển toàn diện trẻ em”. Chủ trì hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, nước ta luôn nhất quán quan điểm: Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển toàn diện, bền vững.

Hiện Việt Nam có 95% trẻ em nhập học đúng độ tuổi, đạt mốc phổ cập tiểu học. Ảnh: Mạnh Hà

Vẫn còn khoảng trống về chính sách

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đánh giá, đến thời điểm này, nước ta đã xây dựng, ban hành và triển khai đồng bộ nhiều chính sách đối với trẻ em. Luật Trẻ em (năm 2016) đã quy định rõ về quyền, bổn phận của trẻ em; nguyên tắc, biện pháp thực hiện quyền trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân… Việc thực thi các chính sách đã góp phần tạo ra môi trường an toàn để trẻ em có cơ hội phát triển toàn diện.

Minh chứng cho nhận định này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, hiện nước ta có 95% trẻ em nhập học đúng độ tuổi, đạt mốc phổ cập tiểu học; gần 99% trẻ em dưới một tuổi được tiêm chủng đầy đủ; gần 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhận được sự trợ giúp kịp thời. Đa số trẻ em được tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí…

Tuy vậy, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em ở nước ta hiện nay còn những khoảng trống và đang bộc lộ những bất cập, hạn chế, khiến không ít trẻ em phải chịu thiệt thòi; một số quyền của trẻ em chưa được thực hiện… Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Ngô Thị Minh cho hay, theo Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em, thì trẻ em là người dưới 18 tuổi, nhưng Luật Trẻ em của nước ta lại quy định, trẻ em là người dưới 16 tuổi. Do đó, nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được coi là thanh niên, trong khi Luật Thanh niên chỉ quy định quyền của nhóm từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi mang tính nguyên tắc, chưa có quy định cụ thể về chính sách. Hơn nữa, Bộ luật Dân sự hiện hành quy định, tuổi thành niên là từ đủ 18 tuổi, đồng nghĩa với việc nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chưa được hưởng đầy đủ các quyền của trẻ em, nhưng cũng chưa có các quyền và nghĩa vụ của người thành niên…

Về công tác quản lý nhà nước, nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thuộc đối tượng quản lý của ngành Nội vụ, trong khi cấp cơ sở không có cán bộ chuyên trách làm công tác quản lý nhóm người ở độ tuổi này, nên không ít người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi có hoàn cảnh đặc biệt chưa được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển toàn diện.

Đáng nói hơn, nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; một số ngành, địa phương chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đối với trẻ em… “Giai đoạn từ 0 đến 8 tuổi và từ 16 đến 18 tuổi là những dấu mốc phát triển quan trọng của đời người. Vì vậy, Việt Nam cần khắc phục những bất cập về cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện càng sớm càng tốt”, Trưởng Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) Rana Flowers khuyến nghị.

Ưu tiên đầu tư cho giai đoạn “vàng”

Để trẻ em Việt Nam có cơ hội phát triển tốt hơn, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung mong muốn Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu đưa mục tiêu, chỉ tiêu bảo đảm quyền trẻ em vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030; rà soát, hoàn thiện thể chế bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, ưu tiên lĩnh vực bảo vệ trẻ em và thiết lập môi trường sống an toàn cho trẻ. Trong công tác chỉ đạo, điều hành, các ngành, địa phương bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở cấp cơ sở; phân bổ nguồn ngân sách hợp lý cho các chương trình, hoạt động liên quan đến trẻ em… Cùng với đó, các ngành, địa phương cần tạo ra mạng lưới kết nối giữa các cấp, các tuyến dịch vụ và thiết lập mô hình dịch vụ chăm sóc, phát triển toàn diện tại gia đình, cộng đồng cho nhóm trẻ em dưới 8 tuổi, trong đó ưu tiên cho giai đoạn 1.000 ngày đầu đời - giai đoạn "vàng" cho sự phát triển của trẻ.

Nhằm bảo đảm quyền lợi cho nhóm người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Đình Bốn kiến nghị, các cơ quan chức năng nghiên cứu nâng độ tuổi của trẻ em Việt Nam lên dưới 18 tuổi, thay vì đến 16 tuổi như hiện nay. Quan điểm này nên được thể hiện rõ ràng, nhất quán trong Bộ luật Dân sự, Luật Trẻ em, Luật Thanh niên, làm cơ sở cho các ngành, địa phương xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp.

Chia sẻ tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, cùng với việc hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng tăng cường các nguồn lực đầu tư cho trẻ em, các cơ quan quản lý nhà nước, gia đình, nhà trường và cộng đồng cần lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động. Quan điểm dạy con “yêu cho roi, cho vọt” nên được thay thế bằng “bố, mẹ là những người bạn của con”…

Lắng nghe ý kiến của các đại biểu, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng khẳng định, nước ta luôn nhất quán quan điểm: Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, tương lai của đất nước. Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai, cho sự phát triển toàn diện, bền vững. Theo đó, những bất cập về cơ chế, chính sách sẽ được Quốc hội và các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với quy luật phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.